Tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới

Kiên Giang thúc đẩy nghề nuôi biển

(PLO)- Sở hữu tiềm năng lớn về tài nguyên biển, Kiên Giang đã xác định kinh tế biển, nghề nuôi biển sẽ là hướng phát triển chủ lực.

tỉnh Kiên Giang đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới

Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển trong vùng ĐBSCL với diện tích ngư trường rộng hơn 63.200 km2. Tuy nhiên, tỉnh này đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Kiên Giang thúc đẩy nghề nuôi biển
Tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới. Ảnh: PV

Tái tạo, bảo vệ nguồn thủy hải sản

Với thâm niên hơn 30 năm làm nghề biển ở ngư trường Kiên Giang, ông Giang Thoại cảm thán khi chứng kiến nguồn hải sản đang cạn kiệt bởi hoạt động khai thác lớn nhưng không chú trọng đến việc tái tạo nguồn lợi thủy hải sản nên đang có nguy cơ cạn kiệt.

“Sản lượng hải sản ở tỉnh Kiên Giang đã giảm đến mức không thể tưởng tượng nổi. Hồi xưa (khoảng sau năm 1990) tôi chỉ đánh một giác cào thôi là bằng bây giờ đánh cả tháng rồi. Hải sản năm nay có giá hơn nhưng ngặt nỗi lại không có hàng” - ông Thoại nói.

“Nghề nuôi biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản.”

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang

Theo ông Thoại, năm nay nguồn hải sản suy giảm rõ rệt nhất. Mọi năm vào khoảng tháng 4, khi có mưa xuống là đã có nguồn hải sản rồi nhưng năm nay mới chỉ có mấy ngày nay.

Nói về nguyên nhân nguồn hải sản cạn kiệt, ông Thoại cho rằng do ý thức của người dân và công tác quản lý chưa chặt chẽ.

“Đối với những lao động nghèo đánh bắt gần bờ thì lại đang đánh bắt theo kiểu tận diệt nguồn tái tạo vì đây là khu vực thủy sản sinh sản. Họ đi đặt ốc thì lại bắt thành mực trứng, rồi đánh bắt bằng cào điện… Những cái này tuy nhỏ nhưng sức hủy diệt rất lớn. Do đó thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có giải pháp giải quyết chuyển đổi nghề cho họ và có hình thức bảo vệ vùng cạn” - ông Thoại kiến nghị.

3.870

số lồng nuôi cá (cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm…) tại huyện Kiên Hải, TP Phú Quốc, một số xã đảo của huyện Kiên Lương và TP Hà Tiên sau gần bốn năm thực hiện đề án nghề nuôi biển với sản lượng thu hoạch năm 2023 là 3.910 tấn.

Đột phá bắt đầu từ nghề nuôi biển

Để giải quyết vấn đề khai thác hải sản quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh đã có chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác theo hướng giảm dần số lượng, nhất là đối với tàu đánh bắt ven bờ, tàu hành nghề khai thác có tính chất hủy diệt, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Theo ông Toàn, từ năm 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định 3214 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án này nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang) đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE, kết quả đã chuyển đổi được 69 lồng, với quy mô 3.531 m3, mô hình này đem lại hiệu quả với năng suất trung bình 16,02 kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5 kg/m3; nuôi nhuyễn thể ven biển với diện tích 23.282 ha, sản lượng 96.327 tấn.

“Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh không ngừng nâng cao năng lực các cấp, đặc biệt là công tác quản lý các vùng. Chúng tôi đã xây dựng đề án điều tra cơ cấu và sắp xếp ngành nghề thủy sản của tỉnh. Đây là đề án rất căn cơ để tính toán lại trữ lượng, sắp xếp lại ngành nghề, lồng ghép vào mô hình.

Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ bà con ứng dụng công nghệ trong nghề nuôi biển, chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng công nghệ cao với chất liệu HDPE.

Nghề nuôi biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, tái sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản” - ông Toàn cho hay.

P23_Chinh_h2.jpg
Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực. Ảnh: PV

Ông HOÀNG NGỌC BÌNH, Giám đốc vận hành Công ty Australis Việt Nam:

Hậu cần công nghiệp rất quan trọng

Sau thời gian nuôi thử nghiệm, hiện công ty vẫn chưa thể triển khai dự án theo dự kiến do vướng vấn đề giao mặt biển. Con giống đành phải nuôi ghép lồng ở Nha Trang trong khi mật độ đã quá dày. Ngoài ra, công ty cũng gặp một số khó khăn về hậu cần, chi phí logistics.

Khi nuôi biển công nghiệp thì hậu cần công nghiệp rất quan trọng. Kiên Giang chưa có trại giống nên công ty phải vận chuyển từ Nha Trang vào. Công ty mong muốn được đặt trại giống trực tiếp tại Kiên Giang để đỡ chi phí vận chuyển và cung cấp giống cho bà con tại tỉnh.

Bên cạnh đó, vì công ty chúng tôi sản xuất từ con giống, nuôi trồng cho đến sản phẩm để xuất khẩu, do đó buộc phải có nhà máy chế biến phục vụ quy trình nuôi.

...............................

Ông LÊ VĂN XẺO, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang):

Đa số ngư dân đã đầu tư lồng nhựa

Từ năm 2022, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với một số đơn vị hỗ trợ các thành viên trong hợp tác xã nuôi thử nghiệm bằng lồng nhựa HDPE có hiệu quả thì nay đa số thành viên trong hợp tác xã đã đầu tư lồng nhựa. Lồng gỗ 3-4 năm phải thay mới rất tốn công và cả chi phí, trong khi đó lồng nhựa HDPE có độ bền khoảng 20 năm, chịu sóng tốt, cá phát triển tốt hơn.

.......................................

Ông LÊ HỮU TOÀN, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang:

Chú trọng nuôi trồng thủy sản trên biển

Với ưu thế diện tích vùng biển lớn thứ ba so với cả nước, là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá vùng ĐBSCL cũng như cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo, trong đó có thế mạnh rất lớn về tài nguyên biển.

Chính vì thế, tỉnh Kiên Giang đã xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi biển.

Bên cạnh việc tổ chức sản xuất thủy hải sản thì đầu ra của sản phẩm cũng được tỉnh Kiên Giang quan tâm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh xác định việc thu hút đầu tư sơ chế chế biến là hết sức quan trọng, kêu gọi đầu tư phải gắn với chuỗi liên kết giá trị. Trong đó ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chú trọng gắn với tiêu thụ sản phẩm của chính doanh nghiệp mà còn liên kết với các bà con để tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi biển, trong đó có việc nâng cấp các cảng cá chỉ định.

NHÓM PV

Hiệu quả từ lồng nuôi công nghệ cao

Thực hiện Đề án phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE đem lại hiệu quả cao với năng suất trung bình 16,02 kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5 kg/m3.

Chị Võ Thị Thắm (ngụ xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải) đang thả nuôi 40 lồng với nhiều loài cá như cá mú trân châu, cá chim vây vàng, cá cam, cá bớp, cá hồng mỹ, cá chẽm…

Quá trình nuôi, chị Thắm không ngừng trau dồi kiến thức, tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao nên mang lại hiệu quả cao.

Trung bình mỗi năm hộ chị Thắm xuất bán khoảng 40 tấn cá các loài và thu lời trên dưới 1 tỉ đồng/năm.

“Hai năm nay gia đình tôi được hướng dẫn và áp dụng nuôi cá trong lồng nhựa HDPE mang lại hiệu quả hơn so với nuôi bằng lồng gỗ truyền thống, bởi độ bền lâu hơn và lượn sóng tốt hơn nên có thể nuôi ngoài khơi. Tuy nhiên chi phí đầu tư lồng nhựa HDPE cao, do đó bà con chúng tôi mong muốn có chính sách ưu đãi cho ngư dân có thể vay vốn đầu tư lồng nhựa HDPE để phát triển nghề nuôi biển” - chị Thắm chia sẻ.

Là một trong những đơn vị tiên phong đưa lồng nhựa HDPE nuôi biển tại Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty Australis Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định Kiên Giang có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi biển.

“Được sự hỗ trợ nhiệt tình của các ngành, các cấp tỉnh Kiên Giang, hiện công ty đã hoàn thành nuôi thử nghiệm sáu lồng tại vùng biển Nam Du. Qua một chu kỳ thử nghiệm hai năm, từ thả giống đến thu hoạch cho thấy vùng biển này cá phát triển rất tốt, các thông số về môi trường, dòng chảy và khí hậu rất phù hợp với cá chẽm nuôi xuất khẩu” - ông Bình đánh giá.•

CHÙM ẢNH:

Giá trị sản xuất thủy sản của Kiên Giang đạt hơn 16.000 tỉ đồng

Theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sáu tháng đầu năm 2024 (theo giá so sánh với năm 2010) đạt trên 38.261 tỉ đồng, bằng 48,87% kế hoạch năm, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản có tổng giá trị tăng thêm (VA) ước tính 14.148,09 tỉ đồng, đạt 52% kế hoạch năm, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp cho tăng trưởng chung 0,95 điểm phần trăm.

Cục Thống kê đánh giá khu vực này năm nay tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng nuôi trồng hải sản tăng. Giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 16.000 tỉ đồng, đạt 44,73% kế hoạch năm, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước… NHÓM PV

P3_h1.jpg
Sản lượng thủy sản của Kiên Giang sáu tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 360.942 tấn. Trong ảnh: Phân loại cá ở cảng cá Tắc Cậu sau khi tàu đánh bắt vào bờ.
P3_h2.jpg
Nguồn hải sản đang cạn kiệt bởi hoạt động khai thác lớn, do đó những chuyến biển của ngư dân lợi nhuận không nhiều so với trước đây.
P3_h3.jpg
Mô hình chuyển đổi từ nuôi lồng gỗ truyền thống sang lồng nhựa HDPE đem lại hiệu quả cao với năng suất trung bình 16,02 kg/m3, cao hơn lồng gỗ truyền thống 4-5 kg/m3.
P3_h4.jpg
Với ưu thế diện tích vùng biển lớn thứ ba so với cả nước và là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá vùng ĐBSCL và cả nước, Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo.
P3_h5.jpg
Kiên Giang thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại.

...........................................

Ngày mai, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến Kiên Giang

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân Kiên Giang với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Ngày mai (6-7), Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM đến Kiên Giang, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Kiên Giang là địa phương có biển thứ 14 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của chương trình; lãnh đạo tỉnh Kiên Giang; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cơ quan thực thi pháp luật trên biển cùng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Chiều 6-7, tại hội trường UBND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang sẽ diễn ra hội thảo “Kiên Giang chung sức tháo gỡ thẻ vàng của EC gắn với phát triển kinh tế biển bền vững” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng các chuyên gia, bà con ngư dân.

Sau đó, Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ trao tặng 200 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 6 triệu đồng) gồm: Bình ắc quy, bóng đèn LED, túi thuốc, cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, hộp combo pin Con Ó, bình lọc nước sạch uống trực tiếp, cuộn dây thừng chuyên dụng và phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Đồng thời, Ban Tổ chức trao tặng 25 suất học bổng cho các học sinh là con em các gia đình ngư dân vượt khó học giỏi.

Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với 13 tỉnh, TP gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức từ đầu năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam.

BAN TỔ CHỨC

Đọc thêm