Giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ loại bỏ công nghệ VAR và thay bằng iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Vào cuối mùa giải này, giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ thay thế hệ thống phát hiện việt vị VAR gây tranh cãi bằng iPhone.

Nhiều vấn đề tranh cãi liên quan đến hệ thống VAR

Nếu đã từng xem các trận đấu bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) năm nay, chắc hẳn là bạn cũng đã vài lần tức giận với một số quyết định việt vị. Tuy nhiên, bắt đầu từ mùa giải năm nay, Liên đoàn sẽ thay thế hệ thống VAR bằng một hệ thống khác với độ chính xác cao hơn, tất cả đều được hỗ trợ bởi iPhone.

Việc Liên đoàn triển khai công nghệ việt vị bán tự động mới này vào cuối mùa giải 2024-2025 không chỉ xoa dịu các cầu thủ và người hâm mộ đang thất vọng vì nhiều năm gặp vấn đề với hệ thống VAR trước đây. Từ sự chậm trễ kéo dài và lỗi xử lý của con người cho đến lo ngại về độ chính xác của các quyết định trong trận đấu do những hạn chế của công nghệ hiện tại.

Genius Sports và công ty con Second Spectrum, nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực theo dõi quang học và dữ liệu trong Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA), sẽ ra mắt hệ thống dựa trên iPhone, được gọi nội bộ là “Dragon”.

Hệ thống sử dụng hàng chục chiếc iPhone để quay video ở tốc độ khung hình cao từ nhiều góc độ. Sau đó phần mềm AI của Dragon sẽ xử lý tất cả dữ liệu hình ảnh được thu thập bởi camera.

Hầu hết các hệ thống ghi lại chuyển động trong thể thao đều không quá phức tạp và đòi hỏi ít sức mạnh tính toán. Bạn muốn biết một vận động viên đã chạy được bao nhiêu km trong một trận đấu nhất định? Tốc độ tối đa hoặc trung bình của họ là bao nhiêu, hoặc họ thực hiện một số hành động cơ bản nhất định thường xuyên như thế nào? Chỉ cần một hệ thống máy ảnh, cộng với một số phần mềm chuyên dụng, đều có thể trả lời những câu hỏi đơn giản này.

Tuy nhiên, khi các truy vấn trở nên phức tạp hơn, gánh nặng công nghệ cũng tăng theo. Mike D'Auria, Phó chủ tịch điều hành mảng quan hệ đối tác thể thao và công nghệ của Genius, người đã dành nhiều năm với Second Spectrum, hiện đã được sáp nhập vào Genius Sports, cho biết: "Có đủ mọi loại tình huống kỳ lạ xảy ra trong thể thao. Người chơi tụ tập lại, người chơi chồng chất lên nhau".

Điều đó gây ra "sự che khuất", theo cách gọi của ngành. Ngay cả với khoảng một chục camera, không phải lúc nào cũng ghi lại được bức tranh toàn cảnh.

Luật việt vị được giới thiệu lần đầu vào năm 1883 để ngăn chặn các cầu thủ ẩn núp gần khung thành đối phương. Để chính xác khi gọi một cầu thủ việt vị, cần phải biết chính xác thời điểm bóng được chơi, cộng với việc cầu thủ tấn công đó có đứng sau hậu vệ cuối cùng của đối phương tại thời điểm đó hay không.

Các hệ thống việt vị bán tự động trước đây, như hệ thống được sử dụng tại Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA 2022 và Giải vô địch châu Âu mùa hè này tại Đức, sử dụng từ 10 đến 15 camera và một cảm biến bên trong quả bóng để theo dõi một vài chục điểm trên cơ thể của mỗi cầu thủ. Nhưng chúng thường xuyên bị che khuất và không thể phân tích chính xác những khoảnh khắc thoáng qua này.

Theo Genius, hệ thống Dragon ban đầu sẽ sử dụng ít nhất 28 chiếc iPhone tại mọi sân vận động trong Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Hệ thống này sử dụng camera tích hợp của các mẫu iPhone 14 trở lên. Điện thoại sẽ được đặt trong hộp chống nước tùy chỉnh, có quạt làm mát và được kết nối với nguồn điện.

Khi iPhone được đặt xung quanh sân, chúng sẽ cùng nhau ghi lại một luồng video liên tục từ nhiều góc độ. Sự phong phú về hình ảnh này rõ ràng giúp Dragon có khả năng theo dõi từ 7.000 đến 10.000 điểm trên mỗi cầu thủ mọi lúc.

Sử dụng camera iPhone, Dragon có thể theo dõi từ 7.000 đến 10.000 điểm dữ liệu của mỗi người chơi tại mọi thời điểm. Ảnh: Genius Sports
Sử dụng camera iPhone, Dragon có thể theo dõi từ 7.000 đến 10.000 điểm dữ liệu của mỗi người chơi tại mọi thời điểm. Ảnh: Genius Sports

D'Auria cho biết, những thứ như khối lượng cơ, sự khác biệt về khung xương và thậm chí cả dáng đi, tất cả đều có thể quan trọng đối với các quyết định việt vị. Dragon sẽ tận dụng khả năng quay video ở tốc độ khung hình cực cao của iPhone, giảm thiểu các trường hợp có thể che khuất điểm đá chính xác của quả bóng.

Hầu hết video phát sóng ngày nay được ghi lại ở tốc độ 50 hoặc 60 khung hình mỗi giây. Trong khi đó, Dragon có thể ghi lại tới 200 khung hình mỗi giây, giúp giảm khoảng cách giữa các khung hình xuống 75% (hệ thống EPL ban đầu sẽ được giới hạn ở mức 100 khung hình mỗi giây để cân bằng độ trễ, độ chính xác và chi phí).

Nhờ phần mềm AI tùy chỉnh, hệ thống có thể tự động phát hiện các sự kiện quan trọng sắp xảy ra, chẳng hạn như việt vị, từ đó tạm thời tăng tốc độ khung hình của một số camera nhất định, sau đó giảm xuống khi cần thiết để tiết kiệm sức mạnh tính toán.

Theo WIRED, hiện tại cả Genius và EPL đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về Dragon. Tất nhiên con người vẫn sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việt vị cùng với sự hỗ trợ của công cụ AI này.

Vài năm gần đây, sự vô lý của VAR đã để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng nhiều người. Với mức giá rẻ và sức mạnh của điện thoại thông minh, nhiều người tự hỏi tại sao phải mất nhiều thời gian như vậy để một ai đó trong ngành thể thao có thể hiểu rõ điều này.

iPhone hiện tại mạnh mẽ tương đương những siêu máy tính nhất thế giới cách đây 20 năm. Trong khi các hệ thống theo dõi quang học hiện đại đòi hỏi cáp quang đắt tiền và máy chủ để kết nối các camera với máy tính, có nhiệm vụ quản lý dữ liệu được thu thập, thì điện thoại thông minh giá 1.000 đô la Mỹ có thể tự mình xử lý cả hai nhiệm vụ đó. Genius đã thử nghiệm một hệ thống với ít nhất 10 camera hoặc nhiều nhất là 100 camera tại một địa điểm duy nhất.

D'Auria cho biết, nếu vấn đề cần giải quyết là phát hiện xem cầu thủ có việt vị hay không, thì một vài chục chiếc iPhone được đặt đúng vị trí sẽ có thể giải quyết được vấn đề.

Hệ thống Dragon có thể được sử dụng với ít nhất 10 camera iPhone hoặc nhiều nhất là 100 camera tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Ảnh: Genius Sports
Hệ thống Dragon có thể được sử dụng với ít nhất 10 camera iPhone hoặc nhiều nhất là 100 camera tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Ảnh: Genius Sports

Bằng cách thu thập luồng video và định vị dữ liệu khi một cầu thủ di chuyển trên sân, cầu thủ đó có thể được tái tạo chuyển động, hình ảnh và cử chỉ tay, tất cả đều được hiển thị kỹ thuật số theo thời gian thực. Đây là điều thường chỉ có thể thực hiện được với các loại máy ảnh và hệ thống máy tính đắt tiền được sử dụng ở Hollywood và trong việc tạo trò chơi điện tử.

Hầu như bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể tận dụng giá trị từ việc tạo ra bản sao kỹ thuật số, và bóng đá chỉ là sân chơi đầu tiên cho công nghệ này.

Liệu Dragon có thực sự khắc phục được vấn đề phát hiện việt vị trong bóng đá hay không?

Genius cho biết họ đã thử nghiệm Dragon trong nhiều năm, cả ở Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) và một số địa điểm khác, ở nhiều định dạng.

Các dữ liệu đầu vào của Dragon được so sánh song song với VAR và các hệ thống phát hiện để xác thực độ chính xác. Ngoài ra, dữ liệu cũng được xác thực thủ công: Các kỹ sư đã dành nhiều giờ với nhiều bên liên quan đến thể thao (huấn luyện viên, cầu thủ, ban quản lý), và xác nhận rằng dữ liệu của hệ thống có ý nghĩa.

D'Auria cho biết, “hệ thống Dragon đã được FIFA xác thực. Họ sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm trong đó người chơi đeo hệ thống Vicon [ghi lại chuyển động], và chúng tôi theo dõi họ, sau đó so sánh các tập dữ liệu và tìm lỗi. Chúng tôi đã trải qua năm hoặc sáu lần thực hiện điều này”.

Cả đại diện của Genius và EPL đều từ chối cung cấp bất kỳ thông tin hoặc kết quả thử nghiệm cụ thể nào cho WIRED.

Đọc thêm