1. Markus Hess – gián điệp của KGB
Hồi thập niên 1980, Markus Hess, một công dân Đức, đã được Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB) tuyển dụng làm gián điệp với nhiệm vụ tìm cách truy cập hệ thống máy tính của quân đội Mỹ và đánh cắp thông tin mật.
Từ trường Đại học Bremen của Đức, Hess đã xâm nhập thành công 400 máy tính của quân đội Mỹ, bao gồm cả máy tính đặt tại các căn cứ ở Đức và Nhật, cũng như máy tính của viện công nghệ MIT và Cơ sở dữ liệu của Lầu Năm Góc.
Hoạt động của Hess cuối cùng đã bị phát hiện bởi Clifford Stoll, một nhà thiên văn học làm quản trị hệ thống cho trung tâm máy tính của phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, California. Markus Hess bị kết tội làm giám điệp và bị kết án từ 1 tới 3 năm tù.
2. Robert Morris hack mạng Internet
Robert Morris
Tốt nghiệp Đại học Cornell (New York, Mỹ) năm 1988, Robert Morris là tác giả của loại sâu máy tính đầu tiên phát tán qua mạng Internet. Morris nói rằng ông tạo ra loại sâu này không nhằm mục đích phá hoại mà chỉ vì tò mò.
Để che dấu nguồn gốc từ Cornell, Morris đã phát tán loại sâu này từ phòng thí nghiệm MIT. Tuy nhiên, một lỗi về thiết kế đã khiến loại sâu này tự nhân bản ở mức độ lớn Morris dự tính, làm quá tải hệ thống và gây hậu quả đáng kể.
Sau khi bị xác định là tác giả của loại sâu này, Morris trở thành người đầu tiên bị kết án theo luật chống Gian lận và Lạm dụng máy tính năm 1990. Morris bị kết án 3 năm quản thúc, 400 giờ làm việc công ích và phạt tiền 10.050 USD.
3. Vladimir Levin hack Citibank
Vladimir Levin
Nhiều người coi đây là vụ hack vì động cơ tiền bạc nghiêm trọng đầu tiên trong lịch sử. Năm 1995, Vladimir Levin – người cầm đầu một nhóm tội phạm Nga – đã truy cập thành công nhiều tài khoản thuộc mạng lưới ngân hàng Citibank và đánh cắp hàng triệu đô la.
Bằng cách sử dụng một chiếc máy tính đặt tại Luân Đôn, Levin đã đánh cắp danh sách mã khách hàng và mật khẩu. Trong vòng vài tuần, Levin đã nhiều lần đăng nhập các tài khoản này và chuyển tiền sang tài khoản của tổ chức tội phạm. Các quan chức cho biết, tổng số tiền bị chuyển bất hợp phát là 3,7 triệu USD.
Levin bị các nhân viên FBI bắt giữ tại một sân bay ở Luân Đôn, sau đó bị kết án 3 năm tù giam tại Mỹ năm 1998. Hacker này cũng bị yêu cầu phải trả cho Citibank 240.015 tiền bồi thường.
4. Jonathon James tấn công NASA
Jonathon James
Được biết đến với biệt danh c0mrade, Jonathon James, khi đó mới 16 tuổi, đã hack vào mạng máy tính của Trung tâm các chuyên bay vũ trụ Marshall của NASA tại Huntsville, Alabama, tải về phần mềm độc quyền của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Phần mềm này hỗ trợ cho môi trường vật lý của Trạm Vũ trụ Quốc tế và chịu trách nhiệm kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ cho hoạt động sống trong không gian.
Theo các quan chức NASA, tài liệu bị James đánh cắp trị giá khoảng 1,7 triệu USD. Vụ việc đã buộc NASA phải đóng hệ thống máy tính trong vòng 3 tuần và tiêu tốn khoảng 41.000 USD để khắc phục.
5. Adrian Lamo tấn công thời báo New York Times
Adrian Lamo
Năm 2000, ở tuổi 19, Adrian Lamo đã hack vào mạng nội bộ của thời báo New York Times và truy cập nhiều tài liệu nhạy cảm, bao gồm cơ sở dữ liệu khổng lồ của nhiều nhà văn và nhiều loại giấy tờ đã từng sử dụng trong quá khứ. Các tài liệu này bao gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của nhà chiến lược James Carville, cựu thư ký của ngoại trưởng Mỹ James Baker, nam diễn viên Robert Redford. Adrian Lamo còn tự điền tên mình vào danh sách “các chuyên gia”.
6. Gary McKinnon hack quân đội Mỹ
Gary McKinnon.
Hacker người Scotland Gary McKinnon (biệt danh Solo) bị buộc tội tấn công một số máy tính của quân đội Mỹ từ năm 2001 – 2002 và đánh cắp thông tin của chính phủ Mỹ về UFO (vật thể bay không xác định).
Các quan chức quân đội cho biết, thiệt hại McKinnon gây ra là đã xóa hủy các tập tin quan trọng của hệ điều hành, gây ngừng hoạt động mạng lưới 2000 máy tính của Khu vực Quân sự Mỹ tại Washington trong vòng 24 giờ. McKinnon cũng bị cáo buộc đã xóa các bản ghi về vũ khí tại Trạm Vũ khí Hải quân Earle. Các quan chức nói rằng, chi phí khắc phụ vụ tấn công của McKinnons là 700.000 USD.
Hiện tại Gary McKinnon đang ở Luân Đôn và phải “chiến đấu” chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ trong suốt 10 năm qua.
7. Albert Gonzalez tấn công TJX
Albert Gonzalez
Albert Gonzalez là thủ lĩnh nhóm tội phạm đã đánh cắp 90 triệu số thẻ tín dụng của TJX và nhiều nhà bán lẻ khác, bao gồm DSW, OfficeMax, BJs Wholesale Club và Dave & Busters trong thời gian từ năm 2005 – 2007.
Năm 2008, Gonzalez cũng là chủ mưu đứng sau vụ đánh cắp hồ sơ của hãng thanh toán tín dụng Heartland Payment Systems.
Năm 2009, Gonzalez bị kết án 20 năm tù cho hai tội danh nói trên - án tù cao nhất cho hacker và tội phạm trộm cắp thông tin tại Mỹ.
8. Anonymous tấn công HB Gary
Đầu năm 2011, nhóm Antisec thuộc Anonymous đã nổi giận khi Aaron Barr - khi đó đang là CEO của hãng bảo mật và nhà thầu chính phủ Mỹ HB Gary Federal - ám chỉ sẽ tiết lộ danh tính của một số thành viên Anonymous tại hội nghị Security B-Sides. Để trả đũa, nhóm này đã xâm nhập hệ thống của cả HBGary Federal và HB Gary. Anonymous sau đó đã sao chép và công bố hàng ngàn tài liệu mật của HBGary, bao gồm cả email.
9. Lulzsec hack Sony
Tháng 06/2011, Lulzsec, một nhánh của Anonymous, đã tấn công Sony Pictures thong qua tấn công SQL Injection, đánh cắp dữ liệu bao gồm tên, mật khẩu, email và địa chỉ nhà riêng của hàng ngàn khách hàng.
Lulzsec tuyên bố vụ tấn công trên là nhằm trả đũa vụ kiện của Sony chống lại hacker George Hotz vì đã bẻ khóa PlayStation. Lulzsec nói rằng đã xâm phạm được hơn một triệu tài khoản, nhưng Sony khẳng định con số thực tế thấp hơn nhiều.
Thành viên sáng lập Lulzec là Sabu (tên thật là Hector Xavier Monsegur) bị nhân viên liên bang bắt giữ tháng 06/2011. Sabu sau đó đã đồng ý hợp tác với FBI, cung cấp cho FBI thông tin dẫn tới vụ bắt giữ 5 hacker khác có liên quan tới Anonymous, Lulzsec và Antisec. Bản thân Sabu cuối cùng đã nhận tội trước các cáo buộc hình sự về âm mưu hack hệ thống máy tính và đang chờ tuyên án.
10. Vụ bê bối nghe lén của News of the World
Ấn bản cuối cùng của News of the World trước khi tờ báo này chính thức đóng cửa.
Tờ báo lá cải hàng đầu nước Anh News of the World bị phát hiện nghe lén điện thoại của nhiều người nổi tiếng, chính trị gia để khai thác thông tin.
Theo kết quả một cuộc điều tra hồi năm 2002, các phóng viên, cũng như các thám tử tư mà News of the World thuê đã hack tài khoản voicemail của những người nổi tiếng như người mẫu Elle McPherso và nữ diễn viên Sienna Miller, cũng như các thành viên của Hoàng gia Anh. Tờ báo 168 năm tuổi này cuối cùng đã bị đóng cửa sau vụ bê bối.
Theo Phạm Duyên (ICTnews / PCWorld)