Nhiều người mất Facebook vì các cuộc thi không ngờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Trên mạng xã hội vừa xuất hiện chiêu lừa nhờ bình chọn cuộc thi triển lãm tranh nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook.

Hình thức lừa đảo này vốn không phải là mới bởi nó đã từng xuất hiện trước đó vào năm 2022 với hình thức nhờ tham gia bình chọn cho chương trình 'Siêu thử thách 2022'.

Mất Facebook vì bình chọn cuộc thi triển lãm tranh

Theo đó, kẻ gian sẽ sử dụng các tài khoản giả mạo hoặc tài khoản Facebook bị hack, gửi tin nhắn (kèm liên kết) và nhờ bạn tham gia bình chọn cho chương trình triển lãm tranh thiếu nhi.

Lừa đảo nhờ bình chọn cuộc thi triển lãm tranh nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH
Lừa đảo nhờ bình chọn cuộc thi triển lãm tranh nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH

Khi nhấp vào liên kết được gửi kèm trong tin nhắn, bạn sẽ được chuyển hướng đến một trang web bình chọn giả mạo, có giao diện tương tự như trang đăng nhập Facebook. Nếu người dùng làm theo hướng dẫn, tài khoản Facebook sẽ ngay lập tức bị chiếm đoạt (nếu không kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp).

Nếu bạn nghi ngờ và không đăng nhập, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn cung cấp số điện thoại nhằm thực hiện việc quên mật khẩu, sau đó kêu bạn gửi mã OTP (dưới danh nghĩa mã số bình chọn) để xâm nhập vào tài khoản Facebook của bạn.

Lừa đảo nhờ bình chọn cuộc thi để chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH
Lừa đảo nhờ bình chọn cuộc thi để chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH

Dấu hiệu nhận biết các hình thức lừa đảo trên Facebook

- Tin nhắn từ người lạ: Nếu bạn nhận được tin nhắn từ người lạ, nhất là những tin nhắn yêu cầu bạn tham gia bình chọn, nhận quà tặng, hoặc giúp đỡ một người bạn đang gặp khó khăn, hãy thận trọng.

- Yêu cầu thanh toán trước: Nếu có ai đó yêu cầu bạn thanh toán trước để nhận được quà tặng, hàng khuyến mãi… hãy cẩn thận, đó có thể là lừa đảo.

- Lỗi chính tả và ngữ pháp: Đa số những kẻ lừa đảo thường không quan tâm đến chất lượng nội dung. Do đó, nếu một bài viết, email có quá nhiều lỗi chính tả hoặc ngữ pháp thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo lừa đảo.

- Fanpage chưa được xác minh: Các fanpage đại diện cho các tổ chức, công ty lớn, hoặc nhân vật của công chúng thường được xác minh bởi Facebook. Nếu bạn thấy một fanpage chưa được xác minh, hãy thận trọng, đó có thể là một fanpage giả mạo.

- Trang web sơ sài: Các trang web lừa đảo thường được tạo ra một cách sơ sài và thiếu chuyên nghiệp thông qua các dịch vụ miễn phí.

Trang web giả mạo nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH
Trang web giả mạo nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook. Ảnh: TIỂU MINH

Dưới đây là một số mẹo để tránh bị lừa trên Facebook

- Chỉ kết bạn với những người bạn biết và tin tưởng.

- Không nhấp vào các liên kết hoặc tải xuống các tệp đính kèm từ người lạ.

- Cẩn thận với các chương trình khuyến mãi, quà tặng, hoặc giải thưởng yêu cầu bạn thanh toán trước.

- Kiểm tra kỹ lưỡng các fanpage và trang web trước khi tương tác.

- Báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho Facebook.

Nhìn chung, hình thức lừa đảo này vốn không phải là mới, bởi nó gần như tương tự như chiêu trò tặng quà miễn phí, tặng xe miễn phí, tri ân khách hàng trên Facebook vốn đã được cảnh báo nhiều lần trước đây.

Đọc thêm