TikTok có thể đóng cửa vì lệnh cấm của Indonesia
Chia sẻ với CNBC, các nhà phân tích cho biết tham vọng của TikTok ở Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng lớn sau khi Indonesia cấm giao dịch mua sắm trên các ứng dụng mạng xã hội.
Vừa qua, Indonesia đã đặt ra thời hạn một tuần để TikTok trở thành một ứng dụng độc lập, không có bất kỳ tính năng thương mại điện tử nào. Nếu không tuân thủ, TikTok có nguy cơ bị đóng cửa trong nước.
Vì sao bạn nên xóa TikTok khỏi điện thoại?
Jonathan Woo, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Phillip Securities Research, cho biết: “Việc TikTok trở thành một ứng dụng độc lập có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm người dùng”.
Indonesia đã cấm giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok Shop và Facebook. Điều này có nghĩa là người dùng không được phép mua hoặc bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các nền tảng đó.
Ngay cả khi TikTok có thể có được giấy phép hoạt động riêng thì hoạt động như một ứng dụng độc lập vẫn có thể là một thách thức.
- Sachin Mittal (ngân hàng DBS) -
TikTok thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance và đang bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ.
Vào tháng 6, giám đốc điều hành TikTok cho biết công ty sẽ rót “hàng tỉ USD” vào Đông Nam Á trong vài năm tới để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trước áp lực ngày càng gia tăng của Mỹ.
Theo công ty, Indonesia là thị trường lớn nhất tại Đông Nam Á của TikTok và thị trường lớn thứ hai toàn cầu với 125 triệu người dùng (chỉ sau Mỹ).
Sachin Mittal, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu viễn thông, truyền thông và công nghệ tại ngân hàng DBS, cho biết: “Hầu hết các giao dịch mua hàng trên TikTok đều là mua sắm ngẫu hứng, nên nhu cầu đăng nhập vào một ứng dụng riêng biệt có thể dẫn đến tỉ lệ thoát ra cao”.
Việc mua hàng theo cảm hứng khi xem nội dung video là một trong những lợi thế mà TikTok có, Mittal chia sẻ với CNBC.
Hôm thứ Bảy, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi ban hành các quy định về truyền thông xã hội, nói rằng các nền tảng như vậy sẽ tác động đến các công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như nền kinh tế.
Ông nói trong một tuyên bố: “Bởi vì chúng tôi biết nó ảnh hưởng đến các MSME, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và cả thị trường, nên có những thị trường mà doanh số bán hàng đã bắt đầu giảm do làn sóng thương mại điện tử trên mạng xã hội.
Trong tương lai, Indonesia yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử trong nước phải áp dụng mức giá tối thiểu là 100 USD cho một số mặt hàng được mua trực tiếp từ nước ngoài. Tất cả các sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương.
Theo báo cáo tháng 6 của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, TikTok Shop chiếm 5% tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ở Indonesia .
Báo cáo cho biết TikTok Shop đang xếp sau Shopee (36%), Tokopedia (35%), Lazada (10%) và Bukalapak (10%) .
“Theo quan điểm của chúng tôi, TikTok Shop sẽ phải chứng minh rằng thương mại điện tử là một hoạt động kinh doanh riêng biệt với mạng xã hội, không chia sẻ dữ liệu từ phần phụ trợ,” Mittal nói.
TikTok bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’
Đáp lại động thái mới nhất của Indonesia, TikTok cho biết họ sẽ tôn trọng các quy tắc và quy định của địa phương.
Người phát ngôn của TikTok nói với CNBC: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông báo này, đặc biệt là nó sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu người bán và gần 7 triệu người sáng tạo liên kết sử dụng TikTok Shop”.
Người này nói thêm: “Chúng tôi tôn trọng luật pháp và quy định của địa phương và sẽ theo đuổi con đường mang tính xây dựng về phía trước”.
Điều này xảy ra khi TikTok đang tìm kiếm sự tăng trưởng bên ngoài Hoa Kỳ, khi các ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại chính trị.
TikTok Shop đang ráo riết mở rộng sang Đông Nam Á, cạnh tranh với Shopee và Lazada.
Vào tháng 7, giá trị giao dịch kỹ thuật số tại Indonesia đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 160.000 tỉ rupiah Indonesia (10,3 tỉ USD) và khối lượng giao dịch lên tới 1.700 tỉ. Theo BMI, cả hai chỉ số này đều tăng lần lượt 65,8% và 71,5% so với cùng kỳ năm trước.