Nói đến cuộc đời của NSƯT Phi Điểu là nhắc đến cả một hành trình dài cống hiến từ khi còn tuổi thiếu niên cho đến tận hôm nay hành trình ấy vẫn không ngừng nghỉ, bà mong mỏi một lần vào vai “Bà mẹ Việt Nam (VN) anh hùng”.
NSƯT Phi Điểu chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: VĂN HÀ |
Từ chiến sĩ thành nghệ sĩ
NSƯT Phi Điểu tham gia cách mạng từ sớm. Đến năm 18 tuổi, bà bị bắt và đi tù tại Phnom Penh. Sau đó, bà được trao trả về VN và bị giam tại trại giam Thủ Đức. Đến năm 1954, bà được thả ra.
Không thể ở lại Sài Gòn, bà theo đoàn văn công quân đội Nam Bộ ra Bắc, rồi được biên chế tại Tổng cục Chính trị. Sau khi ra quân, bà về đoàn cải lương Nam Bộ năm 1956.
NSƯT Phi Điểu và chồng (cố nhạc sĩ Phan Nhân). Ảnh: NVCC |
Về đoàn cải lương Nam Bộ, NSƯT Phi Điểu được NSND Tám Danh, Ba Du… đào tạo và cùng đoàn gây tiếng vang với các vở diễn như Máu thắm đồng Nọc Nạng, Mẫu đơn Tiên, Nam Kỳ khởi nghĩa…
NSƯT Phi Điểu cũng tham gia giảng dạy vũ đạo tại Trường Cải lương Nam Bộ, Hồ quảng; cùng đoàn cải lương Nam Bộ đi biểu diễn phục vụ tại các binh trạm theo dọc tuyến đường Trường Sơn.
“Sẽ dừng đóng phim, tham gia nghệ thuật khi không còn sáng suốt nữa.”
“Tôi vẫn nhớ có những binh trạm chúng tôi đi bộ tới, có những binh trạm các đồng chí trong đó bảo hôm nay dân công tới mà toàn con gái, tội nghiệp quá nên bữa nay bỏ gạo lên chở nặng nặng để văn công ngồi trên xe cho đỡ xóc. Chúng tôi mừng lắm nhưng đâu ngờ leo lên xe ngồi một lúc thì mông ê hết, thậm chí phồng lên. Chúng tôi lại chuyển sang đứng vịn vào thành xe, tưởng đâu ổn hơn nhưng rồi tay cũng bị tương tự, không biết cách nào, cuối cùng đi bằng… “ý chí” để có thể đến nơi” - NSƯT Phi Điểu vui vẻ kể.
NSƯT Phi Điểu thời điểm làm phát thanh viên Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM. Ảnh: NSCC |
Có một kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ bà vẫn chưa quên, đó là ký ức về các chiến sĩ trẻ là những chàng trai Hà Nội.
“Sau khi biểu diễn xong, chúng tôi sờ các em hỏi thăm, nhiều em mất hết cả tay lẫn chân… thế là xúc động quá không hát được. Có em còn hỏi tôi: “Chị ơi, ở Hà Nội chị ở phố nào?”, tôi đáp ở Ngô Thời Nhiệm, em đó lại bảo: “Mình ở Hàng Ngang cho em gửi thư về cho gia đình”. Diễn xong ở đó, tôi cầm lá thư tiếp tục đi hát phục vụ cho các chiến sĩ khác và khi quay trở ra, hỏi em lúc nãy gửi thư đâu rồi thì các bạn bảo em ấy mất rồi, vừa đưa đi” - NSƯT Phi Điểu nghẹn ngào.
Và đó cũng là chuyến đi cuối cùng trước khi bà chuyển sang Đài Tiếng nói VN vào năm 1967.
NSƯT Phi Điểu múa ba lê lúc còn trẻ. Ảnh: NVCC |
Nếu thích làm nghệ thuật, mê nghệ thuật thì phải chăm chút, sống hết mình, đã mê thì không được thay đổi; phải yêu cho đến cùng thì tổ mới đãi, nghề mới trả lại cho mình.
NSƯT Phi Điểu
Đam mê nghệ thuật phải yêu cho đến cùng
Sau khi đất nước thống nhất, NSƯT Phi Điểu trở lại Sài Gòn làm phát thanh viên tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH).
Những tưởng khi nghỉ hưu, NSƯT Phi Điểu được nghỉ ngơi nhưng không, bà vẫn hăng say hoạt động và dựng các vở kịch, múa, hát cho phường với cương vị mới là chủ tịch mặt trận phường.
Không lâu sau đó, trong một lần dẫn đoàn đi thi, bà gặp đạo diễn Đào Bá Sơn. Sau cái duyên gặp gỡ với đạo diễn Đào Bá Sơn, bà nhen nhóm ý định làm diễn viên trên phim. Kể từ đó, NSƯT Phi Điểu được khán giả nhớ đến với những vai diễn không tên trên màn ảnh như bà ngoại, bà nội, dì Tư, bà Năm đầy nhân hậu.
Ngoài tham gia phim truyền hình, bà còn tham gia hàng loạt liveshow, MV của các ca sĩ. NSƯT Phi Điểu cũng thường xuyên tham gia diễn xuất, hỗ trợ trong phim ngắn của các sinh viên với cát sê chỉ là… một suất ăn hay một tô cháo gà.
NSƯT Phi Điểu trong một dự án phim. Ảnh: NSCC |
Không những vậy, NSƯT Phi Điểu còn tham gia trình diễn thời trang áo dài trong chương trình “Lụa nối miền di sản” và nhận được nhiều lời khen từ khán giả.
Trải qua một đời cùng nghệ thuật, tham gia nhiều lĩnh vực nhưng NSƯT Phi Điểu cho rằng làm nghệ thuật không dễ, vì nghệ thuật và cuộc sống rất khác nhau. Với bà, nghệ thuật là không có biên giới, ai muốn đi lên thì phải rèn luyện, suốt đời học hỏi.
“Với những bạn trẻ, tôi chỉ nói rằng nếu thích làm nghệ thuật, mê nghệ thuật thì phải chăm chút, sống hết mình, đã mê thì không được thay đổi; dễ ngán, dễ chán, dễ thấy khó thì dễ từ bỏ. Không thể sống như vậy được đâu, phải yêu cho đến cùng thì tổ mới đãi, nghề mới trả lại cho mình” - bà tâm sự.
NSƯT Phi Điểu trình diễn trong show "Lụa nối miền di sản". Ảnh: MAI NGUYÊN HƯNG |
Nói về ước mơ của mình, NSƯT Phi Điểu chia sẻ có một điều mà bà mong mỏi được thực hiện, đó là đóng vai một “Bà mẹ VN anh hùng”.
“Từ đây đến cuối đời may ra tôi được nhận một vai như vậy nhưng trước hết bây giờ thì làm hết mình với các vai bà ngoại, bà nội, bà mẹ không tên trước đã. Tôi cũng sẽ dừng đóng phim, tham gia nghệ thuật khi không còn sáng suốt, suy nghĩ, phân biệt được nữa” - NSƯT Phi Điểu trải lòng.•
Được bà con yêu mến, ưu ái thì mình phải đáp lại
Khán giả là số 1. Mình sống nhờ khán giả, diễn không có khán giả thì thất bại rồi. Nói chung, đi đâu được bà con yêu mến, ưu ái thì mình phải đáp lại.
Tôi chỉ không thích cử chỉ của một ít em, thấy bà con người ta hỏi han, bàn tán về tên nghệ sĩ thì xoay mặt đi hoặc đeo khẩu trang, bảo sợ người ta hỏi han nhiều không có thời gian trả lời. Cái đó là mất lịch sự.
Người ta chào mình, mình chào lại để cảm ơn. Mình sống là nhờ quần chúng, nhờ nhân dân mình mới sống. Người ta ủng hộ mình, người ta thương mình, mình phải đáp lại bằng một cử chỉ nào đó, cười hoặc bắt tay, gật đầu, mắc gì phải trốn, đó là hơi tự cao…