Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về quan hệ Việt - Mỹ nhân chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ tuần qua, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhìn nhận: Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện tầm nhìn của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam (VN) trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến Đại hội XIV để nâng tầm sự phát triển và vị thế của đất nước.
Độ tin cậy chính trị được tăng cường rất cao
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ và mối quan hệ Việt - Mỹ gần ba thập niên qua?
+ Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có hàng loạt hoạt động có ý nghĩa lớn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ doanh nghiệp, gặp gỡ cộng đồng và các đối tác khác của VN ở Mỹ; phía Mỹ cũng cử rất nhiều nhân vật cấp cao tham dự như cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia, đại diện thương mại Mỹ, trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực, đại sứ tham dự trong rất nhiều hoạt động của chúng ta với Mỹ.
Sự kiện được chú ý nhất trong chuyến thăm là cuộc gặp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) giữa hai người đứng đầu hai nước, thể hiện những nội hàm rất lớn trong đó.
Trong cuộc gặp, hai lãnh đạo nhấn mạnh quan hệ VN - Mỹ sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã bước vào thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện và chiến lược hơn. Độ tin cậy chính trị giữa hai nước rõ ràng được tăng cường rất cao.
Trong thời gian qua, một đà mới trên tất cả lĩnh vực hợp tác đã được thiết lập, trong đó không chỉ là những lĩnh vực mà trước đây đã làm tốt như kinh tế, trao đổi chính trị, hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục hay hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, các mặt an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó còn có nhiều lĩnh vực hợp tác mới như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn hay câu chuyện đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và năng lượng sạch.
Tổng thống Biden dành sự quan tâm và tình cảm rất lớn đối với VN và đánh giá cao vai trò của VN. Trong trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hay trước đây với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh điều này. Tổng thống Biden nhắc lại những kỷ niệm từ năm 2015 hoặc từ năm 2023 khi hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Đáng chú ý, Tổng thống Biden không chỉ nói điều này trong cuộc gặp gỡ song phương mà trong bài phát biểu chính thức tại Đại hội đồng LHQ.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh việc VN - Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một năm trước đây thể hiện cam kết cao, là mô hình hòa giải giữa hai nước vốn là cựu thù, sau này bình thường hóa quan hệ và trở thành đối tác, rồi đối tác chiến lược toàn diện. Đây có thể coi là hình mẫu cho thế giới và những nước vốn có khúc mắc trong quá khứ cùng nhau xây dựng quan hệ. Lưu ý, đây là lần thứ hai Tổng thống Biden đề cập điều này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của chúng ta nhắc đến rất nhiều đóng góp của ông Biden trong quan hệ hai nước, từ khi ông là thượng nghị sĩ đến khi đảm nhiệm vị trí phó tổng thống Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây. Những hoạt động song phương với Mỹ trong chuyến đi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới LHQ và Mỹ đã thể hiện chính sách phát triển, chính sách đối ngoại, chính sách hội nhập của VN trong kỷ nguyên phát triển mới, vươn lên của dân tộc hướng tới 2030-2045.
Tăng đối thoại rộng mở hợp tác
. Ông nhận định gì về những thành quả hợp tác giữa VN và Mỹ sau một năm triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện?
+ Nhìn lại một năm đối tác chiến lược toàn diện, chín trụ cột trước của quan hệ đối tác trước đây đã được nâng lên một tầm mới, trong đó đặc biệt có kinh tế và thương mại, rồi trên các lĩnh vực về chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh. Ngoài ra, một số lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch, bán dẫn đều có những bước tiến.
Thứ nhất, trong một năm đối tác chiến lược toàn diện, hai bên thường xuyên có trao đổi, đặc biệt là trao đổi cấp cao. Lần này là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến Mỹ nhưng trước đó đã có rất nhiều chuyến thăm khác và nhiều cuộc điện đàm ngay sau khi hai nước ký đối tác chiến lược toàn diện để làm sâu sắc hơn những lĩnh vực đã hợp tác và triển khai thêm nhiều lĩnh vực mới, nhất là về đổi mới sáng tạo và chuỗi cung ứng.
Cụ thể, đó là những cơ chế đối thoại quan trọng được đề ra trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được triển khai trong một năm qua. Đáng chú ý nhất, lần đầu tiên hai nước có cơ chế đối thoại ở cấp bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đã được thực hiện vào tháng 3-2024. Ngoài ra là cơ chế đối thoại về kinh tế với bộ trưởng Bộ KH&ĐT và đại diện thương mại của bạn. Rồi chúng ta có chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đến Mỹ vào tháng 9-2024. Tất cả sự hợp tác này hàm ý rằng không chỉ gia tăng trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cấp cao mà hai bên còn triển khai các cơ chế đối thoại trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cũng nhắc đến hàng loạt chuyến thăm từ phía bạn, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp của bạn, đặc biệt lần Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đưa hơn 50 doanh nghiệp lớn đến VN để trao đổi về những kinh nghiệm hợp tác. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Nvidia, Intel cũng đã đến trao đổi với VN.
Thứ hai, trong một năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa qua, sự phát triển của kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục tăng tốc rõ nét và là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai bên. Đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và duy nhất đạt kim ngạch từ 100 tỉ USD trở lên. Mỹ vẫn là đối tác, bạn hàng lớn thứ hai của VN. Kim ngạch thương mại VN - Mỹ năm 2024 có thể vượt trên 120 tỉ USD, trong đó xuất khẩu trên 100 tỉ USD.
Thứ ba, chúng ta đang khởi đầu câu chuyện đón những lĩnh vực mới, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, AI, bán dẫn. Nhưng rõ ràng cam kết chính trị của hai bên đòi hỏi hai nước phải tiếp tục tăng cường hơn nữa về khung pháp luật, cơ chế, hạ tầng lẫn nguồn nhân lực…, nói chung còn nhiều điều để có thể tranh thủ được những cơ hội. Cả hai bên nhưng đặc biệt là phía VN cần phải nâng cấp hơn nữa về nhiều mặt để đón được những xu thế mới.
Với sự khác biệt về chính trị, xã hội, hai bên đã có những cơ chế đối thoại để giải quyết, càng đối thoại lại càng hợp tác và trao đổi nhiều hơn ở các cấp, những khác biệt giảm đi và được hiểu hơn. Quan hệ đan xen lợi ích giữa VN và Mỹ cả về song phương và đa phương là hai bên cùng có lợi, vì vậy có những sự song trùng và sẽ tiếp tục phát triển.•
Thúc đẩy hợp tác công nghệ Việt - Mỹ
. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác khoa học công nghệ giữa VN và Mỹ trong thời gian tới?
+ Trong quan hệ VN - Mỹ, làn sóng mới nhấn mạnh đến ba điểm: Đổi mới sáng tạo, trong đó có bán dẫn, AI và đất hiếm; chuyển đổi, trong đó có thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch; cuối cùng đến kinh tế số và chuyển đổi số. Phía Mỹ có thể mạnh với những lĩnh vực này và bản thân phía VN cũng rất cần hợp tác về lĩnh vực này.
Đây là một điểm nhấn quan trọng trong hợp tác, trao đổi giữa hai bên trong một năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa qua. Đây không chỉ là trao đổi giữa các nhà lãnh đạo hay bộ, ngành với nhau mà còn giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp với nhau. Trong tất cả khâu đều cần đến sự nỗ lực của chính chúng ta ở trong nước cũng như sự hỗ trợ của Mỹ, đó là câu chuyện về khung chính sách và thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Mỹ gần đây đã công bố về Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh công nghệ quốc tế (ITSI) - quỹ để hỗ trợ VN đào tạo nhân lực ngành công nghệ, điều này tạo đà tốt để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước. Nhưng bản thân VN cũng đang thể hiện quyết tâm rất lớn. Không chỉ là đề ra chính sách, VN cách đây mấy ngày đã công bố chiến lược đổi mới sáng tạo, trong đó có chất bán dẫn và AI.
Chiến lược đó vừa có các biện pháp để giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt nhưng cũng vừa có tầm nhìn dài hạn để tranh thủ được sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt từ các nước đối tác chiến lược. Câu chuyện sắp tới là ta vừa phải kết nối giữa chiến lược và yêu cầu cụ thể giữa các nhà khoa học công nghệ Mỹ và trong nước để mang đến dự án thiết thực cho cả hai bên.
5 ý nghĩa quan trọng cùng 1 khát vọng lớn
Những kết quả nổi bật từ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) và làm việc tại Mỹ đã cho thấy năm ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, khẳng định Việt Nam (VN) đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò không thể thiếu của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như chính sứ mệnh của LHQ khi thành lập cách đây 79 năm. Đồng thời, phía LHQ cũng ghi nhận vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của VN trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự ghi nhận này còn có phần ngưỡng mộ hình mẫu phát triển của VN sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị chiến tranh tàn phá trở thành nước có vị thế như ngày nay.
Thứ hai, trong các phát biểu trước diễn đàn LHQ và song phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng phát triển của một nước VN đã sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trên cơ sở chúng ta đã tạo dựng được cơ sở và nền tảng, tích lũy được tiềm lực sau gần 40 năm đổi mới.
Thứ ba, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã khẳng định lại chính sách đối ngoại nhất quán của VN là đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế; là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đề cao việc tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế...
Thứ tư, với chính quyền và những người bạn Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi đi thông điệp VN trân trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ đầy đủ. Cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Joe Biden đều nhấn mạnh đến sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ như là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm và làm việc tại Mỹ lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ khẳng định di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trong quan hệ Việt - Mỹ, mà còn chắc chắn tạo dựng nền tảng cho việc tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa lòng tin chính trị giữa hai nước cho quan hệ hai nước trong thời gian tới, hiện thực hóa 10 trụ cột được xác lập trong tuyên bố về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phát triển bền vững.
Thứ năm, những phát biểu và tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với giới học giả và Việt kiều tại Mỹ đã tinh tế truyền tải một thông điệp về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đây là điều hết sức quan trọng đặt trong bối cảnh về khát vọng xây dựng và phát triển một nước VN hùng cường và thịnh vượng, một VN vươn mình trong kỷ nguyên mới để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
TS NGUYỄN HỒNG HẢI (giảng viên cao cấp Viện Khoa học và Giáo dục khai phóng, Trường ĐH VinUni)