Ngày càng có nhiều ứng dụng Android được ra đời và được phổ biến, trong đó có một số tiện ích như: tắt ứng dụng đang chạy, dọn dẹp bộ nhớ RAM, tối ưu hóa hệ thống… v..v… Nhưng bạn thật sự "KHÔNG" nên sử dụng những ứng dụng đó, và cũng không cần quan tâm việc RAM của máy bạn lúc nào cũng ở mức trên dưới 90%. Chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải thích.
Toàn bộ câu chuyện bắt đầu từ một sự hiểu lầm về việc tại sao ứng dụng hệ thống trên điện thoại sử dụng RAM và sử dụng như thế nào. Thông thường người dùng cho rằng cách xử lý RAM trên mobile với RAM trên máy tính Windows là giống nhau và quan niệm RAM trống càng nhiều càng tốt. Nhưng thật sự có sự khác biệt giữa cách thức xử lý của RAM trên điện thoại và RAM trên máy tính, và những sự khác biệt này xuất phát từ những nhà phát triển, do họ tạo ra những nền tảng khác nhau hoạt động tất nhiên cũng khác nhau.
Máy tính Windows xử lý RAM như thế nào?
RAM (random-access memory) là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên, có thể xem như một đơn vị lưu trữ tạm thời, giúp lưu trữ các thông tin thay đổi, và các thông tin được sử dụng hiện hành và việc truy cập các chương trình đang chạy sẽ dễ dàng hơn. Ví dụ bạn mở trình duyệt và khởi động tab đầu tiên, việc này có thể chậm và mất một ít thời gian, nhưng khi bạn tắt và mở lại thì nó sẽ hiện lên nhanh hơn do RAM bây giờ đã chứa sẵn những tài nguyên cần thiết để khởi tạo một tab mới, và khi mở tab thứ hai thì nó sẽ hiện ra ngay lập tức. Hơn thế nữa, ngày nay nhờ bộ vi xử lý và phần cứng tốt, bạn có thể vừa mở trình duyệt và các ứng dụng khác trên máy tính chạy cùng lúc mà không cần tải lại bất kì thứ gì, nó vẫn hiện đầy đủ thông tin và chức năng ngay cả khi bạn thu nhỏ hay chạy dưới dạng cửa sổ.
Kể từ khi có khả năng chạy đa nhiệm, máy tính của bạn lưu trữ tất cả thông tin hiện hành trên RAM và hơn thế nữa. Khi bạn khởi động một chương trình mà cần nhiều RAM hơn những gì hệ thống có, Windows sẽ sử dụng ổ cứng để làm nơi lưu trữ tạm thời (swap), chuyển thông tin ứng dụng từ RAM có mức ưu tiên thấp nhất vào ổ cứng để làm trống bớt RAM và dành chỗ cho ứng dụng mới. Khi tắt bớt ứng dụng, RAM sẽ trống nhiều hơn, Windows sẽ xuất các thông tin lưu tạm trong ổ cứng ngược về RAM.
Có vẻ những quá trình này khá rắc rối và sẽ làm chậm hệ thống phải không? Vâng, đó là lý do mà người dùng luôn muốn dung lượng RAM của máy tính cao để máy tính không làm việc một cách ì ạch.Windows sẽ chạy chậm và “treo máy” khi thiếu RAM, nên “câu thần chú” của người dùng Windows là “hãy tắt những ứng dụng không cần thiết”.
Android được thiết kế để bộ nhớ RAM luôn đầy.
Android là nền tảng được thiết kế để có thể truy cập ứng dụng nhanh và thân thiện hơn. Hầu hết là các ứng dụng chạy ngầm, để có thể liên tục nhân thông báo mới và hiển thị kịp thời. Ngay khi khởi động, Android sẽ chạy ngầm các ứng dụng - và chiếm một phần bộ nhớ RAM -mà nhà sản xuất cho rằng cần thiết cho bạn. Vì vậy, nếu bạn cài đặt email, Facebook Messenger, Vine, Twitter, Viber, WhatsApp, Hangouts, Evernote, … bạn sẽ không thể tắt chúng hoàn toàn. Chắc chắn là bạn có thể tắt một cách thủ công, việc này sẽ giảm tải dung lượng cho bộ nhớ và cache nhưng bạn không nên cố gắng tắt chúng và những tác vụ liên quan đến ứng dụng đó. Vì khi lập trình, mặc định bạn không thể tắt hoàn toàn trừ khi bạn gỡ bỏ chúng.
Trong việc quản lý tài nguyên của Android, như đã đề cập ở trên, hệ điều hành sẽ chiếm khoảng 80-90% bộ nhớ của bạn để chạy những ứng dụng mà nó cho là cần thiết. Tuy nhiên, Android sẽ tự đóng một tiến trình hay ứng dụng có mức ưu tiên thấp nhất khi cần bộ nhớ RAM cho một ứng dụng mới khởi chạy. Khác với Windows, Android không “cố gắng” để mọi ứng dụng đều chạy vì Android bị hạn chế về phần cứng và như vậy sẽ làm chậm trải nghiệm người dùng. Một ứng dụng trên Android chỉ có 2 trạng thái: hoặc “đang chạy” hoặc “tắt hoàn toàn” chứ không lưu tạm như Windows.
Vì vậy, khi bạn cài đặt ứng dụng tắt tiến trình đang chạy (task killer) hoặc ứng dụng tự động tắt tiến trình (auto task killer) – những gì bạn đang làm là cố gắng tắt ứng dụng hệ thống chạy ngầm – nhưng sau đó các ứng dụng hệ thống lại tiếp tục tự khởi động lại. Chu kì “tắt – tự khởi động lại – tắt – tự khởi động lại” lặp đi lặp lại liên tục. Bạn cứ nghĩ rằng mình đã “giải phóng” được kha khá RAM trống và máy sẽ chạy mượt hơn, nhưng sự thật là các ứng dụng phải hoạt động liên tục vì bị tắt mở nhiều lần.
Điều bạn thuờng thấy trên các smartphone cấp thấp là khi bạn mở các trò chơi hay ứng dụng chiếm nhiều RAM. Máy sẽ buộc phải tự đóng các ứng dụng và có thể xảy ra tình trạng “crash”, tự trở về màn hỉnh chủ (home screen).
Ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều ứng dụng lừa đảo, các ứng dụng này thường chạy một số tiến trình không rõ ràng. Khi bạn sử dụng ứng dụng để tắt nó, ngay lập tức sẽ tự khởi động lại lập tức. Bạn có thể cho nó “ngủ đông” với công cụ có tên Greenify, nhưng tốt nhất là hãy tìm và xóa bỏ ứng dụng độc hại này.
Vậy làm cách nào để tối ưu hóa RAM trên điện thoại?
Những ứng dụng tự động tắt tiến trình đang chạy (auto task killer) hay làm trống bộ nhớ RAM (memory cleaner) thật sự có hại nhiều hơn là lợi và bạn nên ngừng sử dụng chúng.
Kết lại, nếu bạn muốn tối ưu hóa thiết bị của bạn, bạn nên quản lý một cách tốt nhất những ứng dụng đã cài đặt, xem có thật sự cần thiết không? Một chiếc điện thoại ó RAM 1GB sẽ có thể đáp ứng nhu cầu của bạn và đảm bảo ứng dụng chạy trơn tru hơn. Thường xuyên dọn dẹp bộ nhớ đệm (cache), rác ứng dụng cũng là điều cần thiết, nhưng nhớ rằng chỉ nên xóa 1 lần trong vài tháng hoặc lâu hơn. Nếu dọn bộ nhớ đệm thường xuyên sẽ cũng gây ra tình trạng tương tự như trên.
Bạn là một người rất hay sử dụng ứng dụng dọn dẹp để RAM trống, vậy hãy thử trong một tuần không sử dụng ứng dụng đó, xem có sự khác biệt nào xảy ra không nhé!