Ông không dạy học trò đá thô bạo nhưng ai cũng chơi tiểu xảo thì họ phải dùng mánh khóe mới tồn tại nổi. Ông Thắng dẫn chứng cầu thủ trẻ HA Gia Lai có tiếng ngoan hiền, chỉ sau gần ba mùa chơi V-League đã học thành thạo các ngón nghề tiểu xảo.
Mọi sự bắt nguồn từ tiết lộ của HLV Võ Đình Tân của đội bóng Khánh Hòa nói mình không bất ngờ với chiếc thẻ đỏ của Hoài An vì hành động trả đũa đồng nghiệp. Ông Tân kể học trò của mình bị cầu thủ Sài Gòn móc mắt, đá hậu, giật chỏ vào người liên tục mà không bị trọng tài phạt thì việc trả đũa do ức chế là không bất ngờ.
Từ câu chuyện của hai ông thầy đang cầm quân V-League, người ta càng rõ hơn về một giải đấu khắc nghiệt không phải vì hơn kém nhau về trình độ chuyên môn, tài thao lược trên sân cỏ… mà bởi những trò xấu xí đang diễn ra như một phần tất yếu.
Chắc hẳn ông Võ Đình Tân còn muốn gửi gắm nhiều hơn nữa qua cách nhìn nhận về trọng tài trong trận đấu không bàn thắng ấy thường bỏ qua những tiểu xảo của đội chủ nhà và kết luận nếu là trọng tài ngoại sẽ không thiên vị như thế. Nó nói thay cho cái nguyên nhân sâu xa hơn của các đội tuyển quốc gia ra đấu trường quốc tế, cầu thủ vận dụng thói xấu từ V-League khiến hay bị “ăn thẻ” vô duyên từ trọng tài nước ngoài không chịu áp lực hay chi phối từ ai cả.
Rõ ràng việc phòng và chống cái xấu trên sân cỏ đang bị thả nổi bởi những thành phần tham gia vào bóng đá. Con số 514 thẻ vàng, 24 thẻ đỏ, cao hơn nhiều tổng số 408 bàn thắng sau 21 vòng đấu vẫn chưa phác họa đầy đủ bức tranh tiểu xảo loang lổ của V-League.
Chơi tiểu xảo để tồn tại đã phần nào hé mở cho câu hỏi “Vì sao khán giả quay lưng với V-League?” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang bắt buộc VFF phải cải tổ và chấn chỉnh.