Rất nhiều thời kỳ HLV ngoại như ông Calisto, Riedl không chấp nhận phương án “thả tôm, bắt tép” của VFF khi ép dẫn quân U-23 Việt Nam chơi các giải dành cho đội tuyển quốc gia để rèn luyện cho SEA Games. Như có lần ông Mai Đức Chung phải nắm đội Olympic “hộ” ông Riedl, hay trợ lý Lê Huỳnh Đức huấn luyện tuyển quốc gia giúp ông Calisto bận dẫn dắt U-23 có trùng thời điểm tập luyện và thi đấu.
Quan điểm của các HLV ngoại là mặt trận nào thì lực lượng nấy và không thể “hy sinh” giải đấu dành cho đội tuyển quốc gia lại đưa đội U-23 đi thi đấu chỉ vì thành tích SEA Games.
Lần này HLV Hữu Thắng có thuận lợi hơn ở chỗ vòng loại U-23 châu Á tương đương với lứa tuổi U-22 mà các cầu thủ Việt Nam sắp sửa đá xong giải này đến giải kia. Tuy nhiên, cái khó của HLV Hữu Thắng là quân số dẫu đông (còn 27 cầu thủ) nhưng thực tế ông chỉ có nhỉnh hơn một đội hình cần đá chung nhiều cho nhuần nhuyễn cho cái đích nhỏ Đông Nam Á có tác dụng cao hơn một suất vào vòng chung kết giải đấu lớn U-23 châu Á.
Xuân Trường trở về tập luyện cùng các đồng đội. Ảnh: HUY PHẠM
Cho nên HLV Hữu Thắng sắp tới sẽ đối diện một bài toán hóc búa ở giải U-23 châu Á hai ngày nữa khai mạc là làm sao phải đạt chỉ tiêu nhất, nhì bảng I để lấy vé vào sâu, lại vừa dưỡng quân, tránh chấn thương, xuống phong độ cho SEA Games 29.
Cần biết một suất đi tiếp ở vòng loại U-23 châu Á cũng là một liều thuốc kích thích tinh thần rất lớn, nâng bước cho thầy trò Hữu Thắng ở giải Đông Nam Á. Vì thế, ban huấn luyện buộc phải tính toán rất thận trọng đến việc bảo toàn lực lượng dù lý thuyết hai trận thắng U-23 Đông Timor, Macau (ngoài đội mạnh U-23 Hàn Quốc) đang nghiêng về chủ nhà Việt Nam.
Giới hâm mộ rất dễ thuộc tên những cầu thủ có khả năng cao hơn giành suất đá chính và rất khó thay đổi. Tuy nhiên, để ban huấn luyện cân bằng đội hình với cách sử dụng nhân sự sao cho hợp lý cho các mặt trận không phải đơn giản. Ví như Tuấn Anh, Xuân Trường là cặp đôi hoàn hảo ở tuyến giữa nhưng điểm yếu thể lực của họ cùng tiền sử chấn thương khi hoạt động quá tải nên rất cần đến sự dung hòa cho cuộc chơi dài.
Bên cạnh đó, vòng loại U-23 châu Á cũng không phải là nơi thử nghiệm vì mục tiêu phải thắng ít nhất hai trận sẽ thực sự không có nhiều cơ hội ra sân của những cầu thủ nằm trong phương án tình thế.
Hy vọng HLV Hữu Thắng có đấu pháp thích hợp cho mỗi trận và tính toán cho từng giải chu đáo mà như ông nói sẽ làm hết sức mình để sau một cuộc chơi không cảm thấy hổ thẹn.
Tập chay, đá thật Hơn nửa tháng huấn luyện cho vòng loại U-23 châu Á, thầy trò Hữu Thắng chỉ có mỗi trận đá chơi với đội hạng nhất Viettel mang ý nghĩa giao lưu hơn là thu hoạch về chuyên môn. Thời gian còn lại, U-22 Việt Nam chú trọng rèn sức mạnh và chỉ đá tập nội bộ. Trong những trận đấu thư giãn với người nhà, các cầu thủ đôi khi cũng tự đem lại nhiều tín hiệu vui cho nhau như việc Văn Toàn, Thanh Bình đã biết ghi bàn sau hơn nửa đường V-League tịt ngòi. Tuy nhiên, đá chơi luôn khác với khi họ ra đấu trường thật có tính cạnh tranh khắc nghiệt và chỉ mong sao niềm vui cứ còn mãi khi tất cả đều nỗ lực cho cái đích chung. |