Ở kỳ này, nếu như bảng A, hai suất vào bán kết là cuộc tranh chấp giữa Malaysia, Myanmar và Singapore thì ở bảng B, suất thứ nhất khó thoát khỏi tay Thái Lan, suất còn lại là cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Indonesia.
Có một thực tế của các đội tuyển Việt Nam khi đá giải Đông Nam Á rơi vào bảng khó sẽ giúp họ trui rèn kinh nghiệm và bản lĩnh cao hẳn lên. Còn nếu họ lọt vào bảng đấu quá nhẹ thì vào vòng knock out lại dễ bị sốc khi gặp đối thủ quá cứng cựa.
Tại SEA Games lần này, rõ ràng U-22 Việt Nam và các đội bảng B (sáu đội) mệt mỏi hơn một chút vì phải đá hơn bảng A (năm đội) một trận. Điều này có nghĩa khi giành quyền vào bán kết, hai đội bảng B bất lợi hơn số ngày nghỉ nhưng tất cả buộc phải chấp nhận.
Ở bảng B, bóng đá Philippines có tiếng số một Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA nhưng với lứa U-22, họ không có cửa. Campuchia và Đông Timor càng không. Vì thế, ngoài nhà đương kim vô địch Thái Lan, đội tuyển U-22 Việt Nam sẽ tranh suất thứ hai cùng Indonesia.
Đối thủ trẻ Indonesia không thể xem thường bởi sự chuẩn bị rất chu đáo cho SEA Games với nhiều cầu thủ giỏi, đáng chú ý là tiền đạo 19 tuổi từ lò Ajax của Hà Lan mới về. Lứa U-22 Indonesia cách đây ba năm từng đánh bại Công Phượng và đồng đội trên chấm luân lưu ở giải U-19 Đông Nam Á.
Một thuận lợi khác của Indonesia là trước khi SEA Games 29 diễn ra, họ tham dự vòng loại U-23 châu Á với đội chủ nhà Thái Lan, cùng với Malaysia (và Mông Cổ). Điều này rất thuận lợi cho HLV Milla Aspas có cái nhìn tổng quan về các đối thủ của U-22 Indonesia khi gặp lại ở SEA Games.
Không dễ cho U-22 Việt Nam đạt chỉ tiêu vô địch khi các đối thủ đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và trở ngại đến ngay từ vòng bảng.