Ngoài Ánh Viên, đội tuyển bơi Việt Nam còn có sự góp mặt của Hoàng Quý Phước, kình ngư Việt kiều Mỹ Lê Nguyễn Paul và một số VĐV trẻ khác. Đây cũng là lần thứ ba Ánh Viên tham dự giải vô địch thế giới (chu kỳ hai năm tổ chức một lần) và thành tích của kình ngư người Cần Thơ đang tiến bộ từng ngày.
Tại giải năm 2013, trong lần đầu tiên tham dự, Ánh Viên thi đấu cự ly sở trường 400 m hỗn hợp nữ đạt thông số 4’47”60 thì chỉ hai năm sau, thành tích đã được Ánh Viên rút ngắn hơn 8 giây, xuống còn 4’38”78, xếp hạng 10 thế giới. Đấy được xem là sự trưởng thành thần kỳ đối với tố chất của một VĐV thuộc khu vực Đông Nam Á như Ánh Viên.
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được kỳ vọng sẽ đạt phong độ tốt tại Budapest trước khi tỏa sáng tại SEA Games 29. Ảnh: AQ
Hiện tại thông số ấy đã được Ánh Viên tiếp tục rút ngắn xuống còn 4’37”71, cũng là thành tích giúp cô gái 21 tuổi giành chức vô địch giải bơi châu Á 2016. Để chuẩn bị cho giải vô địch thế giới, thầy trò Ánh Viên đã trải qua quá trình huấn luyện, làm quen đường bơi cả tháng trời tại Budapest.
Dự tranh 400 m hỗn hợp nữ - cự ly được kỳ vọng nhất, Ánh Viên sẽ phải đối mặt các đối thủ mạnh thế giới như đương kim vô địch Katinka Hosszu của nước chủ nhà, á quân Maya Di Rado (Mỹ), HCĐ Emily Overhold (Canada)… đều đạt thông số vượt xa 4’37”71 của Ánh Viên 5-7 giây. Thế nên nếu phấn đấu vượt qua được chính mình, Ánh Viên cũng chỉ dám mơ đến thành tích lọt vào vòng bơi chung kết hơn là việc tranh chấp huy chương.
Cũng từ giải vô địch thế giới 2016 tại Kazan (Nga), kình ngư Ánh Viên sau đó đã tạo nên cơn “mưa vàng” SEA Games 28 tại Singapore khi tạo nên cơn sốt đoạt tám HCV, phá tám kỷ lục SEA Games.
Bất luận kết quả vô địch thế giới thế nào thì đấy sẽ là đòn bẩy để “cô gái vàng trên đường đua xanh” hoàn thành mục tiêu chinh phục 10 chức vô địch tại kỳ đại hội lần thứ 29 sẽ diễn ra vào tháng 8 tới tại Malaysia.