Một là không hề có phát biểu “chào mừng thắng lợi”, “chúc mừng nhà vô địch”, “cảm ơn nhà tài trợ”... vốn thường thấy ở các giải ta. Chỉ có duy nhất lãnh đạo cao nhất của ban tổ chức Premier League trao huy chương và cúp cho các cầu thủ Chelsea. Nó khác hẳn với ta thường phải là tối thiểu năm vị với đủ ban bệ từ bộ xuống VFF, VPF, ban tổ chức, lãnh đạo địa phương… với sự cào bằng người trao huy chương, người tặng hoa, người bắt tay rồi đến hai người cùng trao cúp và trao xong thản nhiên chiếm lấn luôn chỗ riêng của các nhà vô địch.
Hai là hình ảnh vợ (hoặc người yêu) cùng con các cầu thủ xuống sân chung vui, chụp ảnh cùng các cầu thủ và chiếc cúp vô địch trông thật xúc động và ý nghĩa. Có ai ngờ một Zouma đen trũi như cột nhà cháy lại có cô vợ da trắng xinh như mộng và hai đứa con “cà phê sữa” thiệt dễ thương. Hay anh chàng Costa mặt rất “hầm hố” lại dí dỏm đứng cạnh ghẹo cu cậu con trai của mình…
Đấy là những hình ảnh “đắt” nhất và “đời” nhất của cả mùa giải. Chẳng bù với ta, những nhà đài làm nhiệm vụ tường thuật thì chỉ chăm chăm vào nhà tài trợ và các ông lãnh đạo mà bỏ qua các nhân vật chính: cầu thủ, cổ động viên và cả gia đình cầu thủ - những người hy sinh thầm lặng bên các cầu thủ.
Ba là ở tuổi 37, trong mùa giải cuối sau 22 năm cống hiến cho The Blues, dù trên danh nghĩa vẫn là đội trưởng nhưng lão tướng John Terry hầu như không có đóng góp gì nhiều cho chức vô địch bởi toàn đá dự bị nhưng CLB vẫn dành cho anh vinh dự là đội trưởng. Anh được xướng tên cuối cùng lên nhận huy chương vàng và là người nhận chiếc cúp từ ban tổ chức. Cảm động hơn là trước đó toàn đội xếp hàng tri ân anh rời sân ở phút 26, đúng với số áo của anh, còn cổ động viên trên khắp các khán đài Stamford Bridge đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay tri ân một công thần.
Bóng đá là sân khấu bốn mặt, bóng đá cũng hỉ nộ ái ố như cuộc đời và xem đêm trao giải nhiều cảm xúc ở trời Âu lại nghĩ nhiều đến một V-League đang dang dở dở dang của ta sau nhiều lần đi Tây, đi Tàu học mãi mà vẫn cứ dở dở ương ương…