Đây là lần thứ hai các giải đấu vô địch quốc gia phải ngưng nghỉ trong một thời gian rất dài.
Có điều lạ lùng là rất nhiều CLB mỉa mai cách làm bóng đá của VFF về việc tập trung đội tuyển quá dài ngày là thiếu khoa học, còn VPF cho ngưng giải gây lãng phí lớn, thế mà chẳng ai dám nói thẳng ở ngày sắp lịch đấu.
Thực tế ngay từ giữa mùa giải này, ví như sau giai đoạn 1 V-League 2017, các nhà tổ chức đã lên phương án thi đấu cho mùa giải sau, có đầy đủ đại diện CLB tham dự chẳng ai nói gì. Tương tự hồi đầu mùa 2017, VPF có hai ngày tổng kết giải và bốc thăm, xếp lịch thi đấu nhưng không ai có phản biện là thiếu khoa học cả. Thế rồi khi các nhà tổ chức bắt tay vào thực hiện, qua việc hai lần cho ngưng giải thì lại kêu ca thấu trời.
Tất cả đều xuất phát từ cái “quyền im lặng” trong buổi lễ tổng kết và mong chờ hơn ở cái phần hội sau đó.
Chính vì thế, cuộc chơi ở mùa này, nhiều đội bóng đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi từ cách tổ chức giải khiến người trong cuộc không cảm thấy thoải mái và thậm chí có cách hành xử tiêu cực.
Chẳng hạn, Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh than thở với khán giả rằng CLB TP.HCM không thể chơi đúng sức ở Cúp Quốc gia, do phải căng sức ra chơi ba trận đầu lượt về V-League trong chín ngày. Công Vinh xin lỗi người hâm mộ sau khi bị phản ánh cầu thủ đá thiếu trách nhiệm. Điều này không nằm ngoài nguyên nhân các giải đấu bất hợp lý theo kiểu no dồn đói góp mà các CLB vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm khi tự “bịt miệng” mình.
Đừng trách bóng đá Việt Nam thiếu chất lượng khi các nhà quản lý và điều hành làng bóng chưa tính toán kỹ lưỡng đến sự thiệt thòi của các CLB khi phải cho giải nghỉ dài trong sự đồng lõa của chính người trong cuộc.