Đó là ý kiến của ông Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại cuộc thảo luận trực tuyến chiều 3 – 2 về những sáng kiến ưu tiên để giúp Việt Nam xây dựng một xã hội công bằng, văn minh trong 20 năm tới.
Theo ông Anh, hiện tượng không công bằng trong việc sử dụng nhân tài cũng là một cản trở lớn đối với hòa nhập xã hội. “Những người kém tài thiếu đức thông qua những con đường khác nhau để chiếm giữ những vị trí quan trọng, nhiều bổng lộc và quyền lực, để rồi làm thất thoát những tài sản lớn của quốc gia. Điều này làm thui chột tính tích cực xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc, mất lòng tin trong xã hội. Tôi cho rằng công tác cán bộ cần phải có những bước đột phá ngay trong thời gian tới”, ông Anh nhấn mạnh.
Thách thức thứ hai theo ông Anh là vấn đề phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế mà lẽ ra phải được xóa bỏ từ lâu. Cơ chế ưu đãi doanh nghiệp nhà nước trong giao đất, vay vốn, tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế đầu tư vào những lĩnh vực kém hiệu quả đã dẫn đến tình trạng làm giàu cho một số cá nhân, nhóm lợi ích trong khi không tạo ra nhiều việc làm cho người dân, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng nhanh.
Ngoài ra, ông Anh cho rằng Việt Nam chưa có sự can thiệp kịp thời đối với vấn đề chênh lệch giàu nghèo gay gắt hiện nay. “10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4% thu nhập và chi tiêu quốc gia, trong khi, 10% giàu nhất lại chiếm tới 30%. Chênh lệch giữa hai nhóm này về thu nhập là tám lần”, ông Anh dẫn chứng.
Bên cạnh đó, ông Anh còn cho biết chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị cũng đang gia tăng nhanh và chưa được điều chỉnh hiệu quả. Thực trạng này khiến cho lao động nông thôn bỏ quê hương đồng ruộng ra thành phố kiếm sống và gia nhập đội quân nghèo đô thị. Sau 30 năm, nông dân vẫn là tầng lớp thụ hưởng ít nhất thành quả của công cuộc đổi mới phát triển.