Hôm qua, 2-10, thay mặt Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trình bày tờ trình của Bộ Chính trị về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá các quy định hiện hành của Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên chưa xác định cụ thể nội dung nêu gương của các đảng viên cao cấp. Đây là nhóm đối tượng mà việc nêu gương của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực, lan tỏa mạnh trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần làm xoay chuyển tình hình theo hướng tích cực cho cả hệ thống chính trị.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VNN
Vậy nhưng thời gian gần đây, một số người phẩm hàm cao lại thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều này đã được nhắc tới trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp lần thứ 14 ngày 20-8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hơn hai năm từ sau Đại hội XII tới nay, đã có 56 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, bao gồm 11 ủy viên trung ương đương chức hoặc đã nghỉ hưu. Trong số này, ông Đinh La Thăng phải thôi chức ủy viên Bộ Chính trị, rồi khai trừ đảng và nhận án phạt tù vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Đây là căn cứ thực tiễn để Bộ Chính trị khóa XII đề nghị trung ương ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Dũng cảm nhận khuyết điểm, trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi...
Theo Bộ Chính trị, dự thảo quy định này được xây dựng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Quy định phải ngang tầm với vị trí, vai trò, trọng trách của các đảng viên cao cấp, đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng có liên quan và dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Nguyên lý chung là có xây, có chống, xây trước, chống sau.
Vậy nên dự thảo quy định đưa ra chín nhóm nội dung “xây”, chín nhóm nội dung “chống” mà từng đảng viên cao cấp phải thực sự gương mẫu thực hiện, đồng thời nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Trong nội dung “xây” có một số yêu cầu đáng chú ý. Chẳng hạn, từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương phải nêu cao tính chiến đấu, có chính kiến, quan điểm rõ ràng, đúng đắn trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Thực sự gần dân, tin dân, trọng dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Họ phải hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đảng viên cấp cao phải nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; dũng cảm nhận khuyết điểm, trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình; không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau…
Chống cục bộ, bè phái, kèn cựa...
Về nội dung “chống”, các đảng viên cao cấp này phải nghiêm khắc với bản thân và chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ. Tự mình không và phải chống thói công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, đánh bóng tên tuổi, hứa suông, nói không đi đôi với làm, nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác. Chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa; chống độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nạt dưới; chống lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm cũng như lấy danh nghĩa tập thể để thực hiện ý đồ cá nhân.
Chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng, dung túng, bao che, thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi; sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, cá nhân làm giàu bất chính, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ… Nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc cha mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột của mình và vợ chồng, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp, chi phối, thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cũng như xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật. Không để những thành phần “gián tiếp” này đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài.
Quy định nêu gương này khi được ban hành sẽ giúp hoàn hiện hệ thống các quy định của Đảng về trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ở cấp trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ phải định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương vào kỳ họp cuối năm. Ở các tổ chức đảng cấp dưới gắn việc thực hiện quy định nêu gương với kiểm điểm, đánh giá cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể động viên nhân dân giám sát thực hiện quy định nêu gương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.