Trước đó, một số ngư dân trên đường ra khơi đánh bắt hải sản khi phát hiện xác cá ông trôi dạt trên biển đã hủy chuyến đi, thông báo cho cộng đồng ngư dân biết để cùng đưa cá ông vào bờ.
Cá ông hay cá voi từ xưa đã được xem là một vị thần đi biển đầy quyền lực đối với ngư dân Việt. Khi cá ông chết ngư dân luôn gọi là “ông lụy”. Cá ông còn có một tên gọi "uy quyền" khác đó là thần Nam Hải bởi ngư dân xem cá ông như một vị thần của biển Đông .
Thuyền đang lai dắt cá ông vào đất liền. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ngoài ra ngư dân còn tin rằng cá ông là sự hiện thân của của chiếc áo choàng mà phật Quan Âm Nam Hải quăng xuống biển để cứu vớt dân chài đang mắc nạn trên biển.
Theo tập tục, người nào tìm thấy xác cá ông bị trôi dạt trên biển thì có nhiệm vụ đưa về mai táng và phải để tang ba năm như ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. Khoảng ba năm sau khi mai táng, cộng đồng ngư dân sẽ làm lễ cải táng đưa xương cốt cá ông vào lăng vạn để thờ cúng chung.
Tại TP Phan Thiết có khá nhiều lăng, vạn thờ cá ông nhưng Vạn Thủy Tú được xem là nơi thờ cúng lớn nhất. Tại đây đang lưu giữ bộ xương cá ông dài 22 m của một cá thể cá ông nặng 65 tấn dạt vào bờ biển. Đây cũng được xem là bộ xương cá ông lớn nhất Đông Nam Á.
Ngư dân cắm cờ chuẩn bị đón thi thể cá ông. Ảnh: PHƯƠNG NAM