Công an TP.HCM cấp thẻ căn cước cho những người yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh. Ảnh: HT

Công an TP.HCM với hành trình tìm lại nhân thân cho người 'vô danh'

(PLO)- Sau hơn một năm thực hiện “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế”, Công an TP đã phối hợp giải quyết cho khoảng 3.000 trường hợp có giấy tờ tùy thân.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Theo đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 06 TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng nhiều mô hình hiệu quả trong cuộc “cách mạng số” đã và đang mang lại nhiều giá trị lợi ích thiết thực cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của TP.

Trong đó, Kế hoạch 1878 ngày 20-4-2023 của BCĐ thực hiện Đề án 06 TP.HCM về phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP là một điểm sáng thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong công tác triển khai, thực hiện Đề án 06.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, về những nỗ lực của ngành công an trên “Hành trình đi tìm nhân thân cho người “vô danh””.

Trăn trở với những nhân khẩu đặc biệt

. Phóng viên: Thưa thượng tá, trước khi thực hiện Kế hoạch 1878/KH-BCĐ ngày 20-4-2023 của BCĐ thực hiện Đề án 06 TP.HCM về việc tổ chức phối hợp cấp các loại giấy tờ tùy thân cho những nhân khẩu có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP như thế nào?

+ Thượng tá Hồ Thị Lãnh: Qua rà soát, tính đến thời điểm tháng 4-2023, trên địa bàn TP có khoảng 3.000 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt chưa có các loại giấy tờ tùy thân, phần lớn được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn các quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức; còn lại là các nhân khẩu đang làm ăn, sinh sống tại địa bàn các quận 1, 8, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn…

Hinh_tem-P5.jpeg
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM. Ảnh: NH

Xác định đa số trường hợp nhân khẩu đặc biệt có liên quan đến việc được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế và thuốc men hằng ngày theo quy định. Từ đó, Công an TP đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, BHXH TP thực hiện khảo sát tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức để nghiên cứu các giải pháp nhằm tìm ra hướng giải quyết cho các trường hợp trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

Quá trình nghiên cứu giải quyết nhận thấy cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan như Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, BHXH TP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, do đó Công an TP đã tham mưu BCĐ thực hiện Đề án 06 TP.HCM xây dựng Kế hoạch 1878.

Vượt qua nhiều khó khăn

. Trong hành trình đi tìm nhân thân cho người “vô danh” chắc hẳn sẽ gặp không ít khó khăn và thử thách, thượng tá có thể chia sẻ những trăn trở, sự quyết tâm của mình cũng như của các chiến sĩ công an khi thực hiện nhiệm vụ?

+ Quá trình triển khai thực hiện ban đầu gặp không ít khó khăn, vướng mắc do công tác phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác 1878 chưa đồng bộ, kịp thời; quy trình xử lý đối với việc xác định thông tin về hộ tịch - cấp giấy khai sinh và quốc tịch, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề vướng mắc cấp thiết trong cấp thẻ BHYT đảm bảo quyền và lợi ích trong khám chữa bệnh của số nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ.

Việc phối hợp thực hiện khai thác, thu thập thông tin dân cư phục vụ công tác xác định thông tin và trải qua một quá trình nỗ lực phấn đấu hết sức vất vả của công an và tư pháp cấp xã như “mò kim đáy bể”, đặc biệt là đối với các trường hợp là bệnh nhân tâm thần và khuyết tật sinh trắc không thể khai thác thông tin dân cư... Từ đó, Công an TP đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, khai thông một số điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.

Hinh_chinh-P5.jpg
Công an TP.HCM cấp thẻ căn cước cho những người yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh. Ảnh: HT

Cụ thể, đơn vị thường xuyên chủ động nắm tình hình tiến độ phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tham mưu Ban giám đốc Công an TP phân công thành viên tổ công tác theo chuyên môn, lĩnh vực để kịp thời hướng dẫn giải quyết; tăng cường công tác khảo sát đối với các đơn vị có nhiều trường hợp nhân khẩu đặc biệt nhưng chậm tiến độ giải quyết để tìm nguyên nhân để báo cáo, tham mưu ban giám đốc có chấn chỉnh chung.

Trong đó, tổ chức nhiều buổi làm việc giữa tổ công tác TP và đại diện BCĐ thực hiện Đề án 06 cấp huyện để nắm tình hình cũng như giải quyết kịp thời các điểm nghẽn. Bên cạnh đó, tập hợp nhân rộng cách làm hay, giải pháp thực hiện hiệu quả của các đơn vị như quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức…

Ngoài ra, thông qua đường dây nóng 0693.187.111 của Công an TP, Công an TP cũng đã tiếp nhận và yêu cầu công an địa phương giúp nhiều trường hợp liên quan đến nhân khẩu đặc biệt…

Giúp hàng ngàn người có giấy tờ tùy thân

. Xin thượng tá cho biết công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch 1878 theo đúng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”?

+ Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” thực hiện với tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau” và “vướng đến đâu, gỡ đến đó”, Tổ công tác 1878 TP, cấp huyện, cấp xã đã có được sự phối hợp chặt chẽ của từng thành viên trong việc “rà soát - sàng lọc - xử lý”. Sắp tới, Công an TP sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, BHXH TP xây dựng quy trình xử lý nhân khẩu đặc biệt thống nhất, cụ thể, đảm bảo “rõ người, rõ việc và rõ trách nhiệm” của từng sở, ngành trong công tác phối hợp nhằm giải quyết số nhân khẩu đặc biệt tồn đọng và phát sinh để mang lại niềm hạnh phúc cho những người yếu thế.

. Cho đến nay Công an TP.HCM đã thực hiện cấp thẻ căn cước, mã định danh cho bao nhiêu trường hợp đã được giải quyết và kế hoạch sắp tới của ngành Công an TP.HCM trong hành trình đi tìm nhân thân cho người “vô danh”?

+ Sau hơn một năm triển khai và thực hiện “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế”, đến nay Công an TP đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành tiếp xúc làm việc với hơn 3.000 trường hợp thuộc diện đặc biệt; đã giải quyết cấp giấy khai sinh, số định danh cá nhân và giải quyết cư trú cho hơn 2.000 trường hợp; tìm ra được thông tin ban đầu và nhân thân của gần 250 trường hợp.

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7) trên địa bàn TP theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho hơn 1.000 trường hợp.

Việc làm có ý nghĩa nhân văn này vừa tạo niềm vui và hạnh phúc cho người yếu thế vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, sở, ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác, góp phần ổn định cuộc sống của người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung.

. Xin cảm ơn thượng tá.

Hơn 1.500 nhân khẩu đặc biệt được cấp CCCD

Ngày 7-8, Công an TP tiếp tục có kế hoạch tổ chức cấp thẻ căn cước, tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với các trường hợp đang điều trị tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện trên địa bàn TP và các tỉnh nơi trú đóng của các trung tâm, cơ sở bảo trợ, cai nghiện thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Tính đến nay, tổ công tác Công an TP đã phối hợp với công an các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng tổ chức cấp CCCD gắn chip cho hơn 1.500 trường hợp và thu thập thông tin dân cư cho 300 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt để bàn giao cho công an các đơn vị địa phương phối hợp xử lý.

Đọc thêm