Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 10 và 11-9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Biden đã có một lịch trình dày đặc với nhiều hoạt động, trong hơn 24 giờ tại Việt Nam.
Chuyến thăm mà theo Người đứng đầu Nhà Trắng đó là “chuyến thăm lịch sử” cùng Tuyên bố chung thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết giữa lãnh đạo hai nước đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về kết quả chuyến thăm này.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao. |
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam ngày càng phát triển
. Phóng viên: Một cách vắn tắt, cảm xúc của ông lúc này thế nào?
+ Đại sứ Phạm Quang Vinh: Quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã phát triển rất mạnh, qua đó tạo không gian, dư địa phát triển không chỉ trong quan hệ Việt – Mỹ mà còn giúp cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam cân đối, vững chắc hơn trong tương quan với các đối tác chủ chốt khác. Cụ thể là các quốc gia láng giềng, các quốc gia trong khu vực ASEAN, các nước lớn và các đối tác chủ chốt ở châu Á, châu Âu.
Điều này vừa tốt cho Việt Nam, vừa đóng góp chung cho hòa bình, phát triển chung của khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: TTXVN |
. Giúp cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam vững chắc hơn, cụ thể là thế nào, thưa ông?
+ Với các đối tác chủ chốt, khi trao đổi, người làm đối ngoại luôn phải nhấn mạnh ba vấn đề: (1) Chính sách đối ngoại của Việt Nam là phục vụ lợi ích quốc gia. Mục tiêu của lợi ích quốc gia là phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác. (2) Tạo thế đan xen lợi ích với tất cả các đối tác chủ chốt của ta để có thể hợp tác được lâu dài. (3) Nâng cao vị thế của Việt Nam.
Cùng với kết quả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam hiện đã thiết lập được 18 đối tác chiến lược và trên chiến lược (gồm cả Mỹ). Gọi tên, vị trí, quy mô kinh tế, địa chính trị, sức mạnh cứng mềm của các đối tác ra thì thấy rất rõ là Việt Nam đạt được sự cân đối chiến lược.
Nhìn vào kinh tế sẽ thấy rõ Việt Nam có quan hệ chiến lược với ba trung tâm kinh tế quan trọng là châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ - đặc biệt là Mỹ. Trong đó, đầu vào của Việt Nam phần nhiều hơn là từ châu Á, đầu ra là phía còn lại mà phần nhiều là Mỹ.
Đặc điểm kinh tế Việt Nam là độ mở rất lớn, gần 200% với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 730 tỉ USD, trong khi GDP là 409 tỉ USD. Tức là thương mại quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế.
Như vậy, để ổn định, bền vững cán cân thương mại, Việt Nam phải duy trì tốt quan hệ với cả ba trung tâm này, trong đó có Mỹ. Mỹ cũng là thị trường đầu tiên và duy nhất mà ta đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 100 tỉ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo, sáng 11-9. Ảnh: VGP |
Cánh cửa và cơ hội mới mẻ
. Việt - Mỹ hợp tác trên các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến an ninh, quốc phòng nhưng mục tiêu chính vẫn là kinh tế. Với kết quả chuyến thăm này thì có gì đột phá, thưa ông?
+ Đó là hướng tới một chất lượng phát triển cao hơn, phù hợp với định hướng 2030, 2045 của chúng ta. Tức là dựa vào công nghệ và sáng tạo, thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn có đột phá liên quan đến chuyển đổi số, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến chất bán dẫn, chíp điện tử… Đây là chuỗi cung ứng công nghệ, mà cạnh tranh chiến lược những năm qua đã trở nên nhạy cảm và cao nhất.
Cánh cửa và cơ hội rất mới mẻ, hấp dẫn, nhưng khó đấy!
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden cùng đại diện doanh nghiệp hai nước trao đổi bên lề Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo, sáng 11-9. Ảnh: VGP |
. Ông nói khó, vậy ông đánh giá khả năng của doanh nghiệp, của Chính phủ và người dân Việt Nam thế nào?
+ Ta vẫn nói có ba khâu then chốt để đột phá phát triển kinh tế là chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Câu hỏi đặt ra là cả ba then chốt đó chuyển động thế nào?
Rất vui là trong Tuyên bố chung Việt - Mỹ, phía Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực theo đúng định hướng thích ứng công nghệ và sáng tạo, chuyển đối xanh và chuyển đổi số; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chíp.
Tầm cao mới của quan hệ với Mỹ là yếu tố thuận lợi để ta hợp tác, tranh thủ được với các quốc gia có năng lực trong lĩnh vực mới mẻ này. Tất nhiên, với sức mạnh nội tại hiện có, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn mà phải lên kế hoạch chuyển đổi.
Tôi cho rằng Việt Nam cần nâng vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ, chẳng hạn như nhóm các công ty vừa dự buổi gặp mặt với Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ.
Doanh nghiệp Việt cũng cần tranh thủ, chủ động thiết lập các quan hệ đối tác công nghệ để tận dụng tối đa khung hành lang chính trị, thỏa thuận Việt - Mỹ.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden nhằm tiếp nối chiều dài lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, với niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng thống Mỹ Joe Biden, trưa 11-9. Ảnh: VGP |
Sự kết nối đặc biệt
. Trở lại với diễn biến sự kiện, trong các hình ảnh, lời phát biểu, văn bản thỏa thuận được công bố, ông chú ý nhất chi tiết nào?
+ Trước hết là đôi bên đều coi trọng và rất vui mừng về sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ. Điều này đã chạm đến sự trông đợi của cả những nhà nhân đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai phía. Họ trông đợi, chờ đón giây phút mà hai Nhà lãnh đạo công bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Thứ hai, phát biểu với báo chí ngay sau hội đàm, cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đều nhìn thẳng vào chiều sâu lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, mà với ông Biden là 50 năm còn Tổng Bí thư ta nêu ra là tính từ thời điểm lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman, 1946, tức 77 năm. Nghĩa là từ khi hai nước còn xung đột tới khi vượt qua quan hệ cựu thù, để trở thành quan hệ Đối tác, Đối tác Toàn diện và giờ là Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hai Nhà lãnh đạo đã thẳng thắn nhìn vào hành trình đặc biệt ấy, khẳng định nỗ lực của nhau, để “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Thứ ba, sự kiện này là cột mốc gắn với sự phát triển quan hệ hai nước trong tám năm qua, tính từ chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên đến Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Barack Obama và dự tiệc chiêu đãi do Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì.
Lần này, những câu nói đầu tiên khi bắt tay, khi hội đàm, cả hai Nhà lãnh đạo đều xưng hô như những người bạn cũ, cho thấy kết nối cá nhân này có ý nghĩa biểu tượng rằng hai quốc gia tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Joe Biden chiều 11-9. Ảnh: VGP |
Việt Nam - nhân tố hòa bình, ổn định và phát triển
. Những diễn biến này đặt trong bối cảnh chính trị toàn cầu rất phức tạp với cạnh tranh nước lớn gay gắt, rồi xung đột Nga - Ukraine, phản ánh điều gì?
+ Không chỉ Mỹ mà tất cả các đối tác lớn của chúng ta, thời gian qua, đều có nhu cầu, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam. Điều đó nhận thấy rõ khi ta triển khai một loạt hoạt động đối ngoại với các đối tác ở trung tâm kinh tế, chính trị châu Âu, châu Á.
Australia, Nhật Bản, Singapore, Indonesia… đều đặt vấn đề nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Như vậy là thế giới nhìn thấy ở Việt Nam giá trị của một nhân tố cho hòa bình, ổn định và phát triển. Ngược lại, diễn biến và kết quả đó của chính sách đối ngoại là minh chứng khẳng định Việt Nam hợp tác vì lợi ích cùng có lợi với tất cả các bên.
Diễn biến ấy tiếp tục phản ánh nhu cầu của đối tác trước thực trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu rất lớn, xuất phát từ dịch bệnh, từ khủng hoảng chính trị, an ninh như xung đột Nga - Ukraine hay cạnh tranh nước lớn.
Nhu cầu ấy không chỉ của các nước, các đối tác mà với cả chúng ta là đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh rủi ro của việc dồn trứng vào một giỏ. Trong quá trình chuyển dịch đó, nếu chúng ta đủ tiềm lực sẽ có thể hấp thụ, đón luồng sóng đầu tư chất lượng cao.
Như vậy, cùng với nỗ lực nâng cấp quan hệ về tên gọi của nó, ta và các đối tác đều nỗ lực thổi hồn cho nội hàm, chất lượng hợp tác và định hướng cho giai đoạn mới của sự phát triển các quan hệ.
Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu không chỉ trong nước phải đổi mới để bắt kịp với thế giới mà với bên ngoài Việt Nam cũng phải hội nhập để đóng góp nhiều hơn về hòa bình, an ninh, chính trị với thế giới.
Và khi trở thành mắt xích thiết yếu trong kinh tế khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu thì những câu chuyện đó đã tạo ra cho chúng ta sức mạnh tổng hợp mới.
. Xin cảm ơn ông!
Bốn yếu tố xét đến khi quyết định nâng cấp quan hệ đối ngoại
Thứ nhất, hai bên cần nhau và có lợi ích đan xen ở mức độ nào.
Thứ hai, hai bên thấy cần phải có khuôn khổ, nguyên tắc chỉ đạo mới để bảo đảm quan hệ đối tác ổn định và lâu dài.
Thứ ba, dư địa để mở rộng hợp tác thế nào.
Thứ tư, cơ chế quản trị sự khác biệt khi nâng cấp quan hệ.