Để TP.HCM là trung tâm vi mạch cả nước

LOẠT BÀI: PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VI MẠCH BÁN DẪN CHO TP.HCM - BÀI 3:

Để TP.HCM là trung tâm vi mạch cả nước

(PLO)- Để TP.HCM trở thành trung tâm vi mạch dẫn đầu cả nước đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn thuộc Đại học RMIT nhận định, các nhà lãnh đạo cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục, đào tạo và hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung cấp ổn định các chuyên gia lành nghề. Đây là nền tảng rất quan trọng nhằm giúp TP.HCM củng cố vị thế là một trung tâm vi mạch của cả nước.

trung-tam-vi-mach-tphcm8.png

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, để trở thành trung tâm vi mạch của cả nước, TP.HCM đã có nhiều bước tiến trong việc hình thành hệ sinh thái bán dẫn và sản xuất vi mạch. TP.HCM đã thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP (HSIA), tăng cường liên kết, hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến ngành điện tử, vi mạch.

TP.HCM tạo điều kiện phát triển Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC) trong lĩnh vực đào tạo điện tử và vi mạch. IETC đã ký thỏa thuận với MediaTek, một công ty bán dẫn chuyên về các giải pháp cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Sự hợp tác này mở ra hướng đào tạo bằng cách sử dụng thiết kế chipset Media Tek, làm nổi bật kết quả giáo dục theo định hướng kinh doanh và thực tế.

trung-tam-vi-mach-tphcm4.PNG

Tuy nhiên, đầu vào cho các chương trình đào tạo chuyên ngành bán dẫn như vậy đòi hỏi TP.HCM phải nuôi dưỡng những tài năng tương lai bằng cách đầu tư vào giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) tại các trường học.

Việt Nam đã có chiến lược mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, tuy nhiên do sản phẩm chủ lực hay chuỗi cung ứng cụ thể chưa được xác định rõ ràng nên số lượng nhân lực thường mang tính khái quát.

“Tuy nhiên, Việt Nam cần xác định loại chip, chất bán dẫn nào để phát triển. Ví dụ, FPT nâng cao năng lực tập trung chủ yếu vào thiết kế chip quản lý nguồn, chip IoT và bán dẫn tích hợp” – TS Hùng nói.

trung-tam-vi-mach-tphcm2.PNG

Điều quan trọng là phải xác định được vị trí của mình trong một chuỗi cung ứng cụ thể và tận dụng các cơ hội về nguồn nhân lực, đồng thời xem xét các yếu tố hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng. “Dựa vào thương hiệu được phát triển tốt để tăng cường năng lực nội bộ có thể là lựa chọn tốt cho các công ty Việt Nam trong nỗ lực phát triển công nghệ và nguồn nhân lực” – TS Hùng gợi ý.

trung-tam-vi-mach-tphcm11.png

Chính phủ có thể tạo ra các nền tảng khuyến khích đầu tư thông qua ưu đãi thuế, phát triển cơ sở hạ tầng và các lợi ích khác để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ có thể tiếp tục hỗ trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ tài chính cho các dự án liên quan đến vi mạch, điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư tốt.

Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ngành công nghiệp vi mạch, các trường đại học nghiên cứu và các tổ chức khác như ngân hàng để tạo điều kiện chuyển giao kiến thức, phát triển kỹ năng và hợp tác nghiên cứu.

Nhà nước có thể phân bổ kinh phí dành riêng cho các dự án nghiên cứu hợp tác giữa các công ty bán dẫn vi mạch và trường đại học. Cơ hội tài trợ này cho phép hợp tác chung và trao đổi kiến thức, do đó tạo điều kiện cho lực lượng lao động chuyên nghiệp trong lĩnh vực vi mạch.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học RMIT

Video: Để TP.HCM là trung tâm vi mạch cả nước
trung-tam-vi-mach-tphcm9.png

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, việc tích cực hợp tác với các nước đứng đầu thế giới để tăng cường nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chip sẽ tạo nền tảng tốt cho chương trình sản xuất vi mạch của Việt Nam. Ông cho rằng, trong ngành vi mạch, nút thắt chính là trao đổi kiến thức và bí quyết; một số hạng mục này chỉ đơn giản là “không thể chuyển nhượng” (not transferable).

Vì vậy, việc tìm kiếm một vai trò trong chuỗi cung ứng của mình, hợp tác chung và học hỏi từ các đối tác để tích lũy năng lực cho chính mình có thể là câu trả lời cho Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

trung-tam-vi-mach-tp.png

Chuyên gia cũng phân tích thêm, chuỗi cung ứng yêu cầu các thành viên đóng góp những giá trị chung để duy trì mối quan hệ. Ví dụ về FPT đã thực hiện thành công một số thương vụ M&A, bao gồm hợp tác với NAC, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI và Intertec International. Đáng chú ý là mối quan hệ hợp tác chiến lược gần đây với NVIDIA nhằm định vị FPT trong lĩnh vực chip đồ họa, ứng dụng và giải pháp AI và có thể đẩy nhanh quá trình “made in Vietnam”.

trung tâm vi mạch
Để trở thành trung tâm vi mạch của cả nước, TP.HCM đã có nhiều bước tiến trong việc hình thành hệ sinh thái bán dẫn và sản xuất vi mạch.

Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip và sẽ cần ít nhất 50.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay.

Hàng năm, Việt Nam có thể đào tạo khoảng 500 kỹ sư có trình độ, do đó, chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn trong 10 năm tới để đạt mục tiêu có 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn vào năm 2030.

“Chúng ta có thể thấy thông điệp rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho cách tiếp cận trên khi tổ chức cuộc thảo luận cấp cao với Chủ tịch tập đoàn chip NVIDIA và đề xuất các nền tảng cho sự hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển” – TS Hùng nói. Theo ông, Việt Nam cần một “đường cao tốc” như vậy để nâng cao năng lực của đất nước về công nghệ chip bán dẫn.

trung-tam-vi-mach-tphcm10.png

- PV: Sau hơn 10 năm Intel đầu tư tại Việt Nam làm chip cũng như hàng loạt các đại gia trong lĩnh vực vi mạch đã có mặt tại TP.HCM, chất lượng nhân lực vi mạch Việt Nam có tiến bộ ra sao?

+ Tiến sĩ Majo George, Đại học RMIT: Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm vi mạch quan trọng, phần lớn thông qua các khoản đầu tư đáng kể từ Intel và các gã khổng lồ trong ngành khác. Sự phát triển này đã nâng cao đáng kể chất lượng và năng lực của lực lượng lao động vi mạch trong nước.

Hiện nay, có hơn 50 doanh nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Intel Corporation, Amkor Technology, Inc., Hana Micron Inc., Ampere, Marvell Technology, Cadence Design Systems, Renesas Electronics, Synopsys Inc, Qorvo, Inc., Lam Research, và Coherent Corp.

Một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình này là khoản đầu tư của Intel vào Việt Nam. Với hơn mười năm đầu tư, Intel đã góp phần định hình ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. Các cơ sở của Intel tại Việt Nam tập trung vào sản xuất và lắp ráp chip, tạo ra hàng ngàn việc làm tay nghề cao và thúc đẩy phát triển lực lượng lao động có chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực vi mạch.

Cam kết của Việt Nam trong việc phát triển lực lượng lao động vi mạch chất lượng cao được thể hiện trong chiến lược quốc gia cho ngành.

trung-tam-vi-mach-tphcm3.PNG

Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn vào năm 2030 thông qua Trung tâm Đổi mới Quốc gia. Sáng kiến này bao gồm sự hợp tác với các gã khổng lồ về chip bán dẫn để hiểu nhu cầu của họ và dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai. Bằng cách điều chỉnh việc phát triển lực lượng lao động theo xu hướng ngành, Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường vi mạch toàn cầu.

Lực lượng lao động vi mạch của Việt Nam đã tiến bộ đáng kể về chất lượng và năng lực nhờ vào sự đầu tư bền vững, quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược quốc gia có trọng tâm. Những nỗ lực này sẽ tiếp tục định hình vai trò của Việt Nam trong ngành bán dẫn toàn cầu thời gian tới.

- Từng đã chế tạo ra con chip của riêng mình, có thể thấy trung tâm vi mạch của Việt Nam là TP.HCM đã có đội ngũ kỹ sư nhiều kinh nghiệm, nhưng nhiều ông lớn trong ngành vi mạch vẫn kêu thiếu nhân lực chất lượng cao, ông đánh giá vấn đề này ra sao?

+ Tiến sĩ Majo George: Ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam đã phát triển với sự đầu tư đáng chú ý từ các ông lớn như Intel và Samsung. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng phản ánh sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực thiết kế, kỹ thuật và nghiên cứu và phát triển (R&D) chip tiên tiến. Lực lượng lao động vi mạch vẫn thiếu kinh nghiệm trong thiết kế chip tiên tiến và kỹ thuật công nghệ cao so với các nước khác. Các lĩnh vực này đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn cần có thời gian để phát triển.

TP.HCM với tư cách là trung tâm vi mạch bán dẫn của cả nước, phải đối mặt với những thách thức đặc biệt trên khía cạnh này.

Một vấn đề quan trọng là sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp vi mạch, kéo theo nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân sự lành nghề. Những công ty như Marvell Technology thành lập các trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp thế giới và quan hệ đối tác của Synopsys với SHTP cho thấy động thái nhằm giải quyết nhu cầu này. Bất chấp những nỗ lực này, nguồn cung nhân lực chất lượng cao vẫn gặp khó khăn để bắt kịp tốc độ phát triển.

Các mục tiêu đầy tham vọng của TP.HCM thành trung tâm vi mạch đòi hỏi lực lượng lao động có nhiều kỹ năng, từ lắp ráp cơ bản đến kỹ thuật và thiết kế tiên tiến.

Sự thiếu hụt nhân tài chất lượng cao trong lực lượng lao động vi mạch của TP.HCM đang thách thức sự phát triển liên tục của ngành. Tuy nhiên, các sáng kiến chiến lược, quan hệ đối tác quốc tế và sự hỗ trợ của chính phủ đều nhằm giải quyết những thiếu hụt này, cho phép thành phố củng cố vị thế là một trung tâm vi mạch của cả nước.

trung-tam-vi-mach-p.png
TP.HCM trở thành trung tâm vi mạch dẫn đầu cả nước đòi hỏi phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quan hệ đối tác với các công ty vi mạch toàn cầu đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam.

Synopsys, nhà sản xuất phần mềm chip có uy tín có trụ sở tại Mỹ, đã ký kết thỏa thuận với Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) để đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Sự hợp tác này liên quan đến việc cung cấp công nghệ tiên tiến và nguồn lực đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ kỹ năng của lực lượng lao động bán dẫn của Việt Nam.

Tác động của những khoản đầu tư và hợp tác này là rất lớn. Lực lượng lao động vi mạch của Việt Nam ngày càng có khả năng xử lý các quy trình sản xuất phức tạp và thích ứng với những tiến bộ công nghệ. Nhờ đó, Việt Nam mà cụ thể là trung tâm vi mạch TP.HCM đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp vi mạch toàn cầu với những kế hoạch đầy tham vọng nhằm củng cố vị thế của mình vào năm 2045.

IMG_2652.PNG

Đọc thêm