Miễn thuế nhập khẩu hàng hóa từ 2 triệu đồng trở xuống?

(PLO)- Bộ Tài chính bỏ quy định định mức miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa gửi Chính phủ Tờ trình dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT).

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định quy định hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu gồm: Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua sàn TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống. Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế nêu trên không quá 96 triệu đồng/năm.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng hoặc có trị giá hải quan từ 2 triệu đồng trở xuống nhưng vượt quá định mức miễn thuế quy định thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu của đơn hàng phát sinh.

Theo Bộ Tài chính, tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ ngày 20-6-2023 quy định đối tượng được miễn thuế nhập khẩu trong đó gồm: hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng.

Lý do quy định miễn thuế đối với hàng hóa có số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng là để tránh việc chi phí thu thuế của cơ quan nhà nước lớn hơn số tiền thuế nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, sự thuận tiện của việc thu thuế hiện nay không cần thiết phải quy định.

Đồng thời, nếu quy định việc miễn thuế đối với hàng hóa có mức thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng, người khai hải quan phải thực hiện khai báo các thông tin để tính được số tiền thuế như mã HS, mức thuế suất,...cơ quan hải quan phải có biện pháp kiểm tra được các thông tin này.

Vì vậy, Bộ Tài chính bỏ quy định định mức miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200 ngàn đồng.

thuế nhập khẩu
Doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới tham gia hội chợ tại TP.HCM . Ảnh: TÚ UYÊN

Theo Bộ Tài chính, hiện nay hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trị giá đơn hàng dưới 1 triệu đồng được miễn kiểm tra chuyên ngành.

Cũng tại dự thảo Nghị định trình Chính phủ ngày 20-6-2023 quy định ngưỡng giá trị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT được miễn kiểm tra chuyên ngành lớn hơn mức quy định.

Cụ thể, hàng hóa có trị giá từ 2 triệu đồng trở xuống và hàng hóa trên 2 triệu đồng là hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng/năm.

Việc áp dụng ngưỡng tổng giá trị nhập khẩu không quá 96 triệu đồng/năm để hạn chế người mua lợi dụng chính sách, chia nhỏ hàng hóa để hưởng miễn kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, trước bối cảnh TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có xu hướng ồ ạt vào Việt Nam, việc miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT theo dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ có thể tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu khác và hàng sản xuất trong nước.

Nguy cơ hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam mà không bị kiểm soát chất lượng.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định: “Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng không quá 4 lần/năm.

Đồng thời, tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng /năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân”.

Theo Bộ Tài chính, quy định này hạn chế số lần được miễn kiểm tra để tránh việc các cá nhân, tổ chức nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa không chịu sự kiểm tra chuyên ngành.

Theo Bộ Tài chính, năm 2024, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Bên cạnh việc mang đến nhiều cơ hội, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT xuyên biên giới tạo ra nhiều thách thức. Các tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách...

Bên cạnh đó, với chiến lược phát triển TMĐT của Trung Quốc thời gian gần đây sẽ tạo các nguy cơ hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, các công ty TMĐT trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.…

Vì vậy, đảm bảo có hành lang pháp lý cho TMĐT, thực hiện cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết ban hành Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT phù hợp với pháp luật hiện hành và thực tiễn TMĐT hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm