Kỹ sư bán dẫn Việt sẵn sàng cạnh tranh với đồng nghiệp quốc tế

Loạt bài: Phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn cho TP.HCM-Bài 1:

Kỹ sư bán dẫn Việt sẵn sàng cạnh tranh với đồng nghiệp quốc tế

(PLO)- Suốt hai thập kỷ, kỹ sư bán dẫn Việt Nam đã tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ với các tập đoàn lớn trên thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ky-su-ban-dan-chip.jpg
ky-su-ban-dan-Viet-cong-nghe-AI.png

Khi TP.HCM tìm cách mở rộng ngành vi mạch, tất cả các chuyên gia đều đồng tình rằng việc nâng chất cho nguồn nhân lực là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Sự tự tin này có thể thấy được qua chặng đường dài của thế hệ đầu tiên làm vi mạch của các kỹ sư Việt Nam.

Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên ban chấp hành Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) được xem là một trong thế hệ kỹ sư đầu tiên của ngành vi mạch Việt Nam.

Lúc đó, ông Vinh cùng nhiều kỹ sư khác đã được tuyển dụng vào vị trí kỹ sư thiết kế vi mạch đầy mới mẻ và hấp dẫn này. Chặng đường đó được xem là khá gian nan vì có quá nhiều thứ phải học trong thời gian ngắn do lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là thiết kế vi mạch còn rất mới tại Việt Nam.

Ông Vinh cùng các đồng sự mất 12 tháng để học từ căn bản đến chuyên sâu. Đồng thời được thử nghiệm trên các thiết kế công nghiệp có sẵn nhằm nâng cao kỹ năng cũng như hạn chế rủi ro trong các dự án thiết kế mới có giá hàng triệu đô la Mỹ. Từ đó, nhóm kỹ sư Việt Nam tại công ty Signet Design Solutions đã nắm bắt các quy trình phức tạp của việc thiết kế một chip hoàn chỉnh.

Không lâu sau đó, ông Vinh và nhóm kỹ sư đầu tiên này được giao thực hiện dự án chính thức và hoàn chỉnh thiết kế đầu tiên tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Với thành quả đạt được chỉ trong thời gian ngắn, ông Vinh cùng một vài đồng nghiệp được công ty cử sang Mỹ và làm việc dài hạn cùng các kỹ sư của công ty mẹ tại Mỹ.

"Khoảng thời gian làm việc tại Mỹ là dấu ấn rất quan trọng với tôi vì qua đó cho thấy rằng, kỹ sư người Việt, dù chỉ học tập ngay tại Việt Nam, hoàn toàn có thể tiếp thu được các công nghệ tiên tiến, thiết kế được chip có độ phức tạp cao đòi hỏi nhiều sáng tạo. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đồng nghiệp quốc tế" - ông Vinh nhớ lại.

Đến nay đã có hàng ngàn kỹ sư bán dẫn Việt làm việc tại các công ty chip hàng đầu thế giới
Đến nay đã có hàng ngàn kỹ sư bán dẫn Việt làm việc tại các công ty chip hàng đầu thế giới.

Với khởi đầu thành công, kỹ sư Vinh vươn lên nhiều nấc thang trong sự nghiệp của mình. Hiện ông là Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Synopsys, tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch. Ông cũng góp phần đào tạo, hướng dẫn và bồi dưỡng nhiều lứa kỹ sư thiết kế vi mạch tài năng cho Việt Nam 20 năm qua.

Ông Vinh được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá là một kỹ sư bán dẫn có kinh nghiệm thực chiến phong phú. Ông cũng là một trong số ít kỹ sư bán dẫn có thể chịu trách nhiệm thực hiện thiết kế chip phức tạp, hiện đại tầm cỡ thế giới ở các node công nghệ dưới 7 nm; hoàn chỉnh từ công đoạn lựa chọn công nghệ, xây dựng qui trình thiết kế, thực thi và tối ưu thiết kế đến các bước kiểm tra cuối cùng trước khi gửi bản vẽ vi mạch đến nhà máy sản xuất.

Ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA đến thăm Trung tâm Điện tử Vi mạch Bán dẫn TP.HCM.
Ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA đến thăm Trung tâm Điện tử Vi mạch Bán dẫn TP.HCM.

Các kỹ sư bán dẫn Việt đang đặt dấu ấn rất lớn trong việc thiết kế các con chip hiện đại nhất thế giới, đang được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Điều này có thể thấy qua việc Tập đoàn Marvell, một “ông lớn” về chip của Mỹ, đặt mục tiêu thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM.

Tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam cho biết, cách đây hơn một thập niên, Marvell Việt Nam có khởi đầu rất khiêm tốn. Doanh nghiệp chỉ có một nhóm nhỏ kỹ sư bán dẫn khoảng 15-20 người và bắt đầu đảm nhận những dự án nhỏ về bộ điều khiển của thiết bị lưu trữ, bao gồm thiết kế giao diện.

Sau đó, Marvell Việt Nam phát triển và mở rộng phạm vi dự án, bao gồm bộ phận lưu trữ, thiết kế kết nối quang học và đồng. Sau đó đến trí tuệ nhân tạo (AI) và xe hơi thông minh, rồi phát triển những công nghệ mới và đảm nhiệm những thiết kế hiện đại hơn, có tốc độ nhanh hơn, với những công nghệ từ 12 nm xuống còn 5 nm, thậm chí 3 nm.

ky-su-viet-cong-nghe-chip-AI2.png

Giờ đây, người Việt đã lấp đầy trong các công ty vi mạch hàng đầu thế giới cũng như phô diễn được tài năng trong việc thiết kế những con chip hiện đại nhất thế giới.

GS-TS Đặng Lương Mô, một nhà khoa học vi mạch từng làm việc tại Nhật cho biết, cách đây hơn một thập niên, các kỹ sư bán dẫn Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã từng thiết kế thành công con chip SG8V1. Điều này cho thấy năng lực thiết kế và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực vi mạch của kỹ sư Việt Nam.

Từ đó đến nay đã có hàng ngàn kỹ sư bán dẫn Việt làm việc tại các công ty chip hàng đầu thế giới. Đây cũng là lý do nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam làm nơi sản xuất vi mạch cho toàn cầu.

Mới đây tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM vào cuối tháng 4-2024, ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA (Mỹ) tiết lộ, tập đoàn có 3/4 nhân lực là kỹ sư người Việt Nam.

“Ngay bây giờ nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin TP.HCM phải chuyển đổi thành những kỹ sư công nghệ AI, kỹ sư bán dẫn vi mạch… TP.HCM chỉ cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhân lực chất lượng, thúc đẩy đầu tư hợp tác đối tác công tư”- ông Keith Strier chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Thi (trái), Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và ông Keith Strier (phải), Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA.
Ông Nguyễn Anh Thi (trái), Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và ông Keith Strier (phải), Phó Chủ tịch Tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, có hai cột mốc rất quan trọng đặt nền tảng cho phát triển vi mạch tại TP.HCM. Đó là Intel xây dựng nhà máy sản xuất chip hàng đầu thế giới tại SHTP và sự thành công tạo ra con chip “Make in Vietnam” của đội ngũ kỹ sư ICDREC. Đây là những tiền đề quan trọng đã xây dựng một đội ngũ nhân lực đủ khả năng đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị vi mạch.

Ông Noriaki Sakamoto, Tổng giám đốc Renesas Việt Nam, đánh giá các kỹ sư bán dẫn Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án đủ để đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất.

Các kỹ sư bán dẫn Việt ham học hỏi và học rất nhanh, cũng như có một thái độ làm việc rất tích cực, thực sự có trách nhiệm và hết mình với công việc, điều này dẫn đến hiệu quả công việc rất tốt.

Kỹ sư Nguyễn Phúc Vinh, Ủy viên Ban chấp hành HSIA: Kỹ sư Việt sinh ra để làm vi mạch

Các kỹ sư Việt Nam thế hệ sau này khi tham gia vào lĩnh vực vi mạch sẽ dễ dàng hơn so với thế hệ đầu tiên những năm 2000. Vì con đường đi đã mở sẵn: kiến thức chuyên môn, kỹ năng thiết kế và công nghệ hiện tại dễ tiếp thu hơn khi có các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt.

Trung bình các kỹ sư mới ra trường cần được thực hành và làm việc theo quy trình thiết kế và sản xuất công nghiệp khoảng 6 tháng đến 1 năm. Xu hướng hiện tại là rút ngắn dần việc đào tạo lại tại doanh nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, ngành vi mạch bán dẫn mang tính công nghệ cao tiêu biểu, hàm lượng kiến thức rất rộng, chuyên sâu và cải tiến liên tục. Do đó, để thành công trong lĩnh vực này, các kỹ sư bán dẫn Việt phải có khả năng tự học, tự đúc kết kinh nghiệm và kỷ luật ở mức cao.

ông nguyễn phúc vinh, kỹ sư bán dẫn thế hệ đầu tại Việt Nam
kỹ sư bán dẫn

TP.HCM đang đứng trước cơ hội rất lớn tăng tốc phát triển ngành vi mạch khi các tập đoàn hàng đầu đang mở nhà máy tại đây. TP.HCM đã thành lập HSIA, tăng cường liên kết, hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ liên quan đến công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn thông qua trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (IETC).

Sự có mặt của các “ông lớn” vi mạch hàng đầu như Marvell, Synopsys, Renesas, Intel, NVIDIA… đang giúp nhân lực của TP phát triển ở một tầm cao hơn. Ngoài ra, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn trong ngành bán dẫn, cho phép thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Dòng nhân lực có chuyên môn cao sẽ giúp ngành này phát triển và mở rộng nhanh chóng cũng như truyền đạt các kinh nghiệm cho nhân lực trong nước.

Do đó, TP cần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài và các cơ sở giáo dục trong nước để đẩy mạnh các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, TP.HCM cần có cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước. Đồng thời có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon nhằm nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước.

TP.HCM có lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn và ngày càng có tay nghề cao, hấp dẫn các công ty vi mạch cần nguồn nhân tài cho hoạt động của mình. Cuối cùng sự hiện diện đông đảo của các tập đoàn này có thể kích thích hơn nữa sự phát triển chuyên môn và kỹ năng kỹ thuật của thành phố.

ky-su-ban-dan-TPHCM-2.jpg

Tập đoàn công nghệ Mỹ hợp tác đào tạo 1.800 kỹ sư thiết kế chip

Mới đây trong tháng 3-2024, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) và Tập đoàn công nghệ Synopsys (Mỹ) đã ký kết biên bản hợp tác nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch tại ĐHQG TP.HCM, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Việc hợp tác với Synopsys được kỳ vọng sẽ giúp ĐHQG TP.HCM đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam và HSIA, 53% kỹ sư đang làm việc cho các doanh nghiệp thiết kế vi mạch được đào tạo từ các trường đại học thành viên của ĐHQG TP.HCM. ĐHQG TP.HCM đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.

Số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch tốt nghiệp tại các trường đại học
Số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch tốt nghiệp tại các trường đại học

Đọc thêm