Giải ‘cơn khát’ thiếu hụt nhân lực vi mạch

LOẠT BÀI: PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC VI MẠCH BÁN DẪN CHO TP.HCM - BÀI 2:

Giải ‘cơn khát’ thiếu hụt nhân lực vi mạch

(PLO)- Thiếu hụt nhân lực vi mạch là thách thức đầu tiên mà TP.HCM đối mặt nếu muốn trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để giải toả “cơn khát” nhân lực vi mạch, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần dựa trên cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để có chính sách hợp tác với các công ty đào tạo phát triển nhân lực hiệu quả. Đồng thời TP có những chính sách ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư đào tạo nhân lực vi mạch, thu hút người tài.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm1.png

Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp về Cloud Optics của Tập đoàn Marvell toàn cầu cho biết, một trong những thách thức hàng đầu của ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu là sự thiếu hụt về năng lực nghiên cứu và kỹ thuật. Đây chính là cơ hội lớn cho các kỹ sư công nghệ Việt Nam.

Ông cũng thẳng thẳn chỉ ra, việc mở rộng trung tâm thiết kế của Marvell Việt Nam tại TP.HCM phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực vi mạch trong thời gian tới.

“Một trong những điều cấp bách nhất là đào tạo các sinh viên giỏi, vì trung tâm thiết kế cần rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn, Đại học Bách Khoa TP.HCM tuyển sinh gần 1.000 sinh viên/năm cho nhiều ngành kỹ thuật, nhưng chỉ có tối đa 100 sinh viên là theo đuổi chuyên ngành liên quan tới vi mạch. Số lượng này là rất nhỏ, chưa kể trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp chuyên về mảng này cũng đang rất quyết liệt tuyển dụng” – Tiến sĩ Lợi Nguyễn nói.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm6.png

Khi TP.HCM tìm cách mở rộng ngành vi mạch, tất cả chuyên gia đều đồng tình rằng việc nâng chất cho nguồn nhân lực là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Trong ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu, các quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, tay nghề cao thường chiếm ưu thế.

Vì vậy, TP phải có những bước đi cụ thể để đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với nguyện vọng phát triển ngành vi mạch của TP. Lực lượng lao động được đào tạo bài bản, sáng tạo thường là yếu tố quyết định trong ngành có tính cạnh tranh cao này.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm5.png
ts-hue.png

Điều này càng cấp thiết hơn, khi Việt Nam đã vươn lên là trung tâm xuất khẩu vi mạch hàng đầu thế giới. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức), trong một thập niên qua, ngành vi mạch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,1% cho giai đoạn 2016-2021.

Dự báo mức tăng trưởng này sẽ đạt 7,5% cho giai đoạn 2022-2027, với tổng giá trị là 26,2 tỉ USD. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu vi mạch lớn thứ ba châu Á sang Hoa Kỳ, chỉ đứng sau sau Malaysia và Đài Loan.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam cho biết, sự phát triển vi mạch của TP còn nhiều thách thức. TP.HCM chưa có hệ sinh thái toàn diện cho vi mạch bán dẫn bao gồm các nhà cung cấp nội địa, các công ty thiết kế sản phẩm, các cơ sở đóng gói, kiểm định, phân tích sai lỗi trong quá trình phát triển.

TP.HCM thiếu nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn và đang ở công đoạn gia công thiết kế và sản xuất. TP chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao làm quá trình phát triển và mở rộng ngành vi mạch sẽ diễn ra chậm và khó khăn hơn.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm2.png

Thực tế, các trường đại học tại TP.HCM đủ năng lực đào tạo kỹ sư vi mạch không nhiều, do thiếu giảng viên có kinh nghiệm, phòng thí nghiệm, giáo trình… Do đó, mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tập trung vào các khoá đào tạo ngắn hạn, ngày càng phổ biến. Đây được xem là bước đi quan trọng cho việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch có đủ số lượng và chất lượng.

Theo Tiến sĩ Lợi Nguyễn, thực sự việc tuyển dụng là công việc đầy thách thức vì nguồn nhân lực vi mạch ở TP là không nhiều. Tuy nhiên, Marvell cũng đang hợp tác với các trường đại học ở TP để đưa các môn học liên quan đến vi mạch vào chương trình giảng dạy. Công ty cũng đề xuất các chương trình hợp tác đào tạo với các trường để mở rộng nguồn nhân lực vi mạch cho các dự định tương lai.

“Trong vòng 2-3 năm nữa, việc Marvell có thể mở rộng quy mô lên 500 hay 1.000 kỹ sư phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và số lượng nguồn nhân sự có sẵn tại TP. Đó là lý do chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với các trường đại học và mở ra chương trình học bổng dành cho các sinh viên tài năng để thúc đẩy nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao” – Tiến sĩ Lợi Nguyễn cho biết.

ts-Loi-Nguyen.png

Vừa qua, Tập đoàn Synopsys (Mỹ) đã bắt tay hợp tác với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực vi mạch chất lượng cao. PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, Synopsys chia sẻ giáo trình đào tạo và cấp phép sử dụng các phần mềm thiết kế vi mạch cho sinh viên TP.HCM cũng như xây dựng các phòng thí nghiệm thực hành chung.

Điều này giúp giải quyết các thách thức về chương trình đào tạo và công cụ thực hành về vi mạch. Đồng thời giúp nhân lực vi mạch đáp ứng được công việc trong chuỗi vi mạch từ thiết kế, sản xuất cho đến đóng gói, kiểm định chip. Ngoài ra, sự hợp tác này giúp tăng quy mô, chất lượng đào tạo và có được sự va chạm thực tiễn trong công việc cho kỹ sư vi mạch.

“Việc các sinh viên được học và thực hành với các phần mềm thiết kế vi mạch của các tập đoàn hàng đầu như Synopsys, giúp các sinh viên khi ra trường có nền tảng kiến thức vững chắc và kĩ năng thực hành cao. Theo đó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng khắt khe của các tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực này” – ông Quân cho biết.

nhân lực vi mạch
TP.HCM cần có chính sách để hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch.

Hiện Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã được nhận chuyển giao phòng thí nghiệm hiện đại cũng như các bằng sáng chế xung quanh lĩnh vực vi mạch từ các doanh nghiệp vi mạch hàng đầu thế giới. Đây là những lợi thế rất lớn cho chương trình đạo tạo kỹ sư vi mạch tại SHTP.

Ngoài ra, nhiều trường đại học TP cũng đang làm rất tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch. Tất cả điều này sẽ đem đến lợi thế rất lớn cho TP.HCM trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong tương lai.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm3.png

Theo ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam, để giải tỏa “cơn khát” nhân lực vi mạch, TP cần tận dụng cơ hội từ cơ chế đặc thù Nghị quyết 98 dành riêng cho TP.HCM. Theo đó, TP cần có chính sách hợp tác với các công ty để đào tạo phát triển nhân lực, có chính sách ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư đào tạo nhân lực vi mạch, thu hút người tài.

TP.HCM cũng cần có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực vi mạch tiếp cận theo hướng chuyên sâu phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thu hút thêm nhiều tập đoàn lớn về vi mạch đến đầu tư nhằm tạo nhiều việc làm về thiết kế vi mạch, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn sâu cho các doanh nghiệp nội địa.

nhan-luc-vi-mach-ban-dan-tphcm.png
TP.HCM đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, hợp tác với các tập đoàn toàn cầu để đào tạo phát triển nhân lực vi mạch chất lượng cao.

Ông Huề cho rằng cần gắn kết nguồn nhân lực trẻ với nguồn nhân lực có kinh nghiệm ở các nước đi trước về vi mạch bán dẫn để có những bước phát triển đột phá. Từ đó giúp gia tăng nhân lực có kinh nghiệm, đáp ứng được các nhu cầu của nhiều doanh nghiệp khác nhau. Vì nếu không nhân lực sẽ phải đi dò dẫm, học hỏi rất lâu.

Theo các chuyên gia, TP.HCM cần thành lập các trung tâm đào tạo chuyên ngành liên kết với các trường đại học trong nước và quốc tế. Các trung tâm này có thể cung cấp chuyên môn thực hành với các thiết bị và kỹ thuật sản xuất vi mạch hiện đại, thu hẹp khoảng cách kiến thức lý thuyết và thực tiễn.

Song song với đó, cần có chính sách để hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch. Hợp tác với các trường đại học quốc tế về các chương trình vi mạch có thể cung cấp kiến thức chuyên môn rất cần thiết và tầm nhìn toàn cầu. Các chương trình trao đổi có thể tăng cường khả năng tiếp xúc của sinh viên trong nước với những thực tiễn quốc tế tốt nhất.

nhan-luc-vi-mach-cong-nghe-ban-dan-tphcm.png

Thu nhập kỹ sư chip từ 250 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng/năm

Theo khảo sát lương và phúc lợi của Cộng đồng vi mạch Việt Nam năm 2023, thì thu nhập của kỹ sư thiết kế vi mạch tuỳ theo năm kinh nghiệm và nơi làm việc như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hay nước ngoài...

Cụ thể với thu nhập mức cao của kỹ sư làm việc tại TP.HCM kinh nghiệm dưới 1 năm là hơn 252 triệu đồng/năm. Từ 1-3 năm làm việc kỹ sư sẽ có mức thu nhập khoảng 377 triệu đồng/năm. Kinh nghiệm 3-6 năm thì thu nhập tăng lên mức 588 triệu đồng/năm. Từ 6-10 năm mức thu nhập của kỹ sư thiết kế vi mạch sẽ là 863 triệu đồng/năm.

Từ 10-15 năm kinh nghiệm thì thu nhập hơn 1,1 tỉ đồng/năm. Từ 15 năm làm việc trở lên thì kỹ sư thiết kế vi mạch có thu nhập mức cao khoảng 1,5 tỉ đồng/năm, nếu làm ở nước ngoài từ mức thu nhập cao hơn 1,7 tỉ đồng/năm.

nhu-cau-nhan-luc-thiet-ke-vi-mach-tung-quy.PNG

Đọc thêm