TP.HCM hướng đến mục tiêu trung tâm vi mạch của thế giới

(PLO)- Với việc ra mắt trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), ngày 6-9, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết hai ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Việc phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam (VN) phải song hành và đi trước một bước để nắm bắt thị trường.

Các đại biểu tại buổi lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: M.HOÀNG

Các đại biểu tại buổi lễ ra mắt Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: M.HOÀNG

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (giữa) tham quan ESC. Ảnh: M.HOÀNG

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (giữa) tham quan ESC. Ảnh: M.HOÀNG

Phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước

Theo ông Thi, mục đích và trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của VN giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp (DN) trong nước mạnh. Việc thu hút đầu tư trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các DN trong nước.

“Để đi nhanh, bắt kịp các nước trong các ngành này, VN cần có cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch. Để thực hiện cách tiếp cận này, nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt và VN cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước. Đồng thời, VN cũng cần có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon” - ông Thi nhấn mạnh.

Thực tế, tại SHTP đã hình thành và phát triển Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC). Đây là hai trung tâm rất quan trọng, hợp thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh. Từ đó góp phần trực tiếp vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của VN là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch.

“Giờ đây SHTP đã quyết định hợp nhất SCDC và IETC thành Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) với mục tiêu đưa TP.HCM nói riêng và VN nói chung là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới” - ông Thi nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có được chỗ đứng trong lĩnh vực vi mạch vì các kỹ sư Việt Nam đủ năng lực thiết kế trong vòng 20 năm qua.

Hướng phát triển trọng tâm

Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết các DN Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD và góp phần nâng cao vai trò của VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao cũng như vun đắp tài năng và hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện rất rõ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Các DN Mỹ nhìn ra tiềm năng to lớn của VN và năng lực của VN trong việc thu hút FDI.

Vấn đề trên sẽ luôn đi tiên phong trong quá trình tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này tại VN với những sản phẩm được sử dụng làm thành phần cốt lõi trong nhiều loại sản phẩm, hàng hóa từ điện thoại, xe hơi đến những hạ tầng số là nền tảng của nền kinh tế hiện đại.

GS-TS Đặng Lương Mô, nhà khoa học vi mạch từng làm việc tại Nhật Bản, cho biết VN hoàn toàn có được chỗ đứng trong lĩnh vực vi mạch vì các kỹ sư VN đủ năng lực thiết kế trong vòng 20 năm qua. Đây cũng là lý do nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn VN làm nơi sản xuất vi mạch cho toàn cầu.

Theo GS-TS Mô, hiện SHTP đã được nhận chuyển giao phòng thí nghiệm hiện đại cũng như các bằng sáng chế xung quanh lĩnh vực vi mạch từ các DN vi mạch hàng đầu thế giới.

“Ngoài ra, nhiều trường đại học ở VN cũng đang làm rất tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch. Tất cả điều này sẽ đem đến lợi thế rất lớn cho VN trong phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong tương lai” - GS-TS Mô cho biết.

Tại lễ ra mắt ESC, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ đồng hành cùng TP.HCM trong mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Đồng thời luôn lắng nghe đội ngũ DN, doanh nhân, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học để có những chính sách kịp thời, hợp lý, nhằm tạo ra thế mạnh cho thiết kế, chế tạo vi mạch.

“Chính phủ sẽ nỗ lực đầu tư hạ tầng, những phòng thí nghiệm hiện đại nhất, nhân lực chất lượng cao để VN có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng của ngành vi mạch” - phó thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn nhân lực Việt Nam rất tiềm năng

Theo các chuyên gia, nhiều sinh viên VN đã và đang được học, thực hành với các phần mềm thiết kế chip bán dẫn của những tập đoàn hàng đầu như Mentor Graphics và Synopsys. Họ đã thực tập tốt nghiệp với các đối tác DN đầu ngành như Intel, Faraday, Renesas.

Các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ VN cần tiếp tục đầu tư và đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Samsung, Intel, Synopsys, Cadence. Đồng thời thành lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế liên quan lĩnh vực này tại VN. Song song đó, cần có chính sách để hỗ trợ các trường đại học trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn.

TS Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Công ty Marvel VN, thuộc Tập đoàn Marvell Technology (một DN hàng đầu của Mỹ về các giải pháp vi mạch bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu), cho biết các kỹ sư VN rất năng nổ trong việc học và học rất nhanh. Thái độ làm việc của họ rất tích cực, có trách nhiệm, hết mình với công việc. Họ cởi mở, có tinh thần hợp tác dẫn tới hiệu quả làm việc nhóm (teamwork) rất cao.

“Tuy nhiên, các kỹ sư VN vẫn có hai điểm cần phải cải thiện. Thứ nhất, mặc dù trong 10 năm qua, các kỹ sư VN đã có rất nhiều tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ nhưng nếu so với kỹ sư các nước khác như Ấn Độ thì vẫn phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách. Thứ hai, về kỹ năng quản lý dự án, không chỉ là chuyên môn mà còn phải có kỹ năng quản lý tiến độ, phân chia công việc một cách hiệu quả” - ông Đạm nhận định.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, ĐH RMIT VN, đánh giá nếu thành công trong công nghiệp vi mạch, VN sẽ đặt chân vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế… Bên cạnh đó, tính lan truyền, thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn có thể đem đến lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào thâm dụng lao động.•

TP.HCM đang hướng tới mục tiêu là trung tâm vi mạch của thế giới. Ảnh: M.HOÀNG

TP.HCM đang hướng tới mục tiêu là trung tâm vi mạch của thế giới.
Ảnh: M.HOÀNG

TP.HCM luôn chào đón các đối tác ngành công nghệ cao

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023 cho phép TP.HCM thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược.

Với chính sách này, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ, không chỉ phát triển giai đoạn 2 SHTP với định hướng công viên phát triển công nghệ mà còn phát triển thêm các khu, cơ sở vật chất khác có chức năng tương tự. Từ đó phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao nói chung, trong đó có vi mạch, bán dẫn.

Chúng tôi sẽ thí điểm các chính sách để làm sao hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển và hoạt động sản xuất. TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách thử nghiệm (sandbox) để có thể thúc đẩy hoạt động của TP nhưng cũng là cơ sở để tích lũy và nhân rộng ở quy mô rộng hơn trong thời gian tới.

TP.HCM sẽ phát triển trung tâm vi mạch bán dẫn, hay nói rộng hơn là trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ trong quốc gia mà còn trong tầm phát triển khu vực và quốc tế. Chúng tôi xin khẳng định TP.HCM luôn mong muốn chào đón hợp tác với các đối tác và đồng hành cũng như tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt là những ngành công nghệ cao.

Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm