Theo trang Business Insider, FBI đã có nhiều cuộc điều tra về các hoạt động gián điệp kinh tế tại 50 tiểu bang, tất cả đều có dấu vết của Trung Quốc. Đơn cử như hạt ngô ở Iowa, tuabin gió ở Massachusetts và rất nhiều thứ khác... Khi được hỏi về việc Trung Quốc có phải là đối thủ hay không, nếu có thì nó đến mức nào? Wray trả lời: “Tôi nghĩ Trung Quốc theo nhiều cách là mối đe dọa lớn nhất, khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là một quốc gia”.
Theo báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vào năm 2017 cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại, vi phạm bản quyền trực tuyến tràn lan và hàng giả, mức xuất khẩu hàng giả và hàng lậu tăng cao. Báo cáo còn chỉ rõ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc đã khiến Mỹ thiệt hại khoảng 600 tỉ USD mỗi năm.
Mới đây, công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc họ khuyến khích nhân viên “ăn cắp bí mật thương mại” của các đối thủ khác. Theo tờ Global Times, Huawei cho rằng những cáo buộc trên là vô căn cứ và đó hoàn toàn chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, Jesse Hong, cựu kiến trúc sư phần mềm của Công ty FutureWei Technologies ở Santa Clara (Mỹ) - một công ty con của Huawei cho rằng năm 2016, Huawei đã chỉ đạo hai nhân viên của FutureWei lẻn vào một hội nghị thượng đỉnh để bí mật thu thập thông tin.
Đại diện của Huawei cho biết lời cáo buộc từ nhân viên cũ không có căn cứ và sẽ chủ động đâm đơn kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của công ty. Ở các quốc gia và khu vực mà Huawei hoạt động kinh doanh, các nhân viên đều phải tuân thủ luật pháp, quy định và đạo đức kinh doanh, được liệt kê rõ ràng trong phần hành vi kinh doanh của nhân viên. Bên cạnh đó, Huawei cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc luôn tuân thủ pháp luật dựa trên các nền tảng pháp lý.
Trung Quốc đang cố gắng thay thế vai trò của Mỹ trong tương lai, vì vậy họ tập trung dài hạn vào mọi ngành nghề theo nhiều cách, liên quan đến học thuật, nghiên cứu và phát triển từ nông nghiệp đến công nghệ cao. Đây là cách tiếp cận rộng khắp và là mối đe dọa lâu dài cho đất nước, Wray nói. Xem thêm bài viết Huawei bị tố ăn cắp dữ liệu tại nhiều quốc gia tại địa chỉ http://bit.ly/huawei-spy.
Đầu năm nay, John Garnaut, người dẫn đầu một cuộc điều tra bí mật của chính phủ về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại Úc cho biết: “Không giống như Nga, Trung Quốc sử dụng chiến lược lâu dài, kiên nhẫn và đặt nền tảng của họ vào các tổ chức nước ngoài theo nhiều cách”.
Báo cáo của Garnaut cho thấy Trung Quốc đã cố gắng ảnh hưởng đến chính trị ở mọi cấp độ tại Úc. Từ đó, chính phủ Úc đã đưa ra các luật mới để tránh bị can thiệp từ nước ngoài, chủ yếu nhắm vào Bắc Kinh và vấn đề này thường được thảo luận trong tại cuộc họp công.
Việc các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE… bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu người dùng, tài sản trí tuệ, tài liệu mật của các công ty nước ngoài vốn chẳng phải là mới. Để có thể trở thành cường quốc, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng nhiều chiêu trò để tiếp cận và xâm nhập các công ty nước ngoài.
Việc ZTE vừa được Mỹ gỡ bỏ cấm vận không đồng nghĩa với việc thoát “án tử” hoàn toàn. Trước đó, công ty này đã bị phát hiện vi phạm hợp đồng khi bán thiết bị cho Iran và Triều Tiên. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi lệnh cấm vận chính thức có hiệu lực, ZTE đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đến mức phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Tổng thống Donald Trump, lệnh cấm đã được gỡ bỏ nhưng Bộ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi hành động của ZTE để đảm bảo công ty tuân thủ tuyệt đối luật pháp Mỹ.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.