Theo tờ Global Times, Huawei cho rằng những cáo buộc trên là vô căn cứ và đó hoàn toàn chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, Jesse Hong, cựu kiến trúc sư phần mềm của Công ty FutureWei Technologies ở Santa Clara (Mỹ) - một công ty con của Huawei cho rằng năm 2016, Huawei đã chỉ đạo hai nhân viên của FutureWei lẻn vào một hội nghị thượng đỉnh để bí mật thu thập thông tin.
Đại diện của Huawei cho biết lời cáo buộc từ nhân viên cũ không có căn cứ và sẽ chủ động đâm đơn kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của công ty. Ở các quốc gia và khu vực mà Huawei hoạt động kinh doanh, các nhân viên đều phải tuân thủ luật pháp, quy định và đạo đức kinh doanh, được liệt kê rõ ràng trong phần hành vi kinh doanh của nhân viên. Bên cạnh đó, Huawei cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc luôn tuân thủ pháp luật dựa trên các nền tảng pháp lý.
Hồi năm 2003, Cisco đã kiện Huawei ra tòa vì phát hiện thấy mã nguồn riêng của mình bên trong phần mềm của Huawei. Công ty Trung Quốc cuối cùng cũng thừa nhận sử dụng một phần nhỏ mã nguồn được sao chép từ Cisco nhưng cho rằng việc này chỉ là vô tình.
Huawei được điều hành bởi ba vị CEO, tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là Ren. Ông chỉ sở hữu 1% cổ phần nhưng lại có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng. Nhiều cáo buộc cho rằng chủ tịch Huawei, Sun Yafang làm việc cho Bộ An ninh của chính phủ Trung Quốc. Huawei phủ nhận những cáo buộc này, đồng thời thông báo rằng Sun đã từ chức chủ tịch và Ren sẽ trở thành CEO. Trước đó, công ty cũng đã bị cáo buộc nhiều lần về việc gián điệp.
Viên Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) vừa ghi nhận Huawei có liên quan đến hành vi bí mật gửi dữ liệu từ trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia đến Thượng Hải (Trung Quốc) suốt năm năm qua.
Trước đó, Huawei đã cung cấp một số thiết bị gồm máy tính, hệ thống lưu trữ, WiFi và các dịch vụ khác cho trụ sở Liên minh châu Phi. Khi phát hiện vụ việc, Liên minh châu Phi đã thay thế một số cơ sở hạ tầng công nghệ. Huawei cho biết báo cáo của ASPI đang cố tình bôi nhọ công ty bởi nó vốn không phải là sự thật. Việc liên tục bị cáo buộc đánh cắp dữ liệu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tham gia vào mạng lưới phát triển 5G của Huawei tại Úc trong thời gian tới.
Mới đây, công ty tuabin gió lớn nhất của Trung Quốc là Sinocel đã bị tòa án Mỹ tuyên phạt 59 triệu USD (khoảng gần 1.400 tỉ đồng) vì ăn cắp bí mật thương mại của một công ty công nghệ có trụ sở tại Massachusetts.
Theo đó, công ty này đã thuê một nhân viên của Tập đoàn Superconductor (Mỹ) để ăn cắp mã nguồn cho phần mềm hỗ trợ tuabin gió của Sinovel. Trước đó, Sinovel là khách hàng lớn nhất của Superconductor, tuy nhiên sau đó đột nhiên công ty này từ chối các lô hàng linh kiện điện tử của Superconductor.
Sau quá trình tìm hiểu, Superconductor phát hiện Sinovel đang sử dụng một phần phần mềm của mình trong các tuabia gió mà họ cài đặt. Vụ trộm cắp bí mật thương mại đã khiến Tập đoàn Superconductor rơi vào tình trạng nguy hiểm và có nguy cơ phá sản.
Trước đó, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc ba tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập vào các công ty Mỹ nhằm đánh cắp bí mật thương mại, gián điệp và thực hiện nhiều hành vi mờ ám khác. Những nạn nhân của nhóm tin tặc Trung Quốc gồm có Moody Analytics, Siemens và Trimble.
Năm 2011, cả ba đã đột nhập vào máy chủ email nội bộ của Moody và chuyển tiếp tất cả nội dung về máy chủ Trung Quốc. Không lâu sau, đến lượt Siemens bị đánh cắp 407 GB dữ liệu, chủ yếu là các công nghệ độc quyền của hãng cũng như các tài liệu về năng lượng, công nghệ và giao tiếp doanh nghiệp.
Đồng cảnh ngộ, Trimble cũng bị đánh cắp hàng trăm tập tin liên quan đến việc phát triển vệ tinh nhân tạo. Tất nhiên, danh sách các công ty nước ngoài bị tin tặc Trung Quốc ghé thăm không phải chỉ dừng lại ở đây. Nếu bị kết tội, cả ba tin tặc Trung Quốc có thể đối mặt với mức án 42 năm tù giam.
Các nhà chức trách Mỹ phạt rất nặng những vụ trộm cắp tài sản trí tuệ và đây cũng là một phần lý do trong việc đánh thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.