1. Tắt các ứng dụng chạy nền để tiết kiệm pin
Lời khuyên này thoạt đầu nghe có vẻ chính xác vì càng có nhiều ứng dụng chạy nền, tài nguyên sẽ bị chiếm dụng nhiều hơn và điện thoại sẽ chạy chậm đi.
Tuy nhiên, cả hai hệ điều hành iOS và Android đều giới hạn mức độ mà các ứng dụng có thể thực hiện khi chạy ở chế độ nền. Do đó, không có chuyện điện thoại sẽ bị hao pin hoặc chạy chậm lại khi có quá nhiều ứng dụng chạy nền.
2. Sử dụng điện thoại hết pin hoàn toàn rồi mới cắm sạc
Lời khuyên này chỉ đúng đối với những dòng điện thoại đời cũ, sử dụng pin NiCD và NiMH.
Trong khi đó, đa số các mẫu smartphone đời mới đều sử dụng pin Li-Ion hoặc Li-po, do đó chúng ta có thể sạc bất cứ lúc nào thấy thuận tiện.
Sạc bất cứ khi nào bạn cảm thấy thuận tiện. Ảnh: TIỂU MINH |
3. Bluetooth và WiFi Direct khiến điện thoại tốn pin hơn
Bluetooth và WiFi Direct cho phép bạn truyền các tệp dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác, tuy nhiên, nhiều người cho rằng 2 công nghệ này sẽ khiến điện thoại tốn pin hơn.
Điều này hoàn toàn sai lầm, ở thời điểm hiện tại, công nghệ Bluetooth và WiFi Direct tiêu hao rất ít năng lượng khi không sử dụng.
4. Thông số kỹ thuật cao hơn sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn
Mỗi năm có hàng trăm thiết bị Android được giới thiệu với thông số kỹ thuật ấn tượng. Tuy nhiên, cấu hình cao không đồng nghĩa với việc điện thoại sẽ có hiệu suất tốt hơn.
Huawei, Xiaomi, OnePlus, Samsung... và rất nhiều hãng sản xuất khác liên tục ra mắt các mẫu điện thoại có nhiều camera. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tăng số lượng camera sẽ không đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt hơn, và các nhà sản xuất chắc chắn biết điều này.
Tuy nhiên, họ vẫn chọn cách tiếp cận này vì đây là một mẹo tiếp thị rẻ tiền để sử dụng trong các tài liệu quảng cáo. Dù chỉ là những dòng điện thoại giá rẻ nhưng Xiaomi Redmi Note, Realme hay Samsung Galaxy A Series vẫn được trang bị hàng loạt camera phụ.
Thông số kỹ thuật dành chỉ dành cho các nhà sản xuất thu hút người tiêu dùng: đừng để bị lừa.
5. Chỉ nên sử dụng bộ sạc đi kèm với điện thoại
Ở một khía cạnh nào đó, lời khuyên này cũng đúng đối với các dòng điện thoại sử dụng công nghệ sạc riêng như OPPO, OnePlus, Samsung…
Thông thường, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các bộ sạc của bên thứ ba (có thương hiệu) nếu chúng hỗ trợ đúng công nghệ sạc của điện thoại, đơn cử như Power Delivery (PD), Quick Charge (QC)…
Sử dụng các bộ sạc của bên thứ ba hoàn toàn bình thường . Ảnh: TIỂU MINH |
6. Sạc qua đêm sẽ khiến điện thoại chai pin
Pin trên các dòng điện thoại thông minh sẽ có cycle (số chu kỳ) khác nhau, thông thường sẽ khoảng 500-1.000 chu kỳ, do đó bạn không cần phải lo lắng quá nhiều về việc sạc pin như thế nào cho hợp lý. Điện thoại sẽ tự động ngắt sạc khi pin đạt 100% dung lượng.
Người dùng có thể kéo dài tuổi thọ pin bằng cách chỉ sạc đến 80% và không để pin cạn kiệt hoàn toàn (mới bắt đầu sạc lại), hãy sạc bất cứ khi nào rảnh rỗi và thuận tiện.
Việc sạc điện thoại qua đêm không có gì nguy hiểm hoặc đáng lo, nhưng nếu bạn đặt điện thoại dưới gối trong lúc sạc (hoặc ngủ), điện thoại có thể bị quá nhiệt, gây ra cháy nổ.
Đa số các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều đã hỗ trợ sạc nhanh 18 W trở lên, do đó, thời gian sạc pin cũng sẽ giảm xuống đáng kể.
7. Các ứng dụng trên Google Play và App Store hoàn toàn an toàn
Lời khuyên này không hoàn toàn chính xác nhưng chúng vẫn đúng ở một số khía cạnh.
Đã có không ít trường hợp các nhà nghiên cứu bảo mật phát hiện ứng dụng trên Google Play, App Store chứa phần mềm độc hại. Tuy nhiên, so với việc cài đặt ứng dụng bằng file APK bên ngoài thì các phần mềm trên Google Play và App Store vẫn an toàn hơn khi mọi thứ đều phải qua khâu kiểm duyệt.
Google Play không an toàn 100% nhưng vẫn tốt hơn việc cài đặt ứng dụng bên ngoài. Ảnh: TIỂU MINH |
8. Tắt điện thoại, tháo SIM, bật chế độ máy bay sẽ giúp bạn không bị theo dõi
Khi bạn bật chế độ máy bay hay tháo SIM, điện thoại vẫn có thể được phát hiện bởi các thiết bị Stingray hoặc tháp di động giả, tất cả các thiết bị này đều được sử dụng bởi các cơ quan chính phủ, quân đội và cơ quan thực thi pháp luật.
9. Cài đặt độ sáng tự động giúp tiết kiệm pin
Việc này có thể giúp bạn tiết kiệm pin đôi chút, nhưng ngược lại, cảm biến ánh sáng sẽ cần sử dụng nhiều năng lượng hơn để xử lý dữ liệu mà nó thu thập, và quyết định độ sáng màn hình phù hợp.
10. Bản chất nguồn mở của Android làm cho nó dễ bị tấn công
Những hệ thống nguồn mở chưa chắc sẽ bảo mật kém hơn so với các hệ thống mã nguồn đóng và ngược lại. Ví dụ như Windows (mã nguồn đóng) vẫn bị phần mềm độc hại tấn công liên tục.
Chuyện Android dễ bị tấn công hơn iOS đến từ việc Google cho phép người dùng cài đặt ứng dụng bên ngoài (sideload), không thông qua cửa hàng ứng dụng. Trong khi đó, việc cài đặt ứng dụng bên ngoài trên iOS khá phức tạp.
Nhìn chung, những quan niệm sai lầm này là vô căn cứ. Bạn sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào nếu tin tưởng và làm theo.