235 triệu hồ sơ bị rò rỉ trên mạng
Sau khi nghiên cứu, Comparitech phát hiện ra rằng cơ sở dữ liệu bị rò rỉ thuộc về một công ty không còn tồn tại có tên là Deep Social. Công ty này đã bị cấm trên Facebook và Instagram vào năm 2018 vì thu thập dữ liệu từ hồ sơ người dùng.
Theo thống kê, có khoảng 42 triệu hồ sơ TikTok, 3,9 triệu hồ sơ YouTube và khoảng 190 triệu hồ sơ Instagram bị rò rỉ. Mỗi hồ sơ đều chứa tên thật của người dùng, ảnh đại diện, mô tả tài khoản, dữ liệu tương tác, lượt thích, tuổi, giới tính, số điện thoại, địa chỉ email…
Rất may, không có mật khẩu nào bị rò rỉ. Sau khi phát hiện được công bố, toàn bộ cơ sở dữ liệu bị rò rỉ đã biến mất (có thể do chủ sở hữu đã xóa bỏ).
Chúng ta cần làm gì để bảo vệ tài khoản?
Với khối lượng dữ liệu bị rò rỉ, người dùng hoàn toàn có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công lừa đảo hoặc ransomware (mã độc tống tiền).
Đôi khi, tin tặc sẽ sử dụng các thông tin mà họ thu thập được từ các vụ vi phạm dữ liệu và gửi cho bạn với nội dung họ có thể truy cập vào tài khoản của bạn, sau đó yêu cầu người dùng trả tiền để chuộc lại dữ liệu.
Nếu đang sử dụng TikTok, YouTube hoặc Instagram, bạn hãy truy cập vào trang web HaveIBeenPwned, nhập địa chỉ email vào khung trống để kiểm tra xem tài khoản của bạn có bị rò rỉ hay không.
Kiểm tra xem tài khoản của bạn có bị rò rỉ hay không. Ảnh: TIỂU MINH
Nếu tài khoản bị rò rỉ, người dùng nên thay đổi mật khẩu ngay lập tức. Ngoài ra, bạn cũng nên kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp để đảm bảo an toàn cho tài khoản.