1. Mật khẩu bị thay đổi
Nếu bỗng nhiên mật khẩu bị thay đổi (không phải do bạn thực hiện), nhiều khả năng tài khoản Google của bạn đã bị tấn công. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tin tặc vẫn để nguyên mật khẩu để có thể âm thầm theo dõi mà bạn không hề hay biết.
2. Bạn nhận được cảnh báo bảo mật từ Google
Nếu tài khoản bị tấn công hoặc có ai đó cố gắng xâm nhập, Google sẽ gửi cho bạn một cảnh báo bảo mật thông qua email hoặc tin nhắn.
Việc bạn cần làm lúc này là bấm vào tùy chọn Control Activity (kiểm soát hoạt động) trong thông báo để đăng xuất tài khoản trên các thiết bị lạ, và đổi mật khẩu ngay lập tức.
Google sẽ gửi cảnh báo nếu phát hiện ai đó cố gắng xâm nhập tài khoản. Ảnh: MINH HOÀNG |
3. Ai đó đã đăng nhập vào tài khoản của bạn
Khi có ai đó đăng nhập vào tài khoản của bạn, một bản ghi bao gồm tên thiết bị và địa chỉ IP của họ sẽ được ghi lại. Bạn có thể xem lại các lần đăng nhập thành công bằng cách mở Gmail, nhìn bên góc phải có dòng Hoạt động gần đây nhất và bấm vào nút Chi tiết.
Kiểm tra các hoạt động đăng nhập gần đây. Ảnh: MINH HOÀNG |
4. Cài đặt bảo mật bị thay đổi
Nếu ai đó hack tài khoản của bạn, họ sẽ cố gắng thay đổi các cài đặt bảo mật. Cụ thể, họ có thể thay đổi email khôi phục tài khoản, mật khẩu, số điện thoại và thậm chí là cả câu hỏi bảo mật nhằm ngăn chặn bạn lấy lại quyền truy cập.
Google sẽ hiển thị cảnh báo khi có bất kì thay đổi nào liên quan đến các cài đặt bảo mật, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là tin tặc có thể xóa các cảnh báo này trước khi bạn đọc được nó.
5. Hộp thư đến có chứa các email thông báo về việc thay đổi mật khẩu
Nếu ai đó hack Gmail của bạn, họ sẽ cố gắng xâm nhập thêm vào các tài khoản được liên kết với Gmail, đơn cử như Facebook, Zalo, tài khoản ngân hàng, ví điện tử…
Do đó, nếu thấy xuất hiện các thông báo đổi mật khẩu thành công trong hộp thư đến (không phải do bạn thực hiện), nhiều khả năng tài khoản Gmail của bạn đã bị xâm nhập.
Việc bạn cần làm lúc này là đổi mật khẩu Gmail, kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp và thay đổi thông tin khôi phục tài khoản ngay lập tức. Sau đó xử lý tiếp các tài khoản có liên kết để hạn chế tối đa việc bị rò rỉ dữ liệu quan trọng.
6. Xuất hiện các khoản phí lạ
Nếu tài khoản ngân hàng xuất hiện các khoản phí lạ, nhiều khả năng email của bạn đã bị tấn công. Do đó, người dùng cần phải bảo mật tài khoản Google đúng cách, không đăng nhập tài khoản trên các trang web lạ và không cung cấp thông tin cho bất kì ai.
7. Bị đòi nợ không hiểu lí do
Tin tặc thường sử dụng các tài khoản email bị đánh cắp để mạo danh nạn nhân. Sau đó liên hệ với bạn bè trong danh sách và hỏi vay tiền, đồng thời cố gắng đánh cắp thông tin đăng nhập để phục vụ tiếp cho mục đích lừa đảo.
Nên làm gì khi tài khoản Google bị tấn công?
Nếu bạn vẫn còn đăng nhập được vào tài khoản, hãy ngay lập tức thay đổi mật khẩu và kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp bằng cách bấm vào liên kết này, sau đó đăng nhập bằng tài khoản Google tương ứng.
Đổi mật khẩu và kích hoạt tính năng xác minh 2 bước. Ảnh: MINH HOÀNG |
Cũng trong phần Security (bảo mật), người dùng nên đăng xuất tài khoản trên các thiết bị lạ, đồng thời kiểm tra lại số điện thoại, email khôi phục và câu hỏi bảo mật để đảm bảo bạn là người kiểm soát tài khoản, không cho phép tin tặc xâm nhập trở lại.
Kiểm soát các thiết bị đang đăng nhập và thông tin khôi phục tài khoản. Ảnh: MINH HOÀNG |