Bài 1

Hiểm họa từ các trào lưu trên TikTok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- TikTok là nền tảng video ngắn, cho phép người dùng thỏa sức sáng tạo nội dung, tuy nhiên đây cũng là nơi xuất hiện không ít trào lưu độc hại.

Vì sao TikTok thu hút giới trẻ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người trên thế giới đều dành phần lớn thời gian cho các ứng dụng truyền thông xã hội.

Theo thống kê của App Figures, TikTok hiện đang đứng đầu danh sách các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store (bao gồm iPhone, iPad và các sản phẩm khác của Apple). Trong khi đó trên Google Play, ứng dụng này đạt hơn 30 triệu lượt tải xuống, đứng thứ 3 trong danh sách, chỉ sau Instagram và Facebook.

TikTok được tải xuống nhiều nhất trên App Store. Ảnh: App Figures

TikTok được tải xuống nhiều nhất trên App Store. Ảnh: App Figures

Tính tới đầu năm 2023, TikTok đã có khoảng 49,86 triệu người dùng (từ 18 tuổi trở lên) tại Việt Nam, gần xấp xỉ con số 52,65 triệu người dùng Facebook Messenger.

TikTok hỗ trợ nhiều công cụ sáng tạo, cho phép người dùng thoải mái chia sẻ kiến thức, sở thích, âm nhạc… đi kèm theo đó là thuật toán gợi ý thông minh, khả năng lan tỏa vượt trội đã khiến nền tảng này trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bất kỳ ai.

Thời gian đầu, TikTok chỉ mang thuần các nội dung giải trí như ca hát, nhảy múa… Tuy nhiên nền tảng này ngày càng xuất hiện nhiều nội dung độc hại, vi phạm pháp luật và thậm chí là gây nguy hiểm cho tính mạng.

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic cho biết: “TikTok thu hút được nhiều người dùng do sự dễ dãi trong việc xét duyệt nội dung, livestream… không có nhiều quy định ràng buộc như các nền tảng khác”.

Nội dung độc hại nhan nhản trên TikTok

Đằng sau sự vui nhộn mà TikTok mang lại, nền tảng này cũng chứa đựng nhiều thông tin, trào lưu nguy hiểm liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như tự tử, tình dục, bạo hành động vật, phá hoại vật dụng trong nhà trường, cổ xúy mê tín dị đoan... hoặc những lời khuyên sai lầm về sức khỏe.

Có thể thấy đối tượng sử dụng TikTok nhiều nhất đa phần là giới trẻ, thanh thiếu niên… những người đang trong độ tuổi phát triển, dễ bị thu hút bởi các nội dung độc lạ, phản cảm.

Đơn cử như trường hợp 4 học sinh cấp 2 ở Vĩnh Phúc, học theo các trào lưu trên TikTok và ném đá vào các phương tiện đang di chuyển trên đường cao tốc. Hay một bé trai 10 tuổi ở TP.HCM bị quẹo cổ vì bắt chước trò nhào lộn trên TikTok.

Nội dung độc hại xuất hiện nhan nhản trên TikTok. Ảnh: MINH HOÀNG

Nội dung độc hại xuất hiện nhan nhản trên TikTok. Ảnh: MINH HOÀNG

Nguy hiểm hơn là thử thách “Blackout”, buộc người tham gia phải thực hiện một số hành động gây ngạt thở để cơ thể rơi vào trạng thái bất tỉnh. Theo The Verge, một số bậc cha mẹ tại Mỹ đã đâm đơn kiện TikTok, cáo buộc thử thách này khiến con họ bị thiệt mạng.

Ngoài ra còn có thử thách “Angel Of Death”, lao ra trước đầu các phương tiện đang chạy, nếu xe dừng lại trước khi tông trúng thì bạn đã thành công. Theo một số phương tiện truyền thông tại Indonesia, đã có ít nhất 2 người trẻ thiệt mạng và nhiều người bị thương vì trào lưu nguy hiểm này.

Đây không phải là lần đầu tiên TikTok xuất hiện các trào lưu nguy hiểm, đơn cử như bịt mắt lái xe, Devious licks (phá hoại các vật dụng trong trường), Tide Pod (thách thức nhau ăn viên bột giặt và đăng phản ứng trên Facebook, YouTube, Instagram)…

Vào năm 2019, TikTok đã đồng ý trả 5,7 triệu USD để giải quyết các khoản phí từ Ủy ban Thương mại Liên bang về việc cho phép người dùng dưới 13 tuổi đăng ký tài khoản mà không cần sự cho phép của cha mẹ.

TikTok nói gì về việc bị thanh tra toàn diện?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh nền tảng không đứng ngoài cuộc hay dung túng cho video độc hại.

Công ty cho biết họ đã thiết lập bộ tiêu chuẩn cộng đồng nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo những nội dung phù hợp với nền tảng. Việc gỡ bỏ những nội dung vi phạm sẽ được đánh giá kỹ lưỡng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách, công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt của nền tảng, cũng như việc xem xét báo cáo từ cộng đồng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam. Ảnh: MINH HOÀNG

“Chúng tôi có đội ngũ kiểm duyệt là người Việt Nam lên đến con số vài trăm người, làm việc 24/7 để liên tục kiểm duyệt nội dung, và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển đội ngũ kiểm duyệt này. Có thời điểm chúng tôi đã gỡ hơn 4 triệu clip, 99% trong số đó được gỡ sớm đến mức thậm chí còn chưa có lượt xem (0 view)”- đơn vị này nhấn mạnh.

Đơn vị này dẫn chứng sự nỗ lực qua con số: “Trong quý IV năm 2022, có hơn 1,7 triệu video đã bị xóa, trong đó tỉ lệ xóa chủ động chiếm 94,9%”. Đây là số liệu trong báo cáo thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng được công bố vào ngày 31-3-2023 tại Việt Nam.

Tại cuộc họp báo vào ngày 5-5 vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết sẽ bắt đầu thanh tra toàn diện TikTok Việt Nam từ ngày 15-5.

Trở về trang chủ

Đọc thêm