Nắm bắt được cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistic, vừa qua trường trường Cao đẳng FPT Polytechnic HCM tổ chức tọa đàm "Xu hướng phát triển ngành Logistics", đồng thời ra mắt chuyên ngành Logistics và tổ chức ký kết hợp tác chiến lược cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Cơ hội việc làm lớn nhưng thiếu nhân sự
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đích Nguyễn, Giám đốc điều hành Học viên Kompas, cơ hội việc làm trong ngành logistics là vô cùng lớn. Theo báo cáo Logistics 2021 của Bộ Công thương, từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân lực chuyên ngành Logistics được đào tạo bài bản, chuyên sâu, đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Nhật, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Koina Logistics cũng thừa nhận, sau hai năm dịch bệnh chuỗi cung ứng chứng kiến sự gãy đổ. Điều này có thể thấy vai trò của logistics là vô cùng lớn, với sự gãy đổ đứt đoạn vì dịch này, đã đặt ra bài toán cho nhiều doanh nghiệp phải tính đến trong việc nâng tầm và quản lí chuỗi cung ứng đồng thời số hóa ngành này.
Cô Lê Thị Ngọc Anh, Ban nghiên cứu và phát triển thuộc Tổ chức giáo dục FPT nhìn nhận hiện nay nhu cầu logistics rất cao, tuy nhiên thực tế cơ sở hạ tầng máy móc vẫn chứa phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ chưa cao, tốc độ xử lí hàng hóa chưa nhanh. Điều này khiến chi phí cho logistics bị đội lên rất cao. Chính vì thế ngành logistics cần phải chuyển đổi số, mà muốn số hóa thì phải bắt đầu từ nhân sự chất lượng cao.
Mặc dù đồng tình với quan điểm trên, nhưng theo các doanh nghiệp nhân sự logistics vẫn là bài toán khó khi tình trạng thiếu và yếu vẫn tồn động rất nhiều.
Ở góc độ tuyển dụng nhân sự, Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc thương hiệu LCL, Công ty Cổ phần ECU Worldwide Việt Nam thừa nhận: "Nhân sự Logistics hiện tại có xuất thân chủ yếu từ ngành kinh tế, ngoại ngữ, thương mại… số lượng học đúng ngành, làm đúng nghề chỉ chiếm phần nhỏ”.
Chính vì thế, theo bà Hương các doanh nghiệp thường phải bỏ thời gian, chi phí để đào tạo nghiệp vụ, điều này có thể ảnh hưởng chung đến quy trình hoạt động, tiến độ của các bộ phận khác trong doanh nghiệp.
Ông Vũ Minh Nhật cũng đồng tình và cho rằng, nhân sự trái ngành, trái nghề để họ làm tốt việc cũng cần thời gian tới 12 tháng, nếu thực hiện chuyển đổi số, thực sự vô cùng khó khăn. Nghiệp vụ kia chưa tốt đã phải đào tạo tiếp nghiệp vụ mới, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động chung của doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, với với nâng cao nguồn nhân lực trong thời gian tới đây sẽ được các doanh nghiệp Logistics vô cùng kỳ vọng, có thể tạo nên những đột phá trong quá trình chuyển đổi số”- ông Nhật nói và nhấn mạnh nhân sự trong ngành logistics phải chủ động, không thể chăm chăm phụ thuốc vào lí thuyết mà cần vận dụng thực hành.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự cho ngành logistics
Theo ông Dương Quang Duy, Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần Bưu vận Nội địa và Quốc tế Đông Dương, xét trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhân sự cho ngành logistics cần đạt cả về chất và lượng. Nhân sự thiếu nhưng không phải vì thế mà đào tạo ồ ạt, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, đồng thời phải có kỹ năng ứng dụng văn phòng hiệu quả.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm, ông Vũ Minh Nhật cũng kỳ vọng nhân sự logistics sắp tới sẽ được thực hành vận dụng nhiều hơn là việc chỉ chăm chăm học lí thuyết. Điều này cũng được ông Đích Nguyễn nhấn mạnh khi nhìn nhận hiện nay 93% doanh nghiệp trong ngành logistics là vừa và nhỏ, và thực trạng một số sinh viên, nhân sự logistics còn mơ hồ về các quy trình vận hành logistic. “Có sinh viên thậm chí còn không biết B2B hoạt động ra sao, các quản lí khách hàng là gì?”- ông Đích nói và nhấn mạnh, việc đào tạo logistics phải chú trọng vào thực tế, thực tiễn hoạt động, xã hội chứ không phải trên lí thuyết.
Dưới góc độ giáo dục, thầy thầy Trần Vân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Giám đốc FPT Polytechnic HCM cho biết, nắm được nhu cầu về cơn khát nhân sự, vào tháng 9-2022 tới đây, trường sẽ mở khóa đào tạo chuyên ngành logistics đầu tiên với dự kiến 300 sinh viên.
Tại đây, các sinh viên sẽ được tập trung vào các bộ môn chuyên ngành, đồng thời lượt bỏ các bộ môn phụ về mặt tư tưởng, đại cương chung chung. Thầy Trần Vân Nam cho biết: "Chương trình này được nghiên cứu, xây dựng dựa trên bối cảnh thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của các doanh nghiệp Logistics. Với sự giúp đỡ, đồng hành của các doanh nghiệp, tôi tin rằng, chuyên ngành Logistics tại FPT Polytechnic sẽ sớm mang tới những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành và đặc biệt là mang tới nguồn nhân lực phù hợp mà các doanh nghiệp đang chờ đợi".
FPT Polytechnic kỳ vọng thông qua sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sẽ là bước đi quan trọng để cập nhật kịp thời chương trình đào tạo, hay có những thay đổi phù hợp với xu hướng chung của ngành Logistics.