Hiện tại cơn bão số 1 Talim đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 8.
Trước đó không lâu, Kỷ Nguyên Số đã có bài hướng dẫn cách theo dõi đường đi của bão số 1 và nhận cảnh báo mưa bão bằng Zalo.
Cập nhật tình hình thiên tai, mưa gió tại TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG |
Nếu đang sinh sống tại khu vực TP.HCM, bạn đọc có thể cài đặt thêm ứng dụng PCTT HCM (phòng chống thiên tai) trên Google Play hoặc App Store để nhận cảnh báo sớm về tình hình mưa bão, ngập lụt, sạt lở… cùng một số phương thức ứng phó, cứu nạn.
Giao diện của ứng dụng PCTT HCM khá đơn giản, phần “mặt tiền” sẽ bao gồm các phương thức ứng phó với thiên tai (áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở, sét, mưa lớn…), nhiệt độ và tình hình thời tiết hiện tại.
Ứng dụng PCTT HCM cung cấp một số cách ứng phó với thiên tai. Ảnh: MINH HOÀNG |
Khi bấm vào một mục bất kỳ, ứng dụng sẽ hướng dẫn bạn những việc cần làm để ứng phó với thiên tai.
Ví dụ, đối với tình hình mưa bão, người dân cần theo dõi liên tục thông tin về thời tiết qua tivi, radio và các hệ thống cảnh báo, không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, cũng như gói gọn các tư trang, giấy tờ cần thiết vào ba lô phòng trường hợp cần di tản…
Thông tin thời tiết được cung cấp liên tục. Ảnh: MINH HOÀNG |
Trong trường hợp muốn phản ánh thiên tai, đơn cử như ngập lụt, sạt lở, mưa đá… bạn chỉ cần quay về giao diện chính và kéo xuống cuối trang, sau đó chọn Phản ánh về thiên tai, cung cấp số điện thoại, vị trí, ý kiến, hình ảnh và video tương ứng để Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM xử lý và hỗ trợ kịp thời.
Cách phản ánh thiên tai tại khu vực mình đang sinh sống. Ảnh: MINH HOÀNG |
Ngoài TP.HCM, một số tỉnh thành khác cũng có ứng dụng PCTT tương tự, đơn cử như Quảng Nam, Dak Lak, Tiền Giang.
Hy vọng những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp sẽ hữu ích với bạn đọc trong mùa mưa bão, nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.