PAPI hướng đến công bằng trong tiếp cận dịch vụ công

PAPI hướng đến công bằng trong tiếp cận dịch vụ công

(PLO)- Nhiều cảnh báo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được các cấp tiếp nhận, điều chỉnh ngay.

Ngày mai (2-4), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (VN) (PAPI) sẽ được công bố. Sau 15 năm, PAPI có những đóng góp trong tiến trình cải cách hành chính cấp tỉnh của VN.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại VN (UNDP), quản lý dự án PAPI, nói: “PAPI đã được “khai sinh”, nuôi dưỡng và trưởng thành ở VN. Đây không phải là công cụ được đem từ nước ngoài về để thực hiện ở VN”.

p2-3-anh-chinh.jpg
Cán bộ Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức (TP.HCM giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tạo ra nhiều thay đổi trong việc phục vụ người dân

. Phóng viên: Thưa bà, nguồn cơn nào mà PAPI lại được “khai sinh” và sứ mệnh từ đầu của PAPI là gì?

+ Bà Đỗ Thanh Huyền: Năm 2008 sau khi thực hiện chương trình đánh giá tám năm cải cách hành chính ở VN (2001-2010), chúng tôi nhận thấy có thiếu sót căn bản là thiếu mất “khuôn mặt” của người dân trong quá trình đánh giá.

Tại thời điểm đó, VN đã có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - nghĩa là đã có góc nhìn của doanh nghiệp (DN) nhưng góc nhìn của người dân thì chưa có. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn đưa tiếng nói của người dân vào trong tiến trình cải cách hành chính công và quản trị công ở VN.

Câu chuyện này cũng như một hình tam giác đều mà ba đỉnh là Nhà nước, DN và xã hội. Chúng tôi nhìn thấy Nhà nước đã có đánh giá rồi, thị trường - DN có PCI, MEI… Thế nhưng xã hội thì chưa có kênh nào để đo lường. Chính vì thế chúng tôi chọn góc độ này để tạo ra một tam giác đều.

P23_HUYEN_papi_chanluan_ttam.jpg
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại VN (UNDP), quản lý dự án PAPI

Chúng tôi luôn luôn nói với các cấp chính quyền địa phương rằng trong quá trình phát triển, để địa phương phát triển bền vững đảm bảo công bằng thì đối tượng hướng tới phải là người dân...

. Các chỉ số đánh giá tại VN như PCI, MEI… lúc đầu gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn bị phản đối. PAPI tại VN có gặp tình trạng này không và cách những người thực hiện vượt qua, thưa bà?

+ Những năm đầu tiên PAPI gặp khá nhiều khó khăn, thách thức trong việc đưa những kết quả khảo sát đến với lãnh đạo chính quyền các cấp. Với bản thân các cấp lãnh đạo, đây cũng là khái niệm mới.

Chính quyền một số nơi thắc mắc: Vì sao anh lại đi đo tôi? Chính quyền cũng phản ứng vì còn hoài nghi mức độ tin cậy của thông tin cũng như các kết quả khảo sát.

Có người còn nghĩ rằng chỉ có những công chức, viên chức mới là người phản ánh đúng nhất, rõ nhất vấn đề cải cách hành chính ở địa phương đang diễn ra như thế nào, chứ không phải đối tượng mà Nhà nước phục vụ, trong trường hợp này là công dân.

Nhưng dần dần chúng tôi phá vỡ những quan điểm của một số nơi thông qua việc đề nghị một số địa phương sử dụng bảng hỏi của PAPI đi kiểm tra lại với mẫu lớn hơn để xem rằng kết quả của PAPI liệu có chính xác hay không.

Tại Kon Tum năm 2010, 2011, chính quyền địa phương đã đi khảo sát riêng và sau đó họ kết luận rằng kết quả của họ cũng giống như với kết quả nghiên cứu của PAPI.

Đôi khi kết quả các tỉnh đi khảo sát lại còn hơi “hồng” hơn so với kết quả của PAPI, đó là do kết quả của PAPI được thực hiện bởi những người bên ngoài. Còn nếu được thực hiện bởi những người bên trong bộ máy, đôi khi việc khảo sát sẽ được “tô hồng” hơn...

Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan ở cấp Trung ương, thành viên của ban tư vấn PAPI, cũng như là sự ủng hộ rất lớn của báo chí, PAPI được quan tâm nhiều hơn. Từ năm 2015 đến nay, các tỉnh đều tự tổ chức các cuộc trao đổi về các kết quả PAPI. Chúng tôi nhận thấy các cấp chính quyền địa phương dần dần nhận thức được rằng PAPI là một công cụ giám sát giống như một tấm gương giúp cho họ nhìn lại một năm thực hiện như thế nào. Và năm tiếp theo họ sẽ phải củng cố ra sao.

Hướng đến số đông người thụ hưởng dịch vụ công

. Trong tám chỉ số cơ bản của PAPI thì chỉ số nào mà người dân thích thú nhất, chính quyền địa phương… ngán nhất?

+ Tôi cho rằng tất cả tám chỉ số nội dung của PAPI đều có những giá trị quan trọng đối với người dân.

Khi người dân trả lời bảng hỏi của PAPI thì họ đều quan tâm, chú ý đến nội dung chúng tôi đo lường. Trên thực tế, chỉ số PAPI không chỉ lấy thông tin từ họ mà còn chia sẻ thông tin từ họ về những văn bản quy phạm pháp luật, những điều khoản, quy định, thông tư hướng dẫn có trong hệ thống pháp quy VN để cho người dân cùng biết.

Ví dụ, chúng tôi hỏi họ có biết đến luật tiếp cận thông tin không? Hoặc họ có biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương không? Với những người trước đây họ chưa từng nghe tới thì bây giờ họ đã biết. Và qua thời gian thì họ cũng đã quan tâm nhiều hơn tới vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” và mới đây nhất là dân thụ hưởng.

. Chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cho đến nay có phản ánh được đầy đủ nỗ lực phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị không, thưa bà?

+ Có những nội dung mà người dân rất quan tâm, đó là việc chia sẻ thông tin về kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất của chính quyền địa phương; thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng, giáo dục, y tế...

Về chỉ số kiểm soát tham nhũng, PAPI chỉ tập trung vào những vấn đề tham nhũng vặt, mức độ tham nhũng ở cấp địa phương mà người dân có thể nhìn thấy, người dân có thể nghe thấy là ai đó đã làm những việc đó. Đó có thể là công chức, viên chức, lãnh đạo địa phương…

Với chỉ số PAPI, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề người dân trải nghiệm, phải trải nghiệm hằng ngày. Đây là vấn đề mà có lẽ với chúng tôi đó lại là then chốt bởi vì VN hiện có đến hơn 100 triệu dân. Trong đó có hơn 64 triệu người lớn, khi họ đi làm các thủ tục hành chính, đi khám chữa bệnh, đưa con đi học… tất cả tương tác như thế với hệ thống công vụ, đối với hệ thống chính quyền địa phương, đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công… thì phần liên quan đến đời sống của họ, họ sẽ quan tâm hơn.

Làm sao để người dân nghèo được tiếp cận những dịch vụ công như người giàu có, chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng.

PAPI đo lường tám chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

PAPI được coi như bức tranh thực tế về hiệu quả của chính quyền trong việc đáp ứng yêu cầu của người dân, giúp các cấp soi chiếu lại hoạt động trong một năm, từ đó đóng góp tích cực vào những nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững, đặc biệt sau những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Nhiều phản ứng kịp thời từ kết quả khảo sát của PAPI

. Bà có nói rằng PAPI là thước đo về việc thực thi chính sách tại địa phương, vậy nó có tác dụng thế nào đối với việc hình thành chính sách vĩ mô?

+ Chúng ta thấy có những phản ứng rất kịp thời. Ví dụ như năm 2014, 2015, khi chúng tôi phát hiện ra tỉ lệ người dân phải chung chi để làm sổ hồng lên tới 44% thì ngay lúc đó bộ trưởng Bộ TN&MT đã ra một văn bản chỉ đạo yêu cầu tất cả bộ phận một cửa của các quận, huyện, thị trấn trên toàn quốc phải lắp camera, phải đưa hotline vào thông tin liên lạc để tiếp nhận phản ánh của công dân ngay lập tức đối với việc công chức ở chế độ một cửa vòi vĩnh.

Ngay sau đó, trong năm tiếp theo, chỉ số này đã giảm xuống 23%, năm tiếp nữa chỉ số này giảm xuống còn 17%.

Hay năm 2016, sau khi thấy tỉ lệ người dân đến thăm khám tại bệnh viện phải “lót tay” cho y, bác sĩ để người nhà hay bản thân mình được quan tâm, chăm sóc tốt hơn thì bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ đã yêu cầu các sở Y tế phải lập tức lập hotline tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện để theo dõi tình trạng này. Và sau đó tỉ lệ này đã giảm xuống đáng kể.

Mới đây, sửa đổi Luật Đất đai, chúng tôi cũng đo lường việc niêm yết công khai những thông tin đất đai thì tỉ lệ phần trăm cho thấy chỉ có dưới 20% người dân được biết về thông tin này. Và ngay lập tức, trong việc sửa đổi Luật Đất đai đã có sự thay đổi, điều chỉnh ở Điều 18 Luật Đất đai 2024. Đó là yêu cầu các cấp chính quyền địa phương phải niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất cũng như bảng giá đất ngay lập tức và thường niên, thay cho trước đó là bốn năm công bố một lần.

PAPI do Việt Nam và vì Việt Nam

P23_GIANG_papi_chanluan_ttam.jpg

Theo tôi thì giá trị lớn nhất mà PAPI mang lại trong quá trình thực hiện dự án 15 năm qua là tạo ra một suy nghĩ, một thái độ xem trọng ý kiến của người dân, xem trọng trải nghiệm của người dân và xem trọng việc lắng nghe người dân từ chính quyền địa phương.

Đây là điều có thể nhiều người coi là hiển nhiên nhưng cách đây 15 năm người ta cho rằng người dân thì không biết gì cả, đánh giá không khách quan, không có kiến thức, không có hiểu biết… Chính vì lẽ đó, trong 15 năm qua, giá trị lớn nhất mà PAPI mang lại là đã tạo ra một thói quen để chính người sử dụng dịch vụ công hiểu rằng họ chính là người có thẩm quyền tốt nhất để đưa ra đánh giá xem mình có hài lòng hay không. Bây giờ mọi người đã tâm phục khẩu phục, thừa nhận rằng số liệu của PAPI là có chất lượng, đây cũng là một tấm gương phản chiếu để chính quyền soi vào và đánh giá mình.

Lý do cơ bản để PAPI được “thai nghén” và ra đời tại VN, trước tiên chỉ đơn giản là những người thực hiện PAPI đều là người Việt, sống tại VN, làm việc tại VN và quan tâm tới quản trị công và hành chính công ở VN.

PAPI không phải mô hình được đem từ nước ngoài vào VN, mà ngược lại, PAPI còn được các nước khác học tập và áp dụng.

Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES)

Ở tầm Trung ương thì nếu theo dõi báo chí sẽ thấy lãnh đạo cấp cao cũng sử dụng chỉ số PAPI để nhắc nhở các cấp chính quyền địa phương và đưa chỉ số PAPI vào thành một trong những chỉ số nhắc việc cho địa phương cùng với PCI, PAR INDEX, SIPAS…

Các đại biểu Quốc hội cũng là những người yêu cầu và tiếp nhận báo cáo PAPI thường xuyên. Thông thường mỗi năm công bố, trong suốt thời gian từ năm 2013 đến nay thì có khoảng 500 cuốn báo cáo PAPI được gửi lên bàn Quốc hội theo yêu cầu của Thường vụ Quốc hội.

. Chuyển biến từ chính quyền địa phương có nhanh và hiệu quả như ở Trung ương không, thưa bà?

+ Một số địa phương còn đưa ra các sáng kiến để đổi mới cách làm cho người dân được thụ hưởng nhiều hơn. Chẳng hạn Tây Ninh đã điều chỉnh lại cổng thông tin dịch vụ của chính quyền địa phương để tiếp nhận phản ánh của người dân trong quá trình trả lời kiến nghị, phản ánh của công dân. Hà Giang năm ngoái đã có nỗ lực rất lớn trong việc đưa dịch vụ công trực tuyến đến với đồng bào dân tộc thiểu số sau khi chúng tôi chỉ ra rằng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số bị bỏ lại phía sau rất xa trong tiến trình phát triển của dịch vụ công trực tuyến.

Đấy là những sáng kiến của địa phương mà chúng tôi đánh giá là rất quan trọng trong tiến trình phát triển của PAPI.

. Xin trân trọng cảm ơn bà.•

PAPI mang lại nhiều giá trị cho hành chính công

Việc chọn mẫu như thế nào quan trọng hơn việc chọn mẫu nhiều hay ít.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, giá trị lớn nhất của PAPI là sự thay đổi tư duy, tư duy quản trị.

Dù chúng ta có Viện Dư luận xã hội và có rất nhiều cơ quan được yêu cầu khảo sát lấy ý kiến của nhân dân nhưng tính xuyên suốt và tính đại diện cho cử tri 18 tuổi trở lên, được chọn mẫu một cách ngẫu nhiên thì PAPI gần như là công cụ đầu tiên ở Việt Nam (VN) để thu thập những ý kiến đó.

Về sau này thì đây cũng là động lực để Bộ Nội vụ phát triển bộ chỉ số SIPAS để đo lường ý kiến của công dân khi sử dụng dịch vụ hành chính công trong tiến trình phát triển. UNDP cũng hỗ trợ ban đầu về phương pháp luận để đo bộ chỉ số đó.

PAPI hướng đến công bằng cho người dân khi trong tiếp cận dịch vụ công (Ảnh minh họa). Ảnh: M.TRÚC

PAPI hướng đến công bằng cho người dân khi trong tiếp cận dịch vụ công (Ảnh minh họa). Ảnh: M.TRÚC

Hay gần đây nhất, nhiều bộ chỉ số do địa phương xây dựng thì cũng tham chiếu thêm cách làm của PAPI. Đó là thay đổi về mặt tư duy rất quan trọng, tư duy của người lãnh đạo, của công chức, viên chức với việc tiếp nhận ý kiến của người dân trong quá trình phát triển, cải cách.

Về phương pháp chọn mẫu của PAPI là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên và khoa học theo chuẩn quốc tế, do máy tính chọn chứ không phải do con người chủ quan chọn.

“VN có dân số là hơn 100 triệu dân nhưng chúng ta phải trừ đi trẻ em và người già, còn lại khoảng 64 triệu người lớn. Và chúng tôi chỉ hỏi những người trên 18 tuổi và có quyền công dân” - bà Huyền cho hay.

Theo bà Huyền, cho dù là trước đây với 593 người của ba tỉnh hay bây giờ là gần 20.000 người của 63 tỉnh thì chúng tôi vẫn dùng phương pháp lựa chọn bằng máy tính chứ không phải chủ quan của con người.

Thứ hai, chúng ta phải hiểu rằng ngay cả Tổng cục Điều tra dân số và nhà ở cũng không thể điều tra, khảo sát với tất cả hộ dân trên cả nước được. Họ sẽ phải lựa chọn mẫu. Kể cả có gửi cho toàn bộ 65 triệu người lớn mà chỉ có 10 người gửi kết quả khảo sát về thì kết quả đó cũng là thất bại.

Hiện nay, PAPI cũng đảm bảo có tỉ lệ mẫu càng ngày càng tăng với số lượng tương quan tối thiểu để có thể hiểu được hiệu quả quản trị hành chính công ở một địa phương.

Ngay cả khi số lượng mẫu có tăng lên thì qua thời gian chúng tôi vẫn nhìn thấy rằng điểm không thay đổi. Điều thay đổi duy nhất là thể chế, thiết chế tạo ra sự hưng phấn hay buồn rầu của công dân nhiều hơn lượng mẫu là bao nhiêu.

Cho nên câu hỏi đặt ra là chọn mẫu như thế nào, quan trọng hơn việc chọn mẫu nhiều hay ít.

“Đối với chúng tôi, với 64 triệu người lớn và đang cố gắng nâng số mẫu lên hơn nữa trong thời gian qua đã là một nỗ lực cực kỳ to lớn. Bởi vì đây còn là việc đi đôi với tài chính, ngân sách” - bà Huyền nói.

Đọc thêm