PAPI 2021: 5 vị trí muốn xin vào làm việc thường cần 'mối quan hệ thân quen'

(PLO)-  Báo cáo PAPI 2021 cho thấy mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.

Một trong những chỉ số dành được nhiều sự quan tâm của báo cáo này là “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Chỉ số này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ “chịu đựng tham nhũng” của người dân cũng như sự quyết tâm giảm thiểu tham nhũng của chính quyền và người dân.

Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung này lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016, khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu. Điểm thấp nhất và cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm, trên thang điểm từ 1-10.

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng “chung chi” để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương, dù là giàu có hay còn nghèo.

Mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn, gồm: công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường, ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Tương tự kết quả 2020, Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nơi hiện trạng ‘vị thân’ phổ biến nhất.

Dưới 70% số người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở hơn 30 tỉnh, thành phố, tỉ lệ người trả lời cho rằng “chính quyền địa phương đã nghiêm túc” chỉ ở mức dưới 50%.

Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40- 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Trong khi đó, tỉ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40- 80% cũng ở khoảng 40 tỉnh, thành phố. Tỉ lệ này thấp nhất ở Đồng Tháp, Hậu Giang và TP. HCM.

Ngoài ra, kết quả khảo sát PAPI năm 2021, cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỉ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm.

Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.

Điểm chỉ số nội dung ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021.

Cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.

TP.HCM rơi vào nhóm điểm thấp nhất

Chỉ số tổng hợp PAPI 2021 cấp tỉnh cho thấy nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.

Về kết quả cụ thể, ba vị trí dẫn đầu là Thừa Thiên-Huế 48.095 điểm; Bình Dương 47.178 điểm; Thanh Hóa 47.102 điểm.

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP.HCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TP.HCM.

Thủ đô Hà Nội tăng từ 41.630 điểm năm 2020 lên mức 44.447 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm