Ngày 2-4, báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 chính thức được công bố tại Hà Nội.
Báo cáo PAPI 2018 chi thấy “lót tay” và vòi vĩnh ở khu vực công vẫn còn. Ảnh: TP
Tham nhũng đã giảm đi?
Theo báo cáo, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản; và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đặc biệt, người dân trên phạm vi cả nước cho rằng chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém hơn ba năm trước.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm.
Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong ba năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.
Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của người dân.
Đói nghèo, tham nhũng là mối quan tâm lớn nhất
Khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, nghèo đói tiếp tục là vấn đề được nhiều người chọn nhất. Mặc dù nhiều người cho rằng điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và của đất nước có cải thiện, vẫn có tới 25% số người được hỏi chọn nghèo đói là vấn đề hệ trọng nhất.
Tuy nhiên, khi so sánh kết quả khảo sát câu hỏi này của năm 2018 với các năm trước, mối quan ngại về tham nhũng, tăng trưởng kinh tế, an ninh-trật tự và chất lượng giáo dục gia tăng nhiều hơn. So với kết quả khảo sát năm 2015, mối quan ngại về môi trường cũng gia tăng đột biến.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường. Nội dung thành phần "Y tế công lập" cho thấy ngành y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế.
Đáng chú ý, so với các nội dung khác, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ giáo dục tiểu học năm 2018 nói riêng có xu hướng giảm sút, phần lớn là do điều kiện vật chất, trang thiết bị của trường tiểu học công lập và chất lượng giáo dục có phần xuống cấp.
Xét tổng quan, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung. Hơn nữa, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47.05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả tám chỉ số nội dung) còn rất xa.
Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. PAPI đo lường hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAP) năm 2018. Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu chặng đường phát triển 10 năm của nghiên cứu PAPI kể từ khi khởi xướng năm 2009. Trong 10 năm qua, hơn 117.000 lượt người dân Việt Nam từ khắp các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của họ qua nghiên cứu PAPI, khiến PAPI trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam. |