Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng về thăm, làm việc tại Đắk Lắk và để lại trong lòng đồng bào các dân tộc những tình cảm sâu đậm.
Trân quý những kỷ niệm với Tổng Bí thư
Cầm những bức ảnh được chụp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mắt bà H’Yam Bkrông (ngụ buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đỏ hoe vì xúc động
Bà H’Yam kể: năm 2017, bà được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số. Lần đó, bà H'Yam vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Đúng 14 giờ chiều 19-12-2017, Tổng Bí thư xuất hiện. Đó là lần đầu tiên tôi vinh dự được gặp Tổng Bí thư. Khác hoàn toàn với tưởng tượng của tôi, Tổng Bí thư rất thân thiện, gần gũi, tạo cho tôi cảm giác như mình đang gặp, đang nói chuyện với một người thân ở buôn làng vậy”- bà H’Yam nhớ lại.
Trong lễ tuyên dương ấy, bà H’Yam vinh dự được chụp hình với Tổng Bí thư. Bà treo những tấm hình đó ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà sàn của mình.
“Hôm đó, Tổng Bí thư ân cần dặn tôi cố gắng làm kinh tế, giúp gia đình, tạo công ăn việc làm cho bà con buôn làng. Giờ tôi làm được rồi, hợp tác xã thổ cẩm của tôi phát triển tốt. Thế nhưng, tôi không còn cơ hội gặp Tổng Bí thư nữa”- giọng bà H’Yam nghẹn lại.
Chúng tôi đến buôn Dur, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk- nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc năm 2018.
Dưới cơn mưa rả rích, già làng Y Dhun H’Mốk (70 tuổi) dẫn PV vào nhà văn hóa cộng đồng buôn rồi nhóm lửa, chậm rãi kể lại những câu chuyện về Tổng Bí thư đáng kính.
Già Y Dhun tự hào chỉ vào tấm hình Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mặc áo thổ cẩm đang nói chuyện với bà con buôn làng, nói: "Tôi thay mặt bà con trong buôn tặng Tổng Bí thư chiếc áo thổ cẩm. Khi mặc áo thổ cẩm, Tổng Bí thư cười rất tươi, cảm ơn rồi ân cần thăm hỏi đời sống bà con, tình hình buôn làng. Tổng Bí thư hỏi bà con đời sống thế nào, làm ăn có được không, có cải thiện hông, có tình trạng chênh lệch giàu nghèo không…Tổng Bí thư hỏi kỹ lắm, rồi chăm chú lắng nghe bà con chia sẻ”- già Y Dhun kể.
Cũng theo già làng Y Dhun, sau khi thăm hỏi tình hình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Nếu già làng cảm thấy cái gì chưa được thì cứ đề nghị để Đảng, Nhà nước, tỉnh và các cấp chính quyền quan tâm thêm về đời sống, kinh tế, xã hội…”.
Tổng Bí thư còn nhắc nhở bà con buôn làng phải đoàn kết, vì chỉ có đoàn kết mới làm được mọi việc, mới chung sức đồng lòng phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo già làng Y Dhun, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, bà con buôn Dur thi đua lao động sản xuất, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng lúa nước của những người quê Thái Bình đang sinh sống ở huyện Krông Ana. Những “chuyên gia” lúa nước quê Thái Bình đã chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, giống, giúp bà con trồng lúa nước.
Nhờ vậy, năng suất lúa của bà con buôn Dur từ 2 tấn/ha tăng lên hơn 4 tấn/ha, cà phê đạt năng suất 6 tấn/ha. Hiện toàn buôn Dur chỉ còn chín hộ nghèo trong khi toàn buôn có 384 hộ.
“Nghe lời Tổng Bí thư dặn, bà con hăng hái hơn trong lao động sản xuất, kinh tế dần phát triển. Nhiều con đường được bà con góp công, góp sức tu sửa, làm mới. Giờ buôn làng thay đổi rất nhiều, nhiều gia đình sung túc. Bà con buôn làng mong được đón Tổng Bí thư về thăm một lần nữa nhưng từ giờ ước mơ ấy mãi mãi không thành hiện thực”- giọng già làng Y Dhun lạc đi.
Tổng Bí thư luôn quan tâm sâu sắc đến đồng bào các dân tộc
Ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, chia sẻ ông rất đau buồn khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
“Nghe tin Tổng Bí thư qua đời, tôi đau buồn, tiếc thương vô hạn! Tổng Bí thư đã tận tâm, tận lực, cống hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân đến những giờ phút cuối cùng. Giờ Đảng, Nhà nước, nhân dân mất đi một người con ưu tú của dân tộc, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đất nước”- ông Y Luyện nói.
Như nhiều người khác, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk, lặng người vì đau buồn.
“Tôi thật sự đau buồn, thương tiếc, thấy hụt hẫng quá! Đất nước, dân tộc mất đi một nhà lãnh đạo trung kiên, chính trực, hết lòng vì dân"- bà Hoa nói.
Theo bà H’Kim Hoa, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ ở Đắk Lắk, ở Tây Nguyên mà khắp mọi miền Tổ quốc.
Điều này được thể hiện qua những chính sách của Đảng, Nhà nước trong các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo mọi điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế; giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống, góp phần ổn định an ninh trật tự.
Bà H’Kim Hoa nói là người làm công tác dân vận, bà rất kính trọng, luôn xem Tổng Bí thư là tấm gương để học tập, rèn luyện, trau dồi về phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị, gần dân.
“Tôi chưa được gặp trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng tôi luôn cảm nhận Tổng Bí thư rất gần gũi, ấm áp. Tổng Bí thư luôn quan tâm, tìm giải pháp nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc”- bà H’Kim Hoa nói.
Chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, nói Tổng Bí thư luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc.
Trong những chuyến về thăm đồng bào, Tổng Bí thư luôn chăm chú lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ân cần chia sẻ với những khó khăn của bà con. Khi tiếp xúc với bà con, Tổng Bí thư luôn gần gũi, thân thiện. Vì thế, Tổng Bí thư để lại ấn tượng, lòng cảm kích vô cùng sâu đậm đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Chị H’Giang nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022-2027, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh và nhắn gửi tới thế hệ trẻ cả nước hai chữ “Tiên phong”.
Vì vậy, tuổi trẻ Đắk Lắk luôn nhận thức vai trò, sứ mệnh của mình; luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng để thực hiện được sứ mệnh lịch sử góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
“Ghi nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, tuổi trẻ Đắk Lắk luôn tiên phong trong lao động, sản xuất; sáng tạo, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”- chị H’Giang nói.