Ngày 11-10, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam (VN). Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: Thành công lần này là nhờ những sáng kiến, đóng góp thiết thực, tinh thần cầu thị, lắng nghe và hoàn thiện của VN trong nhiều năm qua.
Minh chứng cho trách nhiệm quốc tế của Việt Nam
. Phóng viên: Thưa Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, VN trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình hội nhập của nước ta, nhất là khi VN có nhiều cam kết về trách nhiệm với cộng đồng quốc tế?
+ Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Trước hết xin cho phép chúc mừng VN, chúc mừng ngành ngoại giao của chúng ta đã có một thành công đặc biệt khi vấn đề quyền con người ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, đại dịch và xung đột vũ trang.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao |
Sự kiện VN trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ hai đã khẳng định vai trò của VN trên trường quốc tế, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Sau hai lần là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và một lần là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, VN ngày càng nhận được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, ngày càng xuất hiện và chủ động tham gia tích cực vào nhiều diễn đàn quan trọng của LHQ. Điều đó cho thấy VN đã thành công trong thực hiện đường lối đối ngoại làm bạn với tất cả các nước trên thế giới và hiện đang bước vào giai đoạn đóng góp nhiều vào công tác bảo vệ các giá trị nhân phẩm, các nguyên tắc của luật quốc tế, là đại diện xứng đáng của các nước đang phát triển.
Thành công của VN khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Chính phủ, là sự bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động về quyền con người ở VN. Như nhiều quốc gia khác, chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để khắc phục những bất cập để nâng cao hiệu quả, đảm bảo lợi ích của người dân nhưng thành công của VN trong lĩnh vực nhân quyền là không thể phủ nhận.
Đại sứ NGUYỄN HỒNG THAO
Nhiều nỗ lực và đóng góp thiết thực
. Là người làm việc ở ngành ngoại giao VN nhiều năm, theo ông, đâu là những nguyên nhân giúp VN được bạn bè quốc tế tin cậy và bầu chọn lần này?
+ Thành công lần này không phải tự nhiên hay dễ dàng mà có. Nó đến từ nhiều nỗ lực, sáng kiến của VN. Trước hết, về mặt tổng thể, VN đã bảo vệ tốt các quyền của người dân trong nước trên tất cả lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, phù hợp với Hiến pháp 2013, Hiến chương LHQ và các văn bản có liên quan. Năm 2006, VN là một trong những nước đầu tiên hoàn thành “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo” của LHQ, về đích sớm gần 10 năm so với thời hạn (năm 2015). VN tiếp tục giảm tỉ lệ nghèo xuống còn 2,23% vào năm 2021. Mới nhất, theo bảng xếp hạng của tờ Nikkei (Nhật), chỉ số phục hồi COVID-19 tháng 10-2022 của VN đứng vị trí thứ tám trong số 121 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và xếp thứ hai tại khu vực Đông Nam Á.
Mức tăng trưởng toàn thế giới trong năm 2022 theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 3,2%, trong khi dự báo tăng trưởng của VN theo các tổ chức quốc tế là 6,5%. Điều này có nghĩa VN đã tương đối thành công trong việc đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. VN đã thực hiện nhất quán chính sách “lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, “bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Trong đại dịch COVID-19, với khẩu hiệu “không để ai ở lại phía sau”, VN vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm các quyền con người trên cơ sở tôn trọng lợi ích của cộng đồng. VN đã rất nhanh nhạy trong đóng cửa biên giới chỉ ba ngày sau khi nạn dịch bùng phát ở Vũ Hán, nhanh chóng chuyển từ chiến lược zero-COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
VN cũng luôn chủ động giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các nước, đặc biệt là các nước còn kém phát triển. Trong thời kỳ đại dịch, tuy còn khó khăn nhưng ngay trong gian nan, chúng ta đã khởi động thành công “ngoại giao khẩu trang” giúp đỡ các nước, kể cả Mỹ và một số nước phương Tây. Chính vì vậy, VN đã nhận được sự giúp đỡ của các nước về vaccine, trang thiết bị cần thiết để khống chế dịch bệnh.
VN là quốc gia có sáng kiến đề xuất lấy ngày 27-11 hằng năm làm ngày quốc tế phòng chống đại dịch. Đại diện của VN tại ILC đã cùng một số thành viên khởi xướng đề xuất từ năm 2020 về xây dựng một hiệp ước quốc tế về phòng chống đại dịch, thúc đẩy vai trò trung tâm của luật quốc tế trong hợp tác toàn cầu. Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tham vấn trong các hội nghị tư vấn chuẩn bị cho hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với các đại dịch từ tháng 9 đến tháng 10-2022 thể hiện sự đánh giá đóng góp của VN trong lĩnh vực quan trọng này.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu trao đổi với đại sứ Bỉ tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 11-10. Ảnh: BÁO QUỐC TẾ |
VN cũng là nước đang nhanh chóng bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, hướng tới tương lai, phục vụ tốt hơn các hoạt động và lợi ích của con người. Nếu có dịp ra nước ngoài, chúng ta sẽ có cơ hội cảm nhận được giá trị “internet free” (miễn phí sử dụng Internet) ở mọi ngõ ngách, đường phố của các khu đô thị VN so với các khu đô thị nước ngoài, kể cả ở các nước đứng đầu về công nghệ thông tin.
Thẳng thắn, cầu thị và nhiều sáng kiến
. Quá trình ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ chắc chắn không thể tránh khỏi việc trình bày và bảo vệ các quan điểm của VN để thuyết phục cộng đồng quốc tế. Xin ông chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
+ VN đối thoại thẳng thắn với các nước tại các phiên bảo vệ cơ chế UPR (rà soát phổ quát định kỳ của Hội đồng Nhân quyền LHQ). Trong chu kỳ II rà soát UPR, VN chấp nhận 182/227 khuyến nghị và nghiêm túc thực hiện, đó là tinh thần hội nhập và cầu thị. Trong khuôn khổ của Hội đồng Nhân quyền LHQ, VN đã tổ chức “Triển lãm ảnh về các cộng đồng dân tộc và tôn giáo tại VN: Hòa hợp trong đa dạng” tại trụ sở LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 28-7, đúng vào ngày Gia đình VN.
Bên cạnh đó, VN đã có nhiều hơn các sáng kiến mang tầm khu vực và toàn cầu, sẵn sàng chủ động vận động thực thi cho các sáng kiến đó, vì lợi ích của toàn thể loài người. VN và Na Uy là đồng tác giả cho sáng kiến xây dựng Công ước về rác thải nhựa đại dương được nêu ra tại Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5-2022. VN cùng Bangladesh và Philippines đồng tổ chức tại khóa họp thứ 50 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đề xuất của ba nước đã được đưa vào Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người do Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua ngày 7-7. VN không chỉ là nước thứ hai phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà còn là nước thứ 10 phê chuẩn Công ước quốc tế về chống sử dụng vũ khí hạt nhân.
. Xin cám ơn đại sứ.•
Không chọn phe mà chọn lẽ phải,
luật quốc tế
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, VN luôn thúc đẩy tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao giải pháp hòa bình trong các tranh chấp quốc tế, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật quốc tế. Trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát về quyền con người, các nước cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. VN luôn tích cực đóng góp các hoạt động của LHQ trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người. VN “không chọn phe” mà chỉ chọn lẽ phải, tính xây dựng, phù hợp với luật quốc tế.
Ngoài ra, VN cũng có kinh nghiệm vận động bầu cử, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế thông qua tấm gương đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng một xã hội phồn vinh vì lợi ích của người dân. Vì vậy, VN không chỉ là nước được ASEAN mà cả cộng đồng các nước nói tiếng Pháp ủng hộ như ứng viên châu Á duy nhất trong bầu cử. Có thể thấy VN nhận được phiếu ủng hộ của các nước có quan điểm, lập trường khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau về một số vấn đề quốc tế.