Ngày 11-10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam (VN). Đây là lần thứ hai VN trúng cử vào Hội đồng này. Trước đó, vào năm 2013, VN đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thuỳ Dương, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại CHLB Myanmar nhiệm kỳ 2016-2019, về sự kiện này.
Một thắng lợi đầy ý nghĩa…
. Phóng viên: Đây là lần thứ hai VN trúng cử vào UNHRC và là đại diện duy nhất của ASEAN được bầu vào UNHRC. Với tư cách là một nhà ngoại giao kỳ cựu của VN, bà có cảm xúc thế nào về sự kiện này?
Đại sứ Luận Thùy Dương |
+ Đại sứ Luận Thùy Dương (ảnh) Tôi cảm thấy rất vui và tự hào về ngành ngoại giao của nước nhà. Đây là thắng lợi của sức mạnh tập thể, của sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và sự đóng góp của các bộ ngành, địa phương và toàn xã hội.
Đây cũng là thành công lớn cho thấy công tác đối ngoại đa phương của VN đã đi đúng hướng, thể hiện được sự tích cực, chủ động và hiệu quả. Trước hết, chúng ta phải cảm ơn các nhà ngoại giao tại các đơn vị liên quan tại Bộ Ngoại Giao (BNG), cũng như tại Phái đoàn của VN tại LHQ đã ngày đêm nỗ lực và đóng góp trực tiếp, tại chỗ cho thắng lợi này.
. Theo bà, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
+ Kết quả bầu cử cho thấy cộng đồng quốc tế ghi nhận sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của UNHRC; đồng thời thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Với trọng trách mới tại UNHRC, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp tục đóng góp vào việc thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trúng cử vào UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025, điều này sẽ giúp nâng cao vị thế của VN trong ASEAN, đồng thời cho phép VN thể hiện được các nguyện vọng cũng như mong muốn của ASEAN tại diễn đàn quốc tế này.
- Đại sứ Luận Thùy Dương -
…Từ sự nỗ lực của toàn dân tộc
. Theo bà, những lý do nào đã giúp Việt Nam trúng cử lần này?
Có nhiều cơ sở và thực tế đã chứng minh Việt Nam xứng đáng trúng cử UNHCR lần này. Thứ nhất, đó là thành tựu của công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, chú trọng phát triển kinh tế với việc nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Thứ hai, Đảng và chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ ngành, địa phương ủng hộ việc VN tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và phối hợp chặt chẽ với BNG thực hiện vận động cho sự ứng cử này của VN.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu bỏ lá phiếu của Việt Nam vào thùng hôm 11-10. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO |
Thứ ba, VN tham gia tích cực và hiệu quả các cộng việc của LHQ, đảm nhận tốt các nhiệm vụ và trọng trách trong LHQ như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ…
Thứ tư, chúng ta đã có kinh nghiệm ứng cử, vận động cũng như đảm trách vai trò trong UNHRC khi đã là thành viên của Hội đồng này giai đoạn 2014-2016.
. Việt Nam đã nỗ lực ra sao để được bầu vào UNHRC lần này, thưa bà?
+ Trước hết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN, người dân VN được hưởng quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội bình đẳng; nói cách khác, các quyền con người đã được bảo vệ. Điều này được thể hiện qua nỗ lực của chính phủ VN trong công cuộc giảm đói nghèo và bảo vệ người yếu thế.
Thứ hai, trong những năm qua, VN đã tích cực tham gia những sứ mệnh nhân đạo trong thành phần phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Thứ ba, VN có báo cáo quốc gia về thực hiện các Công ước về quyền con người rất đầy đủ, minh bạch, đúng hạn.
Thứ tư, VN đã chủ động dự báo được tình hình đại dịch COVID-19, nhanh nhạy, linh hoạt, và hiệu quả trong việc kiểm soát được dịch bệnh. Qua đó, thể hiện rằng chính phủ VN đã đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu và làm hết sức mình cho sức khoẻ và ổn định cuộc sống của toàn dân, không bỏ lại ai ở phía sau.
Con đường phía trước
. Theo bà, VN sẽ phải nỗ lực như thế nào để thực hiện được các cam kết của mình khi là thành viên của UNHRC, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ tới này?
+ VN sẽ cùng 13 thành viên mới đắc cử đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1-2023. Với tinh thần đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, VN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của UNHRC.
Phiên họp bầu ra 14 thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11-10 tại Trụ sở LHQ (TP New York, Mỹ). Ảnh: UN JOURNAL/TWITTER |
Chúng ta sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh,…
Trong nhiệm kỳ 2023-2025, chúng ta sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để nhân dân VN hiểu hơn trách nhiệm của quốc gia và tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của dư luận quốc tế. Thực hiện điều này cũng góp phần ngăn chặn những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch về chính sách cũng như hoạt động liên quan đến dân chủ và nhân quyền của VN.