NATO nhiều khả năng không gửi loại vũ khí này cho Ukraine

(PLO)- Dù Ukraine đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường, nhiều khả năng các thành viên NATO sẽ không gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Kiev.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay cả khi quân đội Ukraine đã phản công thành công và đẩy lùi quân Nga ở các tỉnh phía nam và phía đông, chính quyền Kiev vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của phương Tây, theo trang tin 19fortyfive.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, các quan chức Ukraine đã kêu gọi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ các xe tăng hiện đại.

Trước tình hình đó, một số nhà lập pháp ở Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi gửi xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) tới Ukraine.

Ngày 5-10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola nói rằng Ukraine cần “vũ khí mà họ có thể chiến đấu để giành lại lãnh thổ, ví dụ như xe tăng Leopard 2 mà một số quốc gia thành viên đang sở hữu”, theo hãng tin AFP.

Xe tăng Leopard 2 - tốt nhất trong những loại tốt nhất

Leopard 2 thế hệ thứ ba ban đầu được công ty Krauss-Maffei phát triển vào những năm 1970 để phục vụ quân đội Tây Đức.

Leopard 2 được đưa vào sử dụng vào năm 1979, kế nhiệm Leopard 1 được sản xuất trước đó. Các thành viên NATO như Bulgaria, Cộng hòa Czech, Croatia, Romania và Slovakia đều muốn triển khai Leopard 2.

Xe tăng Leopard 2. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Xe tăng Leopard 2. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Hiện có khoảng 3.600 chiếc Leopard 2 đã được sản xuất và nâng cấp đều đặn. Loại vũ khí này được trang bị pháo nòng trơn 120 mm và được trang bị động cơ V12 diesel tăng áp kép.

Leopard 2 được đánh giá là tiên tiến hơn đáng kể so với T-72 MBT mà Nga và Ukraine đã triển khai ở khu vực Donbass (phía đông Ukraine).

Theo các chuyên gia, chỉ cần 40 xe tăng do Đức sản xuất cũng đủ để tạo ra lợi thế lớn cho Ukraine, đặc biệt là khi Nga gần đây buộc phải sử dụng những chiếc T-62 MBT cũ hơn để lắp khoản thiếu hụt.

Khả năng NATO gửi xe tăng cho Ukraine rất thấp

Tuy nhiên, theo 19fortyfive, cũng như các chiến đấu cơ tiên tiến, việc phương Tây gửi thêm nhiều loại xe tăng, trong đó có Leopard 2 do Đức thiết kế được coi là “chuyện không thể”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần phản đối việc gửi MBT cho Ukraine với lập luận rằng các phương tiện này có nguy cơ làm leo thang xung đột, và thậm chí đẩy NATO vào cuộc chiến với Nga. Các quan chức Đức cũng bày tỏ lo ngại tương tự về việc viện trợ xe tăng.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra một xe tăng T-72 của Nga. Ảnh: AFP

Binh sĩ Ukraine kiểm tra một xe tăng T-72 của Nga. Ảnh: AFP

Đây không phải là lần đầu tiên xe tăng do Đức sản xuất được đề xuất gửi cho Ukraine.

Vào tháng 6, Tây Ban Nha đã hỏi ý Đức về việc gửi cho Ukraine 40 xe tăng Leopard 2A4 (do quân đội Tây Đức sản xuất). Kết quả là Đức đã chặn vụ chuyển nhượng và Tây Ban Nha đã buộc phải gửi lời xin lỗi đến văn phòng của thủ tướng Đức.

Thêm một lý do nữa là những nỗ lực của NATO trong việc trang bị vũ khí cho Ukraine đã làm cạn kiệt các kho dự trữ vũ khí và thậm chí cả thiết bị của liên minh. Vào tháng 4, Ba Lan được cho là đã gửi ít nhất 240 xe tăng từ thời Liên Xô (tương đương hai lữ đoàn xe tăng) để giúp Kiev.

Suốt hơn 7 tháng nay, Ukraine nhận được hàng tấn hỗ trợ quân sự từ phương Tây, bao gồm hàng tỉ đô la vũ khí và các khoản viện trợ khác từ Mỹ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Ukraine cũng đang nhận được rất nhiều vũ khí từ Nga, theo tờ The Wall Street Journal.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức hàng đầu của Nga nhiều lần phản đối việc phương Tây gửi vũ khí cho Ukraine. Moscow cảnh báo việc viện trợ vũ khí cho Kiev có thể khiến xung đột leo thang và lan rộng.

Tuy nhiên, trước các đòn phản công của lực lượng Ukraine ở phía đông bắc và phía nam, lính Nga rút lui và bỏ lại nhiều vũ khí, trang thiết bị và đạn dược.

Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin tình báo cho biết việc Ukraine thu được nhiều vũ khí của Nga đã biến Moscow thành nhà cung cấp vũ khí hạng nặng lớn nhất của Kiev.

Theo thông tin từ Wall Street Journal, trong số vũ khí bị bỏ lại có xe tăng và các loại áo giáp, pháo và nhiều loại súng cầm tay khác nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm