Dẹp nạn “chặt chém” ở sân bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản khuyến cáo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng vị thế độc quyền tại khu vực cảng hàng không để nâng giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý gây phiền hà cho hành khách. Nhiều bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề này.

Chấn chỉnh là hợp lý

Cách đây mấy ngày, tôi và nhóm bạn đi công tác nhưng chuyến bay bị hoãn (trễ chuyến) nên phải ngồi lại ở một quán cà phê trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất giết thời gian. Đồ uống ở đây đều có giá 60.000-100.000 đồng/món, đặc biệt một chai nước suối có giá 60.000 đồng. Giá này là quá cao bởi ở bên ngoài, các tiệm chỉ bán tầm 15.000 đồng.

Qua khảo sát thì tôi thấy các thức ăn khác như phở, mì bò cũng đội giá lên đến gần 80.000 đồng/tô... Một số sân bay khác như ở Huế tình trạng cũng tương tự, một tô mì gói hộp, không thịt gì cũng giá khoảng 40.000 đồng cộng thêm một ly cà phê sữa rất bình thường cũng ngót nghét cả 100.000 đồng…

Dẹp nạn “chặt chém” ở sân bay ảnh 1

Giá dịch vụ ăn uống tại sân bay cao vừa phải mới thu hút được nhiều hành khách. (Ảnh chụp ngày 25-6). Ảnh: HTD

Có thể thấy ngay rằng dịch vụ ăn uống ở trong sân bay cao gấp 3-4 lần so với ở ngoài. Vẫn biết dịch vụ ở sân bay có giá cao vì phải trả nhiều chi phí. Tuy nhiên, không thể vì thế mà các đơn vị kinh doanh đẩy giá, bắt chẹt khách hàng. Cần phải chấn chỉnh ngay vấn đề này để khách hàng không bị trả một khoản tiền dịch vụ không hợp lý.

An Nhiên

Cao hơn bên ngoài một chút thì được

Tôi là nhân viên một cửa hàng thức ăn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Tình hình buôn bán ở đây ngày càng ế ẩm, vắng khách vì giá quá cao. Mỗi lần mua hàng xong, khách đều lắc đầu hoặc có những người còn than phiền “bán gì cắt cổ vậy”. Nghe những lời đó tôi rất buồn nhưng đây là giá quy định của đơn vị quản lý nên phải chịu. Cảm nhận của tôi là giá các mặt hàng “trên trời”, làm sao mà hành khách không khỏi bức xúc. Chai nước khoáng ở ngoài bán chỉ vài ngàn đồng vậy mà khi đưa vào đây bán gần gấp 10 lần, các mặt hàng thức ăn cũng vậy. Với tình hình như vậy, bất đắc dĩ lắm hàng khách mới mua. Là nhân viên bán hàng, tôi chỉ mong muốn cửa hàng của tôi hạ giá thành xuống để có nhiều khách hàng đến mua và cả người mua lẫn người bán đều vui vẻ. Giá bán có cao thì cũng chỉ nên nhỉnh hơn bên ngoài một chút mà thôi.

HẠ TRẦN (Phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM)

Cửa hàng phải tự điều chỉnh

Em tôi cũng là nạn nhân khi phải mua đồ ăn ở sân bay vì đói quá, nhịn không được. Nếu ăn ở bên ngoài thì giá tô mì gói, ly nước cam cũng khoảng 50.000 đồng nhưng em tôi bị nổ đom đóm mắt do phải trả tới gần 300.000 đồng. Chuyện đã lỡ nên em tôi đành bấm bụng móc tiền trả nhưng ấm ức mãi.

Thiết nghĩ dịch vụ ở sân bay có cao cấp hơn những chỗ khác nhưng không vì thế mà đưa ra giá trên trời. Đành rằng khách đi máy bay thì có tiền nhưng đâu phải vì vậy mà muốn bán sao thì bán. Em tôi giờ rút ra kinh nghiệm đi đâu thì cứ chuẩn bị thức ăn, khỏi phải mua bán gì cho mệt. Nhưng nếu ai cũng như em tôi vì bị sự cố mua đắt như trên mà chuẩn bị thức ăn từ ở nhà thì các cửa hàng ở sân bay chỉ có nước dẹp tiệm. Các cửa hàng dịch vụ nên tự xem xét lại mình để đưa ra giá cả hợp lý.

nguyenkhacvinhtp_23886@...

Sẽ rà soát lại dịch vụ tại các sân bay

Ngày 25-6, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị quản lý toàn bộ các cảng hàng không ở Việt Nam) cho biết đơn vị đang rà soát lại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại sân bay để có biện pháp chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, phục vụ tốt cho khách hàng. Tuy nhiên, vị này phân tích: “Mọi người đừng nên so sánh mặt hàng a b c… gì đó sẽ được bán với giá gần bằng nhau ở nhiều địa điểm khác nhau. So sánh như vậy là không hợp lý. Vì rõ ràng khi chất lượng phục vụ tốt hơn thì giá thành có thể có chênh lệch. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận mức giá khác biệt đó phải nằm trong mức độ mà thị trường có thể chấp nhận được, nếu quá cách biệt thì bất hợp lý”.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm