Tin văn phòng đại diện chui, mất tiền tỉ

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tùng Vân, ngụ huyện Đức Hòa, Long An trình bày khoảng tháng 10-2015, được người quen giới thiệu, ông biết đến Tập đoàn Tài chính Saxon là một kênh đầu tư tài chính đa quốc gia. Bà Phạm Thị Bích Đào là người kêu gọi ông đầu tư vào.

Hơn 6 tỉ đồng “ra đi”

Ông Vân cho biết khi tiếp xúc với ông, bà Đào xưng là trưởng đại diện Văn phòng đại diện (VPĐD) Saxon Capital Group tại Việt Nam, có văn phòng tại 242 Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM. Bà Đào cho biết mỗi gói đầu tư khoảng 1,3 tỉ đồng; khách hàng chuyển tiền vào hệ thống sẽ được cấp một địa chỉ ID và được quản lý tài khoản do công ty mẹ ở nước ngoài cung cấp. Đầu tư trong vòng một năm thì khách hàng sẽ được lợi nhuận gấp ba lần, số tiền đầu tư và lợi nhuận sẽ được chia làm bốn phần. Ba phần khách hàng nhận tiền mặt chuyển qua ATM, số tiền còn lại sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu, cổ phiếu lên ắt sẽ có thêm lợi nhuận.

“Tôi đồng ý tham gia kênh đầu tư này, vài ngày sau đó bà Đào cho người đại diện là bà Lê Thị Hoài Thương nhận 1,27 tỉ đồng của tôi (tôi cử người đến trao tiền). Ngày 26-10-2015, tôi tiếp tục trao cho bà Đào 3,81 tỉ đồng. Ngày 27-10-2015, bà Đào nhận thêm 1,27 tỉ đồng. Qua ba lần giao nhận tiền, bà Đào đã nhận của tôi tổng cộng 6,35 tỉ đồng. Mỗi lần giao dịch, bà Đào chỉ ghi giấy giao nhận tiền viết tay. Tôi được bà Đào cung cấp năm tài khoản, khi mở lên thì thấy hằng ngày được cộng thêm 8 triệu đồng, hai tuần thì tôi được rút tiền. Một điều lạ là khi tôi đến ngân hàng rút tiền thì không rút được, phải gọi điện thoại cho bà Đào thì giao dịch mới thực hiện được. Tôi rút được khoảng 1,6 tỉ đồng thì hệ thống thông báo tiền không vào tài khoản nữa. Tôi hỏi thì bà Đào nói bị công ty mẹ ở Mỹ lừa mất hết tiền. Bà Đào còn nói nếu thưa kiện thì qua Mỹ mà thưa kiện, bà không có trách nhiệm gì đối với số tiền của tôi”.

Với những thông tin mà ông Vân cung cấp, PV lướt qua các trang web để tìm hiểu về Tập đoàn Saxon Capital Group. Nhiều trang web, báo mạng đã đưa thông tin về buổi lễ khai trương văn phòng này vào ngày 4-11-2015 tại 242 Cống Quỳnh, quận 1 cùng lời giới thiệu hoành tráng. Theo thông tin trên mạng, Tập đoàn Saxon Capital được thành lập năm 1983 và được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ năm 2003. Tập đoàn này là một trong những tập đoàn đứng đầu thị trường trong việc quản lý quỹ… Các trang này cũng đăng ảnh bà Đào là trưởng VPĐD chụp ảnh lưu niệm với CEO và thành viên của Saxon, tiếp đón khách tham dự và nhận ủy quyền tư vấn của Saxon Capital Group.

Bà Phạm Thị Bích Đào  (thứ hai từ trái sang) trong buổi khai trương Văn phòng đại diện Saxon. Ảnh: Internet

Trưởng văn phòng vô can?

Tiếp xúc với PV, bà Phạm Thị Bích Đào cho biết: Khi Saxon về Việt Nam, bà là người tiếp nhận và giữ vị trí trưởng VPĐD, trực tiếp tư vấn về quỹ Saxon. Lúc tiếp nhận, công ty mẹ ở Mỹ có gửi kinh phí để thực hiện các thủ tục xin giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, do công ty không đáp ứng được các yêu cầu thủ tục cấp phép nên sau hai tháng hoạt động, văn phòng đóng cửa.

“Khi tư vấn, tôi chỉ hướng dẫn khách hàng nên đầu tư cái gì, khi đầu tư thì được lợi gì. Nếu khách hàng đồng ý thì nộp tiền cho công ty mẹ ở Mỹ. Thời điểm tôi tư vấn, lúc nào cũng có người nước ngoài túc trực ở văn phòng để hỗ trợ khách hàng cách đầu tư. Trường hợp của ông Vân, do ông không biết chuyển tiền nên tôi chuyển giùm. Hiện nay, tôi cũng là người bị hại và đang gửi đơn đến FBI để kiện Saxon bên Mỹ. Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã tiếp nhận vụ việc này” - bà Đào nói.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết hiện chưa nhận được đơn của người dân và cũng chưa có thông tin nào tố cáo bị lừa đảo liên quan tập đoàn nói trên.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho biết mô hình kêu gọi đầu tư tài chính, kiếm hoa hồng cao... rồi “sập tiệm” đã được cảnh báo rất nhiều nhưng người dân vì quá ham lợi nhuận nên đã không chú ý kiểm tra thông tin, ít nhất là xác minh thông tin về giấy phép của bên kêu gọi đầu tư, giá trị pháp lý của các giao dịch và tài khoản nộp tiền đầu tư. Khi cớ sự xảy ra, người tham gia rất khó truy ra các bằng chứng về nội dung tư vấn, giao dịch, chứng cứ nộp tiền... nên gặp nhiều bất lợi khi muốn đòi lại quyền lợi.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật:

Hoạt động không phép, không thể vô can

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Thương mại, VPĐD của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép. Như vậy, khi chưa được cấp phép, thương nhân nước ngoài không có quyền thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động của VPĐD tại Việt Nam.

Việc khai trương rầm rộ, hoạt động khi chưa được cấp phép là trái luật và danh nghĩa “VPĐD” trong trường hợp này là hoàn toàn vô giá trị.

Người đứng đầu “văn phòng” đã sử dụng danh nghĩa VPĐD để lôi kéo khách hàng gửi tiền. Việc kêu gọi gửi tiền có nhiều điểm tương đồng với hình thức bán hàng đa cấp bất chính, lôi kéo khách hàng gửi tiền dưới hình thức đầu tư để kiếm lời với sự hứa hẹn sẽ nhận lợi nhuận về gấp 2-3 lần... Rõ ràng bà “trưởng VPĐD” không thể vô can trong vụ việc này, bởi bà ấy biết rõ là chưa có giấy phép VPĐD nhưng vẫn tiến hành các hoạt động quảng bá rầm rộ, hoạt động đến hai tháng. Bà Đào là mắt xích rất quan trọng trong các hoạt động tư vấn, hướng dẫn đầu tư, làm trung gian kết nối giao dịch và nhận-nộp tiền, bởi nếu không có vai trò của bà Đào cùng sự ra mắt hoành tráng của VPĐD thì các nhà đầu tư không thể tin tưởng mà nộp tiền.

Thực sự Saxon Capital Group đầu tư tại Việt Nam, hay chỉ bị mượn danh nghĩa? Với các thông tin của bài báo, có cơ sở xác định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS. Tuy nhiên, để chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì cần làm rõ các hành vi liên quan và dấu hiệu gian dối để nạn nhân tin rằng tổ chức đó là thật mà nộp tiền, dẫn đến bị chiếm đoạt.

Theo tra cứu của chúng tôi Sở Công Thương TP.HCM là đơn vị quản lý VPĐD nhưng không có VPĐD nào tên Saxon, cũng không có trưởng đại diện nào tên Phạm Thị Bích Đào trong danh bạ quản lý.

Ngoài Sở công Thương thì Ngân hàng Nhà nước cũng quản lý các VPĐD của các ngân hàng, tổ chức tài chính nhưng cũng không có tên VPĐD Saxon Capital hay Tập đoàn Tài chính Saxon hoạt động tại Việt Nam.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm