Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton dự kiến sẽ có mặt tại Nga ngày 27-6 (giờ Nga) bàn khả năng tổ chức thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Người gặp gỡ và bàn bạc với ông Bolton bên Nga sẽ là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, theo Reuters. Điện Kremlin ngày 26-6 không xác nhận cũng không bác khả năng ông Bolton sẽ được ông Putin tiếp.
Ông Bolton - được cho là người có quan điểm cứng rắn với Nga - dự kiến sẽ có cuộc họp báo sau các cuộc gặp với phía Nga và có thể sẽ thông báo địa điểm, thời gian tổ chức thượng đỉnh.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sang Mỹ bàn thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS
Điện Kremlin ngày 26-6 cho biết Nga muốn bàn về an ninh và ổn định quốc tế, giải trừ vũ khí, các vấn đề khu vực và quan hệ song phương với Mỹ trong cuộc gặp thượng đỉnh.
Kế hoạch nếu suôn sẻ thì thượng đỉnh Trump-Putin dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 7, sau khi ông Trump tham dự thượng đỉnh NATO ở Bỉ (ngày 11 và 12-7) và thăm Anh (ngày 13-7).
Theo nguồn tin Politico, Nhà Trắng đang để mở lịch ba ngày sau các chuyến công du của ông Trump đến Bỉ và Anh, có khả năng thượng đỉnh Trump-Putin sẽ diễn ra trong thời gian này.
Vẫn chưa rõ địa điểm tổ chức. Vài hôm trước có thông tin hai bên đang cân nhắc chọn thủ đô Vienna (Áo) nhưng Politico ngày 26-6 dẫn một nguồn tin biết rõ về tiến trình lên kế hoạch thượng đỉnh phía Mỹ cho biết lựa chọn Vienna đã bị bác và lựa chọn hàng đầu bây giờ là thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Phần Lan là nước trung lập giữa Nga và Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh, không phải là thành viên NATO, có biên giới với Nga. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto có quan hệ tốt với ông Putin. Năm ngoái ông Niinisto cũng từng đề nghị tổ chức thượng đỉnh Trump-Putin nhưng chưa thành công.
Helsinki cũng có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Mỹ-Nga. Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng sang Helsinki năm 1975 để ký hiệp định Helsinki cải thiện quan hệ với Liên bang Xô Viết. Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) từng gặp Tổng thống Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev ở Helsinki năm 1990.
Hơn nữa, Helsinki còn đủ gần Nga để ông Putin có thể trở về kịp trận chung kết FIFA World Cup 2018 vào ngày 15-7.
Hai ông Putin (trái) và Trump (phải) có thể sẽ gặp thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) vào giữa tháng 7. Ảnh: POLITICO
Cuối tuần rồi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông hy vọng chuyến thăm Nga của ông Bolton sẽ dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh “trong tương lai không quá xa”.
Chưa rõ thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin có diễn ra hay không, khi quan hệ Mỹ-Nga thời gian qua ở mức xấu nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh, với các bất đồng về Syria, Ukraine, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cáo buộc Nga đầu độc cha con cựu điệp viên Nga ở Anh.
Theo Reuters, nếu có diễn ra thì kết quả cũng sẽ không lạc quan. Dù ông Trump trước khi thắng cử tổng thống có nói muốn cải thiện quan hệ với Nga và hai lãnh đạo sau đó cũng có nhiều phát ngôn tích cực về nhau. Tháng 3 vừa rồi ông Trump đã điện thoại chúc mừng ông Putin tái đắc cử tổng thống và nói hai ông sẽ sớm gặp nhau.
Reuters lo ngại thượng đỉnh Trump-Putin nếu diễn ra khả năng lớn sẽ gây khó chịu cho phương Tây, chẳng hạn Anh đang muốn cô lập Nga. Thượng đỉnh này cũng sẽ gặp phản ứng tiêu cực từ nhiều nhà chỉ trích trong và ngoài nước Mỹ, vốn bi quan về cam kết của ông Trump với NATO và lo ngại với ý định cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Ông Trump gần đây rút Mỹ khỏi tuyên bố chung G7 liên quan bất đồng chính sách thương mại, chỉ trích chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Trump còn đề nghị G7 tái kết nạp lại Nga nhưng bị Thủ tướng Anh Theresa May bác bỏ thẳng thừng. Bản thân ông Bolton cũng lên tiếng chỉ trích châu Âu coi Mỹ như “ngân hàng của mình”.
Trước khi sang Nga ông Bolton đã dừng chân ở Anh và Ý để tham vấn với các đồng minh về cuộc thượng đỉnh Trump-Putin dự kiến, khi nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại ông Trump sẽ có nhượng bộ đáng tiếc với ông Putin.
Daily Brief cũng nhận định khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ còn rộng hơn khi ông Trump đưa tay về phía ông Putin. Tuy nhiên, cũng theo Daily Brief, điều này cũng không đáng lo lắm, khi các mục tiêu bàn bạc hai bên chỉ mang tính bề ngoài. Thậm chí nếu ông Trump có thỏa hiệp với ông Putin về Syria hay Ukraine thì cũng không chắc sẽ làm được vì còn vướng cửa quốc hội Mỹ vốn có không ít nhân vật chống Nga.