Hãng tin CNN hôm qua (3-12) cho biết dù Mỹ lẫn Trung Quốc (TQ) đều tuyên bố cuộc gặp song phương bên lề Thượng đỉnh G20 “rất thành công”, nhưng có những khác biệt trong cách diễn đạt giữa Washington và Bắc Kinh về thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp TQ Tập Cận Bình. Điều này sẽ dẫn đến rắc rối trong thời gian hai bên đàm phán tìm kiếm “thỏa thuận hòa bình”, chấm dứt xung đột thương mại.
Bốn điểm “bất nhất” trong tuyên bố Mỹ-TQ
Thứ nhất, chính quyền Trump nói rõ hai bên có 90 ngày để đàm phán. Ông Trump từng tuyên bố từ ngày 1-1-2019 sẽ gia tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng hóa TQ. Như vậy, thỏa thuận Argentina chỉ tạo thêm thời gian cho Mỹ, TQ đàm phán và Mỹ khẳng định nếu đàm phán không thành công thì lệnh đánh thuế 25% vẫn sẽ được áp dụng.
Trong khi đó, thay vì xác nhận điều này, Bắc Kinh lại tuyên bố Mỹ và TQ đồng ý sẽ ngưng đánh thuế mới. “Các bên đã đồng ý không áp dụng mức thuế mới bổ sung” - Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói. Giới quan sát đặt câu hỏi liệu TQ cố tình tránh né đề cập tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ sau 90 ngày, hay Bắc Kinh không hiểu ý định của Washington.
Thứ hai, Mỹ tuyên bố TQ đã đồng ý tiếp tục mua nông sản Mỹ, thậm chí là các loại sản phẩm hàng hóa khác từ Mỹ ngay lập tức với số lượng đáng kể. “TQ sẽ mua nông sản, năng lượng, sản phẩm ngành công nghiệp và các ngành sản xuất khác của Mỹ nhằm giảm bất cân đối thương mại giữa hai nước” - Washington tuyên bố. Trong khi đó, phía TQ không đề cập đến vấn đề nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Bắc Kinh chỉ tuyên bố chung chung rằng Mỹ và TQ muốn đặt một thỏa thuận mà đôi bên cùng có lợi. Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Sức mạnh TQ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (SCIS), cho rằng điều này cho thấy dường như Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn nói với người dân TQ rằng ông ấy đang nhượng bộ Mỹ.
Thứ ba, chưa rõ ràng số phận thương vụ tỉ đô Qualcomm-NXP. Sau cuộc gặp Trump-Tập tại Argentina vừa qua, Nhà Trắng nói rằng: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố ông ấy sẽ xem xét khả năng phê duyệt thương vụ Qualcomm-NXP nếu nó được trình lên ông ấy một lần nữa”. Dù vậy, phía TQ vẫn không đề cập đến “lời hứa” này. Qualcomm cũng chưa đưa ra bình luận.
Cuối cùng, có thể thấy TQ đang kỳ vọng cuộc chiến thương mại sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc trong vòng 90 ngày đàm phán tới. “Cả hai nhà lãnh đạo đã lệnh cho các phái đoàn kinh tế của mỗi bên tham gia vào quá trình đàm phán nhằm hướng tới việc xóa bỏ tất cả khoản thuế bổ sung, đồng thời đạt được một thỏa thuận cụ thể mà đôi bên cùng có lợi” - Tân Hoa Xã dẫn lời chính phủ TQ.
Hiện nay, xung đột với Mỹ góp phần vào sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của TQ khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách tháo chạy khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới. “Tôi nghĩ TQ đang hy vọng các yếu tố chính trị và kinh tế sẽ cùng nhau góp phần vào việc thuyết phục chính quyền Trump nhượng bộ ở một mức độ nào đó mà phía Bắc Kinh có thể đáp ứng một số yêu cầu của Washington” - bà Glaser nói.
Tuy nhiên, Mỹ không đề cập đến vấn đề kết thúc việc đánh thuế. Ông Trump dù rất phấn khởi về kết quả cuộc gặp với ông Tập nhưng chỉ tuyên bố thuế áp đặt hàng TQ sẽ được giữ nguyên (mà không tăng như dự tính). “Tổng thống Trump đồng ý vào ngày 1-1-2019 ông ấy sẽ vẫn chỉ giữ mức thuế 10% với 200 tỉ USD hàng hóa TQ” - Washington tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump (phải) gặp Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Argentina. Ảnh: REUTERS
Cuộc chiến dài vẫn còn đó
Dù cả Mỹ và TQ dùng những lời “có cánh” cho nhau sau cuộc gặp Trump-Tập tại Argentina nhưng cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn tiếp diễn. Theo CNN, ba tháng tiếp theo sẽ là thời gian Mỹ xem xét Bắc Kinh đã chuẩn bị gì cho việc thỏa hiệp với Washington. Về phía TQ, nước này sẽ phải xem xét lại chiến lược đàm phán của mình với Mỹ khi thời gian đang trôi qua rất nhanh và “những cuộc đàm phán song phương sẽ được diễn ra ngay lập tức”.
Có rất nhiều vấn đề trong thỏa thuận Trump-Tập có thể gây hiểu lầm. Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn về kết quả của những cuộc đàm phán tới đây. Chuyên gia BONNIE GLASER, Giám đốc dự án Sức mạnh TQ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (SCIS) |
Theo đánh giá của CNN, chiến lược tiếp cận chiến tranh thương mại của TQ với Mỹ thời gian qua có hai điểm chính. Thứ nhất, TQ thực hiện chính sách trả đũa có chọn lọc, nhằm vào các thành phần yếu thế của Mỹ (đặc biệt là nông dân Mỹ và doanh nghiệp Mỹ đang phụ thuộc vào thị trường TQ) nhưng lại có quyền lực trong việc quyết định lá phiếu ủng hộ ông Trump. Bắc Kinh tận dụng sự phân nhánh trong nền chính trị Mỹ để một phần tấn công (bằng thuế và các rào cản phi thuế quan), một phần tuyên truyền đến họ rằng cuộc chiến thương mại là do ông Trump tạo ra. Thứ hai, TQ đồng thời đưa ra “củ cà rốt” khi bày tỏ thiện ý tăng nhập khẩu hàng Mỹ để giảm mất cân bằng thương mại. “Bắc Kinh đã tính toán sai lầm” - CNN viết.
Tổng thống Trump dường như rất tin tưởng vào khả năng Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại khi chính TQ mới là bên cần thị trường Mỹ để xuất khẩu hơn là chiều ngược lại. Washington mở rộng phạm vi tấn công Bắc Kinh, không chỉ thương mại mà còn kế hoạch “Made in China 2025” - một chiến lược tự sản xuất và thống trị thị trường sản xuất hàng hóa thế giới. Mỹ cũng cáo buộc TQ đánh cắp tài sản trí tuệ hay cưỡng ép chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp Mỹ.
Rõ ràng cho đến nay, Tổng thống Trump chưa thể hiện ý định dừng lại cho đến khi Mỹ đạt được một lợi ích cụ thể và thuyết phục trước TQ, đặc biệt khi Bắc Kinh chịu thiệt hại nặng và có xu hướng hòa hoãn. Trong quyển sách The Art of the Deal (tạm dịch: “Nghệ thuật Thương thuyết” được xuất bản năm 1987, ông Trump viết: “Phong cách thương thuyết của tôi rất đơn giản và mạch lạc. Tôi đặt mục tiêu rất cao và sau đó sẽ nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực cho đến khi đạt được điều tôi muốn”.
Dù những lợi thế hiện nay của ông Trump trước TQ chỉ mang tính chiến thuật và tạm thời và chưa rõ liệu ông Trump muốn xóa bỏ sự phụ thuộc của doanh nghiệp Mỹ với TQ hay đơn giản là làm giảm thâm hụt thương mại nhưng khả năng TQ có thể “trở lại bình thường” với Mỹ trong 90 ngày tới là điều rất khó. Thậm chí một viễn cảnh tồi tệ hơn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ có thể tiếp diễn.
Thương vụ tỉ đô Qualcomm-NXP Nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ từng có kế hoạch mua lại hãng sản xuất chip của Hà Lan NXP vào năm 2016. Thương vụ 44 tỉ USD này cần phải được chín thể chế, trong đó có Hàn Quốc, Liên minh châu Âu và không thể thiếu TQ, phê duyệt. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-TQ gia tăng trong năm qua, Bắc Kinh trì hoãn việc phê duyệt khiến Qualcomm từ bỏ kế hoạch, chấp nhận bồi thường 2 tỉ USD cho NXP, đồng thời chi tới 30 tỉ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình. |