New York Times ngày 9-10 dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao cho biết nhà chức trách nước này kết luận nhà báo Jamal Khashoggi (người Saudi Arabia) đã bị sát hại trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ nhà báo Khashoggi mất tích.
Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ khám xét lãnh sự quán
Nhà báo Khashoggi, 59 tuổi, được nhìn thấy lần cuối một tuần trước, khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia qua cửa chính để lấy giấy tờ liên quan cuộc hôn nhân sắp đến của mình. Vị hôn thê của ông chờ ở bên ngoài, nói rằng không thấy ông trở ra.
Thời điểm đó, hai nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng nhà chức trách nước này tin nhà báo Khashoggi, vốn chỉ trích mạnh các quan điểm của chính phủ Saudi Arabia, đã bị giết bên trong lãnh sự quán.
Hình ảnh chụp từ máy quay an ninh cho thấy nhà báo Jamal Khashoggi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10. Ảnh: REUTERS
Phần mình, Saudi Arabia bác bỏ chuyện giết hay bắt cóc nhà báo Khashoggi và cho rằng đây là cáo buộc vô căn cứ, đồng thời khẳng định nhà báo Khashoggi có vào lãnh sự quán nhưng đã rời đi bằng một cửa khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan ngày 8-10 yêu cầu Saudi Arabia chứng minh lời nói nhà báo Khashoggi đã rời lãnh sự quán.
Theo hãng tin nhà nước Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 9-10, Saudi Arabia đã mời các chuyên gia và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vào khám xét lãnh sự quán. Và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày tuyên bố sẽ vào lãnh sự quán Saudi Arabia tìm nhà báo Khashoggi.
Cũng theo Anadolu, một máy bay tư nhân bay từ Saudi Arabia đến sân bay Ataturk ở Istanbul đã bị khám xét ngày 2-10, ngày nhà báo Khashoggi mất tích. Khám xét không có kết quả và chiếc máy bay đã cất cánh rời Thổ Nhĩ Kỳ sau đó.
Quan chức ra vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 9-10. Ảnh: REUTERS
Mỹ khó xử giữa hai đồng minh
Vụ nhà báo Khashoggi làm xấu thêm quan hệ vốn đã không được tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến Qatar năm ngoái. Qatar đang bị Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh phong tỏa. Không chỉ thế, vụ việc cũng đẩy Mỹ vào tình huống khó xử khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều là đồng minh của Mỹ.
Nhà báo Khashoggi là gương mặt thân thuộc với các cuộc đối thoại chính trị trên các kênh truyền hình vệ tinh Ả Rập. Ông rời Saudi Arabia sang Mỹ năm ngoái vì lo sợ bị trừng phạt khi chỉ trích chính sách nước này với cuộc chiến Yemen cũng như đối xử với thành phần chống đối, theo Reuters. Trong khoảng một năm nay, ông có nhiều bài viết trên Washington Post.
Các nhà hoạt động nhân quyền cầm ảnh nhà báo Jamal Khashoggi biểu tình trước lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 9-10. Ảnh: REUTERS
Trong một bài viết trên Washington Post, hôn thê của nhà báo Khashoggi, bà Hatice Cengiz, van xin Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump “giúp soi ánh sáng vào sự mất tích” của nhà báo Khashoggi.
Ngày 9-10, ông Trump nói ông không biết chi tiết chuyện nhà báo Khashoggi mất tích. Ông cũng cho hay có kế hoạch nói chuyện với phía Saudi Arabia về vụ này, nhưng không nói cụ thể.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói không có thông tin chuyện gì đã xảy ra với nhà báo Khashoggi cũng như không biết ông còn sống hay đã chết.
“Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với ông ấy. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào về việc này. Chúng tôi không muốn đưa ra bất kỳ phán xét nào về chuyện đã xảy ra” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với báo chí ngày 9-10.