Chiến dịch đóng cửa Bangkok: Suthep Thaugsuban là ai?

Tổng thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân Suthep Thaugsuban, 64 tuổi là người gốc tỉnh Surat Thani (miền Nam Thái Lan). Từ hai tháng qua ông đã gây náo loạn chính trường Thái Lan mà cao điểm là chiến dịch biểu tình đóng cửa Bangkok khởi động từ ngày 13-1.

Nhà chính trị gây nhiều tranh cãi

Đài Truyền thanh Úc dẫn lời chuyên gia Nicholas Farrelly ở ĐH Quốc gia Úc ghi nhận lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban là nhà chính trị kỳ cựu được người dân miền Nam Thái Lan ủng hộ mạnh mẽ nhưng cũng là nhân vật gây tranh cãi.

Ông là một trong các nhà vận động mạnh mẽ nhất của đảng Dân chủ. Ông tuyên bố trung thành với hoàng gia và thúc đẩy ảnh hưởng của hoàng gia trong xã hội. Ông luôn tìm cách áp đặt một nền chính trị bảo vệ quyền lợi của tầng lớp thượng lưu.

Vì những lý do đó, ông trở thành nhân vật mà nhiều lực lượng trong xã hội ngóng chờ khi tình hình chính trị trở nên căng thẳng. Nhân cơ hội dư luận phản đối dự luật ân xá (có thể mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước), ông Suthep Thaugsuban đã xuất hiện và lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ.

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Nicholas Farrelly nhận định trong sự nghiệp chính trị mang nhiều tai tiếng, ông Suthep Thaugsuban đã tạo ra vô số kẻ thù và ông cũng được xem là người sẵn sàng sử dụng đòn bẩn trên chính trường.

Theo tiết lộ của trang web Wikileaks, một bức điện tín của đại sứ quán Mỹ tại Bangkok vào năm 2008, nhận định đảng Dân chủ Thái Lan thường dựa vào ông Suthep Thaugsuban để thực hiện các đòn chính trị bẩn thỉu.

Bức điện tín có đoạn: “Một vài thành viên đảng Dân chủ đã phàn nàn với chúng tôi (đại sứ quán Mỹ) rằng ông ta có dính líu đến hành vi vô đạo đức và tham nhũng. Trong khi ông Abhisit Vejjajiva (Chủ tịch đảng Dân chủ) thể hiện là một nhà trí thức có đạo đức thì ông Suthep Thaugsuban lại là kẻ dàn xếp ở hậu trường của đảng Dân chủ”.

Patrick Winn là nhà báo kỳ cựu của hãng tin Global Post (Mỹ) thường trú tại Bangkok. Patrick Winn nhìn nhận ông Suthep Thaugsuban là nhân vật gây nhiều tranh cãi vì dám vận động lật đổ một chính quyền dân cử và tự cho mình cái quyền thành lập một hội đồng nhân dân không qua bầu cử.

Trò đấu đá chính trị

Nhà báo Patrick Winn nhận định cuộc vận động chống tham nhũng do ông Suthep Thaugsuban phát động chẳng qua là cuộc chiến chống lại mạng lưới chính trị kình địch do gia tộc Shinawatra lãnh đạo và giành thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử hơn một thập niên qua.

Nền tảng quyền lực của gia tộc Shinawatra chủ yếu dựa vào tầng lớp nông dân. Tình trạng này trái ngược với nền tảng quyền lực truyền thống ở Bangkok bao gồm các dòng tộc trung lưu, quý tộc và hoàng gia.

Tầng lớp trung lưu thành thị thường nghĩ rằng nhường quyền lực cho tầng lớp có giáo dục thấp kém ở các tỉnh sẽ đẩy đất nước vào tình trạng quản lý tồi tệ. Do đó, sự ủng hộ dành cho ông Suthep Thaugsuban phụ thuộc vào động thái kích động suy nghĩ này.

Hiện tượng này từng được chuyên gia Sunai Phasuk của tổ chức giám sát nhân quyền (Mỹ) giải thích như sau:

“Các nhà lãnh đạo biểu tình (Thái Lan) sử dụng các khẩu hiệu đối đầu mang tính chủ nghĩa dân tộc để kích động tinh thần những người biểu tình. Tuy nhiên, họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả trực tiếp nào. Trong hầu hết cuộc đối đầu (trên đường phố), họ đều thoát thân an toàn… Thực tế này rất khác với những người biểu tình bị sát hại, bị thương tật hay bị tàn phế…”.

Nhà báo Patrick Winn cũng đưa ra nhận định tương tự rằng từ nay đến đầu năm 2015, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban sẽ không phải vướng vòng tù tội.

Patrick Winn ghi nhận các nhà lãnh đạo biểu tình ở Thái Lan cho dù bị buộc tội khủng bố hay nổi loạn đều có cách thoát khỏi án tù hoặc ít nhất sẽ được tại ngoại sau thời gian tạm giam ngắn. Ông Suthep Thaugsuban có các mối quan hệ sâu rộng và được nhiều nhân vật có thế lực hậu thuẫn. Chính vì vậy mà ông mới bạo dạn lãnh đạo cuộc biểu tình lật đổ chính phủ.

LÊ LINH

Năm 1992: Đảng Dân chủ giành thắng lợi trong tổng tuyển cử. Chủ tịch đảng Chuan Leekpai lên làm thủ tướng. Lúc bấy giờ ông Suthep Thaugsuban giữ chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Ông đã cấp giấy sở hữu 592 lô đất vùng đồi tại tỉnh Phuket cho 489 nông dân.

Năm 1995: Báo chí phát hiện những người được cấp đất thuộc 11 gia đình giàu có quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Suthep Thaugsuban. Thủ tướng Chuan Leekpai phải giải tán Hạ viện để tránh bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sau đó, đảng Nước Thái thắng cử.

Năm 2005-2013: Ông Suthep Thaugsuban giữ chức tổng thư ký đảng Dân chủ.

Năm 2008-2011: Ông giữ chức phó thủ tướng phụ trách an ninh kiêm giám đốc Trung tâm Giải quyết tình trạng khẩn cấp dưới thời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Năm 2009: Ông từ chức nghị sĩ đảng Dân chủ đại diện tỉnh Surat Thani (được bầu từ năm 1979). Ủy ban Bầu cử quốc gia cáo buộc ông vi phạm hiến pháp vì có cổ phần trong một công ty truyền thông nhận được nhượng quyền của chính phủ.

Tháng 12-2013: Cục Điều tra đặc biệt truy tố cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và ông Suthep Thaugsuban về tội giết người. Theo cáo trạng, năm 2010, ông Suthep Thaugsuban đã ký lệnh cho phép binh sĩ trấn áp phe biểu tình áo đỏ (90 người chết, hơn 2.000 người bị thương).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm