Nhiều người cứ lo lắng cho chất lượng của U-20 Việt Nam, đặc biệt là phần thể lực. Đây là một tập thể may mắn được làm việc cùng êkíp các chuyên gia người Đức, trong đó có những người chuyên về thể lực nên việc chọn điểm rơi có lẽ đã được tính toán kỹ. Nhiều HLV Việt Nam còn ngại rằng với cường độ nhồi thể lực và danh sách chấn thương tăng dần sẽ không còn người để đá World Cup. Nỗi lo này y hệt với thời ông Tavares mới qua Việt Nam dẫn dắt đội tuyển và nhồi thể lực bằng những bài tập vòng tròn với cường độ cao khiến nhịp tim cầu thủ tăng mạnh, đến độ có trợ lý báo cáo cứ tập như thế thì cầu thủ vỡ tim mà chết. Nhưng kết quả là chỉ sau 25 ngày huấn luyện, ông Tavares đã lập hai đội hình Việt Nam 1 và Việt Nam 2 thi đấu Cúp Độc lập và họ khỏe đến độ các cầu thủ chuyên nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc liên tục bị chuột rút mà hai đội hình đấy vẫn chạy ầm ầm.
Bài tập thể lực của các cầu thủ U-20 Việt Nam. Ảnh: QUANG THẮNG
Thể tạng của cầu thủ Việt Nam rất khiêm tốn, thuộc dạng nhỏ người, thấp bé nhất trong 24 đội dự World Cup U-20. Và quan niệm của các chuyên gia là để khắc phục thể hình nhỏ thì phải khỏe, phải bền, phải thông minh. Nhưng thông minh mà không đủ sức hoạt động cường độ cao, áp lực lớn trong suốt 90 phút và thậm chí là 120 phút mỗi trận thì cũng không đáp ứng được yêu cầu cần và đủ.
Nhiều HLV Việt Nam lâu nay hay quen cường độ tập nhẹ và trở thành một sự mặc định hoặc tự đặt ra “giới hạn cuối cùng” của cầu thủ Việt Nam. Thế nên có người thấy U-20 Việt Nam tập nặng và tập nhiều hơn cả các cầu thủ đá V-League thì lo lắng. Thậm chí là phát biểu có tính chất phê phán.
Nếu không đổi mới suy nghĩ thì thật khó nâng tầm các cầu thủ Việt Nam lên cao khi chưa thể khắc phục ngay yếu tố thể hình.
Trước đây các đội tuyển Việt Nam ra sân chơi châu lục là hụt hơi. Họ chạy không nổi cũng vì “khung” tập luyện bị giới hạn theo tư duy hằn qua nhiều thập niên.
Tập nặng, cường độ cao thì phát sinh chấn thương và phải chườm đá nhưng nếu cứ sợ mà không dám đụng đến để nâng tầm thể lực toàn đội thì chẳng còn cách nào khác để nâng cấp trong thời gian ngắn. Nên nhớ bóng đá Nhật Bản hay Hàn Quốc vươn lên tầm cao cũng là vì sức mạnh, sức bền luôn được cấp CLB đẩy lên cực cao và đội tuyển thì càng cao hơn.
Bóng đá chẳng phải như môn võ, phân hạng cân, dù chúng ta thấp dáng nhẹ cân nhưng phải đối mặt với những cầu thủ cao to, khỏe… Và để bớt chênh lệch thì chúng ta phải khỏe, phải bền và thông minh. Không còn cách nào khác là đẩy những bài tập thể lực lên cực nặng mới mong vượt ngưỡng được.
Nói đâu xa, ngay ở vòng bảng khi U-20 Việt Nam gặp các đối thủ Tây Á, họ to cao hơn và lực lưỡng hơn nhưng cầu thủ ta thì nhỏ mà sức bền dẻo dai nên đã tra tấn được và thắng họ trong những thời điểm được xem là vừa có tinh thần ý chí cao vừa thông minh.
Sắp tới, khi gặp phải những đối thủ cao to như Pháp, Honduras, New Zealand…, cho dù họ cũng ở độ tuổi 18, 19 nhưng thể hình và sức mạnh rất cao thì ta phải có những ngón đòn và ít ra là phải khỏe, phải bền bằng hoặc hơn họ thì mới ứng dụng những phần khác vào được.
Phải nhìn vào việc U-20 đẩy cao tần suất các bài thể lực là sự tích cực dẫu có thể gây ra chấn thương. Còn không, vào giải chạy không nổi trong 90 phút thì sẽ không đá được với ai ở sân chơi thế giới.