Bí thư Hà Nội: Đang lên kịch bản đối phó với thảm họa

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 30-10, chia sẻ với báo chí, ông cho biết TP đang lên phương án để đối phó với các rủi ro có thể trở thành thảm họa cho cả TP…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Tuần trước, ông có chủ trì một cuộc họp của Thành ủy, nghe các sở ngành báo cáo về các rủi ro có thể trở thành thảm họa của TP. Vì sao TP chuẩn bị nội dung này, thưa ông?

+ Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Hà Nội là một đô thị lớn, đến năm 2030 dự kiến đạt tới 13 triệu dân. Một đô thị lớn như thế thì các rủi ro rất lớn, mình phải tính, chuẩn bị, thậm chí phổ biến cho người dân vì khi sự việc xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn. Bây giờ mới dự báo, tính trước, xây dựng các phương án. Mục tiêu để các cơ quan vào cuộc, nhận thức được, từ đó xây dựng các phương án, phổ biến cho người dân thậm chí phải diễn tập để ứng phó.

. Vậy Hà Nội nhận diện các thảm họa đó là gì?

+ Các sở, ngành của TP cũng nhận diện nhiều rủi ro lắm. Trước có họp lại, thống nhất giao cho các cơ quan chuẩn bị lại vì các nhận thức rất khác nhau. Trên cơ sở tập thể phân tích, xem cái gì được gọi là thảm họa. Bởi vì đây là lần đầu tiên đầu bài đưa ra nên còn nhiều cách hiểu khác nhau. Phải hiểu như thế nào là thảm hoạ. Kết quả cuộc họp tuần trước là đề các cơ quan, đơn vị chuẩn bị lại, viết lại, rồi tới đây sẽ nghe lại…

. Tình trạng ngập lụt, nguy cơ ùn tắc giao thông, hỏa hoạn, vệ sinh môi trường… mà lãnh đạo TP nhiều lần yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục thời gian qua có được coi là nguy cơ dẫn đến thảm họa không?

+ Hà Nội cũng đề xuất những cái đó nhưng thực tế thấy chưa cần thiết. Ví dụ như đê điều bao giờ cũng có rủi ro nhưng đối với Hà Nội lại là những vấn đề khác. Cụ thể là toàn bộ hệ thống đê điều Hà Nội cũng thiết kế để bảo vệ cho Hà Nội với tần suất 500 năm. Nếu nó vượt tần suất đấy thì lúc đó mới là thảm họa. Chứ vỡ đê Bùi 2 (Chương Mỹ) hay vỡ chỗ nọ, chỗ kia thì không được coi là thảm họa… Lúc đó mình định nghĩa là thảm họa thì lại là nâng vấn đề lên một cách không cần thiết.

Hay giờ Hà Nội đang thiết kế chống ngập cho cơn mưa cường độ 310 mm trong hai ngày. Giờ vượt số đấy thì có được coi là thảm hoạ không? Hay là phải đặt vấn đề khác đi là nếu tình hình mưa cao hơn trận mưa của năm 2008 thì có được gọi là thảm họa không. Năm 2008 ngập toàn bộ Hà Nội, cả nội thành lẫn ngoại thành, suýt nữa thì ngập cả trạm bơm Yên Sở nữa.

Thời gian đó là gần thảm họa. Nếu mình dự báo, nó vượt mức đó coi là thảm họa thì phải có giải pháp, để đầu tư tiếp một hệ thống thoát nước mà nó đáp ứng được  trên 400 mm chứ không phải 310 mm nữa.

Bây giờ anh em cũng đang nghiên cứu, cho nên xác định cái gì là thảm họa phải rất chính xác. Chứ không một TP lớn chỉ một tí thôi là nêu thảm họa thì thành chuyện lớn.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm