ĐB tranh luận với bộ trưởng Công Thương về thủy điện

Sáng 3-11, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình trước Quốc hội về những vấn đề thuộc ngành mình, nhiều ĐB đã đứng lên tranh luận khá thẳng thắn.

Điển hình như ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên). Ông Học theo dõi khá kỹ phần giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về thủy điện, trong đó có hai điểm quan trọng: quá trình đầu tư, vận hành các thủy điện đều đúng pháp luật, đúng quy trình; đời sống người dân các vùng triển khai thủy điện được đảm bảo.

ĐB Nguyễn Thái Học: "Bộ trưởng nói thế là chưa thỏa đáng".

Đứng dậy tranh luận, ông Học nói: “Bộ trưởng khẳng định quá trình đầu tư và vận hành là đúng pháp luật. Nhưng thực tế hiện nay từ việc tích nước, xả lũ của thủy điện, nhiều địa phương nói chưa đúng quy định. Lũ lụt miền Trung đặt ra câu hỏi việc vận hành thủy điện có đúng quy trình và quy định không? Các thủy điện đã làm tốt chức năng cung cấp nước vào mùa khô hạn, tích nước vào mùa mưa để hạn chế lũ lụt chưa?”.

Tương tự thế, ông Học cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói đời sống người dân các vùng triển khai thủy điện, sau khi tái định cư được đảm bảo. Bởi ông Học cho rằng: Quốc hội khóa XIII đã chất vấn nhiều về điều này. Thực tế nhiều nơi số hộ nghèo còn chiếm tới 30%, thậm chí có nơi là 80%.

Ông Học nêu và thẳng thắn: “Bộ trưởng nói thế là chưa thỏa đáng”.

Giải trình với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Thực tế các dự án tái định cư ở thuỷ điện Sơn La, Lai Châu cũng như các dự án thuỷ điện lớn có tác động dân cư đều là các dự án ưu tiên, được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cùng phối hợp khảo sát, thực hiện theo Nghị quyết 26 của Quốc hội. Mới đây Bộ Công thương đã thừa uỷ quyền của Chính phủ báo cáo đầy đủ nội dung chi tiết liên quan đến vấn đề thuỷ điện”.

Trước phản ánh một số dự án thuỷ điện vừa qua đã không tuân thủ quy trình vận hành, xả lũ, gây thiệt hại cho vùng hạ du, người đứng đầu ngành công thương khẳng định "thuỷ điện cũng là lĩnh vực cơ quan này cố gắng đảm bảo lợi ích của nhân dân, sự phát triển hài hoà của xã hội, nhất là các vùng bị tác động".

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tán đồng một số điểm sáng mà bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra, nhất là việc công bố những địa chỉ, công trình, dự án đang “trùm mền đắp chiếu”.

ĐB Nghĩa đề nghị Bộ trưởng phải lập danh mục những dự án này, bởi những thiệt hại từ những dự án này là rất lớn, trong khi vùng sâu, vùng xa đang rất cần vốn để phát triển.

Ngoài ra, ĐB Nghĩa cũng đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem xét lại một số vấn đề về thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, đồng thời tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong điều hành chính sách thuế.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói ông “phấn khích” với trả lời của bộ trưởng và đề nghị phải làm thế nào để Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn hơn nữa. Đồng thời, tìm cách để lưu thông những sản phẩm đặc thù giữa Bắc-Nam một cách tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt phần tranh luận và nói rằng: Vì phần tranh luận còn có cả những đề nghị nên bộ trưởng Bộ Công Thương phải có văn bản trả lời các vị ĐB sau.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.