Đề cập đến những công trình đắp chiếu cũng như nhiều dự án, công trình đang làm ô nhiễm môi trường, ông Quốc đặt vấn đề: “Những công trình đắp chiếu đang tồn tại nhưng chúng ta nghĩ gì với những công trình đeo đẳng như Fomossa, Nghi Sơn. Những cơ quan, những vị có trách nhiệm với tương lai đừng đặt con cháu lên lưng hổ”.
ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo ông Quốc, việc né tránh cung cấp thông tin mang đến hiệu quả tiêu cực, gây sự hiểu lầm, như vụ Formosa phản ứng của dân là tất nhiên. Có lẽ nhiều cách thể hiện phản ứng của người dân chưa phù hợp nhưng việc bảo vệ người dân, điều tra những “kẻ xấu” là cần thiết.
“Nếu báo chí im lặng thì thông tin ngoài luồng lại phản ánh. Chúng ta tựa như vùi đầu xuống cát để các thông tin khác nhau làm mưa làm gió” - ông Quốc nhận định.
Về báo cáo của Chính phủ, ông Quốc nhận xét có những nội dung cần có, người dân đang quan tâm, liên quan đến mục tiêu dài hạn thì lại không thấy có mặt.
“Bốn chiếc máy bay hiện đại mất đi mặc dù rủi ro là khó tránh, mất mát cán bộ là đau xót, phải chăng vì thế ít ai nhắc đến? Nhưng bốn chiếc máy bay là rất lớn mà báo cáo Chính phủ không đề cập tới là không chấp nhận” - ông Quốc nói và cho rằng đây là bằng chứng về tình hình sử dụng tài sản công và người dân có quyền đòi hỏi được biết.