Cải cách thể chế:

Công khai, minh bạch là giải pháp bao trùm

Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trên nhiều diễn đàn chính trị năm qua là  phát biểu thẳng thắn về cải cách thể chế, thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Có thể nói đây là những lời gan ruột của người trong cuộc. Ngay lập tức những ý kiến này đã được các chuyên gia đồng lòng chia sẻ.

“Tất cả chúng tôi, những chuyên gia khi được mời tham vấn đều ủng hộ đến cùng và sát cánh cùng bộ trưởng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã bày tỏ như vậy với Pháp Luật TP.HCM ngày đầu năm.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cách quản lý hiện nay đã làm cho đầu tư công vô cùng tản mạn, manh mún. Ảnh: HTD 

Từ “xin cho” đến “xin chia”

. Phóng viên: Thực trạng đầu tư công hiện nay đã được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khái quát như một dàn nhạc không có nhạc trưởng, mạnh ai nấy làm. Bà đánh giá thế nào?

+ Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Bản chất của đầu tư công là dù từ tiền thuế của dân đóng góp hay vốn ODA, trái phiếu thì người cuối cùng phải trả vẫn là dân. Thế nhưng lâu nay nhiều người vẫn nghĩ đầu tư công là tiền của Nhà nước cho để làm cái này cái khác nên đã xóa nhòa đi vai trò của người dân. Thêm vào đó là khoảng trống lớn trong việc phân cấp, phân công… nên nhiều khi tưởng đã quy định chặt chẽ nhưng lại rất lỏng lẻo, đến khi xảy ra sự việc gì thì không ai chịu trách nhiệm. Cách quản lý hiện nay đã làm cho đầu tư công vô cùng tản mạn, manh mún, tính ra có hơn 300.000 dự án đầu tư công tiến hành cùng một lúc trên đất nước. Không có nước nào mà Nhà nước đứng ra làm quá nhiều dự án như ở Việt Nam và như thế làm sao bộ máy có đủ năng lực để quản lý!

. Đúng là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có nêu lên hạn chế của cơ chế hiện nay là giao quyền cho người “không biết gì, không biết mình có bao nhiêu tiền” quyết định các dự án đầu tư?

+ Đúng thế. Hiện nay chúng ta giao quyền nhưng không giao trách nhiệm rõ ràng. Đáng lẽ một khi quyết định đầu tư thì phải có tiền, có năng lực, có khả năng quản trị, phải đảm bảo đầu tư đó được tiến hành đúng theo những mục tiêu mong muốn và trong quá trình thực hiện xảy ra việc gì thì phải chịu trách nhiệm. Như bộ trưởng nói, người ta chỉ có quyền quyết định nhưng lại không có những khâu cần thiết và trách nhiệm đi cùng với nó. Chính vì vậy mới có tình trạng ai cũng muốn quyết định đầu tư thật nhiều. Ở đây chưa đề cập đến vấn đề tham nhũng nhưng về thực tế thì những người có thẩm quyền quyết định ai cũng có động cơ muốn có nhiều quyết định mang lại lợi ích cho địa phương và ngành của mình.

Bộ trưởng Vinh là người từng làm ở địa phương rồi nên ông biết rõ câu chuyện “xin cho” của các địa phương như thế nào. Ở rất nhiều nơi, các doanh nghiệp (DN) và địa phương thường hay nói vui bây giờ không còn là “xin cho” nữa mà là “xin chia”. Chính tình trạng này làm cho tính minh bạch giảm đi, trách nhiệm giải trình cũng biến mất.

Mở rộng cho thị trường tham gia

. Trong các phát biểu của mình, Bộ trưởng Vinh nhiều lần nhấn mạnh rằng đất nước này cần minh bạch và không tham nhũng vì tham nhũng làm đất nước chết nhanh nhất. Bà nghĩ như thế nào về phát biểu này?

+ Tôi hoàn toàn tán thành điều đó. Nói đến tham nhũng thì trầm trọng nhất là ở khu vực sử dụng tài sản công, trong đó có vốn đầu tư, tài nguyên do Nhà nước quản lý được đưa vào các dự án đầu tư công. Vì vậy không nên coi Luật Đầu tư công chủ yếu là quản lý sử dụng vốn nhà nước. Nếu chỉ tính vốn không thôi rất hẹp chỉ được tính bằng tiền, trong khi vốn của đất nước này còn bao nhiêu tài nguyên khác như đất đai, con người… được huy động vào các dự án đầu tư công.

Trong đầu tư công cũng cần quan tâm đến phần đầu tư vào DN nhà nước (NN), đó là một phần không nhỏ bởi nhiều khi một dự án đầu tư của một DNNN lớn hơn nhiều dự án đầu tư công khác cộng lại. Chỉ cần bớt đi một vài dự án của DNNN cũng đủ cho bao nhiêu dự án bệnh viện, trường học đang thiếu thốn nghiêm trọng.

. Nói về giải pháp khắc phục những hạn chế trong đầu tư công cũng như giải bài toán cứu cánh nền kinh tế của đất nước hiện nay, Bộ trưởng Vinh có đề cập đến vấn đề cải cách thể chế, vậy theo bà cải cách thể chế cần tập trung vào những nội dung cụ thể nào?

+ Theo tôi, số một là cần tập trung cải cách thể chế kinh tế thị trường, trong đó làm rõ vai trò của Nhà nước, thị trường, xã hội. Phải xác định rõ Nhà nước làm cái gì chứ không thể nói xây dựng thể chế kinh tế thị trường mà Nhà nước lại làm quá nhiều việc về thương mại, về kinh doanh. Nhà nước cần hạn chế mình trong các hoạt động thương mại, kinh doanh và chỉ hoạt động trong một số lĩnh vực cần thiết nhưng cũng cần dần dần mở rộng cho thị trường tham gia. Nhà nước chỉ tập trung vào hoạt động phục vụ các lợi ích chung của đất nước là chính. Một khía cạnh khác trong thể chế kinh tế thị trường là đã theo nguyên tắc thị trường thì quy luật số một là cạnh tranh. Vì vậy cần làm rõ giữa độc quyền và cạnh tranh, độc quyền còn cái gì và cạnh tranh như thế nào, kể cả trong những lĩnh vực độc quyền tư nhân thì cũng phải có lộ trình hướng đến cạnh tranh.

Ngoài ra còn có các vấn đề về thể chế kinh doanh, phát triển DN, liên quan đến các vấn đề về môi trường kinh doanh, Luật Doanh nghiệp, đầu tư. Trong đó cần lưu ý cả bốn khối: DN tư nhân, DNNN, FDI và các khu vực khác. Cải cách thể chế cần tạo điều kiện cho tất cả các khối này phát triển chứ không phải như hiện nay bao giờ cũng DNNN ưu tiên số một rồi đến FDI, nguồn lực dồn hết vào đấy, còn khu vực tư nhân và các khu vực khác không còn nguồn lực để phát triển. Cần làm rõ vai trò của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích của phát triển. Bởi lẽ từ phân bổ nguồn lực hầu hết nằm trong tay Nhà nước bị méo mó, chạy theo nhóm dẫn đến phân bổ lợi ích không công bằng và cuối cùng đông đảo người dân không được hưởng lợi ích nhiều, trong khi lợi ích lại rơi vào tay một số nhóm ít người tạo nên tình trạng khoảng cách thu nhập giãn ra rất lớn, nhất là khoảng cách tích tụ tài sản.

Thứ ba là cải cách thể chế thị trường tài chính, nguồn vốn nói chung. Thứ tư là cải cách các vấn đề về Nhà nước trong kinh tế thị trường. Đó là các quy định Nhà nước làm gì, về bộ máy nhà nước, công chức nhà nước, tuyển dụng, chế độ, quan hệ nhà nước với xã hội, nguyên tắc về minh bạch và trách nhiệm giải trình…

Cái tâm và sự dũng cảm của vị bộ trưởng

. Việc một bộ trưởng dám thẳng thắn nói lên những vấn đề bức xúc của ngành mình, đất nước mình như thế lâu nay là rất hiếm. Theo bà, qua những phát biểu đầy tâm huyết gần đây của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho thấy điều gì?

+ Tôi rất là quý trọng ông Vinh, những điều ông nói ra được như vậy là vô cùng đáng quý. Điều đó đòi hỏi trước hết là về nhận thức, hiểu biết cho thấy Bộ trưởng Vinh hơn rất nhiều bộ trưởng khác, hơn nhiều lãnh đạo địa phương. Thứ hai là về cái tâm và sự dũng cảm để nói lên những điều đó. Khi có tâm thì mới có sự dũng cảm để nói lên. Có thể khi nói như vậy, Bộ trưởng Vinh sẽ làm phật lòng rất nhiều cơ quan có quyền lực trong việc phân bổ các nguồn lực liên quan cũng như các địa phương. Ngay bộ trưởng cũng biết những phát biểu ấy có thể gây rủi ro cho chính mình nhưng bộ trưởng cũng tự nhận thấy không thể vì thế mà không dám nói, không dám làm. Ngay những phát biểu của bộ trưởng ở thảo luận tổ kỳ họp QH vừa qua cũng đã làm lay động bao nhiêu người, đến hôm hội nghị mặt trận và họp với các chuyên gia về cải cách thể chế bộ trưởng cũng nói hết những lời tâm huyết này.

Lâu nay xã hội nói chung và các chuyên gia nói riêng đã bức xúc nhiều. Những bức xúc này được nêu ra ở rất nhiều diễn đàn nhưng điều đáng tiếc là hầu hết là các chuyên gia ngồi nói với nhau nghe hoặc chỉ ra đến diễn đàn QH rồi chìm nghỉm. Vì vậy mà cái đáng quý là bây giờ đã có một vị lãnh đạo cấp bộ trưởng đưa ra những lời tâm huyết như vậy. Bản thân Bộ trưởng Vinh cũng nói cần có sự thuyết phục ở cấp cao hơn và ông cũng chưa chắc đã thuyết phục được nhưng ông vẫn nói, đấy là điều vô cùng đáng quý. Tôi cũng mong là có được Luật Đầu tư công thật tốt, thật chặt, khắc phục được nhiều vấn đề đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát hiện nay.

. Xin cảm ơn bà!


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:“Tôi sẵn sàng giải trình”

Phát biểu tại Văn phòng Chính phủ ngày 21-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến đòi hỏi của xã hội là “thông tin nhanh, kịp thời, chính xác”. Ông đã yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, “cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm. Đồng thời chú ý đến trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước đối với những vấn đề nổi cộm, những việc chưa thông suốt, những chủ trương, chính sách mới”.

Đặc biệt, Thủ tướng nói rõ bộ trưởng khi ban hành chủ trương, chính sách thì phải có trách nhiệm giải trình với người dân. “Trách nhiệm của chúng ta là giải trình, giải đáp cho người dân với tinh thần Chính phủ phục vụ. Có việc thứ trưởng, có việc bộ trưởng hoặc phó thủ tướng, có việc do Thủ tướng Chính phủ phải giải trình, tôi rất sẵn sàng” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

(Tuổi Trẻ 22-1)

Những phát ngôn chấn động của Bộ trưởng Vinh

“Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi, thưa bộ trưởng, bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ KH&ĐT nữa?”.

“Đất nước này cần công khai, minh bạch và không tham nhũng, bởi tham nhũng làm cho đất nước này chết nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người nhưng phải làm. Nếu QH, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi, tôi cũng vui vẻ vì tôi không có gì để mất”.

“Rất lâu trong lĩnh vực kinh tế, rất lâu ở địa phương nên tôi hiểu cơ chế trung ương phân bổ thế nào rồi việc địa phương chạy chọt thế nào, tôi biết hết”.

THU HẰNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm